Thế giới tuần qua: Bước ngoặt ở châu Âu

06/12/2009 - 15:10

Hiệp ước Lisbon chính thức có hiệu lực tạo ra bước ngoặt mới ở châu Âu, khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… là những sự kiện chính diễn ra trong tuần qua.

Ngày 1/12/2009, Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực, mở ra một giai đoạn mới đối với 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Hiệp ước Lisbon thể hiện một sự lớn mạnh trong dân chủ và hiệu quả của EU. Hiệp ước này tăng thêm quyền lực cho Nghị viện châu Âu và khiến việc ra quyết định của EU bớt cồng kềnh hơn. Hiệp ước này cũng lập ra chức Chủ tịch EU và tăng thêm quyền hạn cho Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU.

Cũng từ ngày này, ông Herman Van Rompuy, cựu Thủ tướng Bỉ, chính thức đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh châu Âu (được xem như Tổng thống của EU) nhiệm kỳ 2 năm rưỡi. Đồng thời, bà Catherine Ashton - người Anh - cũng trở thành Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, chức vụ được xem như "Ngoại trưởng EU".

 Hiệp ước Lisbon về cải cách các thể chế quyền lực của EU được coi là một văn bản pháp lý quan trọng, hy vọng sẽ mang lại cho EU một diện mạo mới bằng sự thịnh vượng và đoàn kết. Song  mọi sự tập trung của dư luận lúc này đang hướng về Chủ tịch đầu tiên của EU, người sẽ chèo lái con thuyền EU với hơn 500 triệu dân trong tiến trình thực hiện cải cách và thay đổi để phù hợp với qui mô mở rộng và nâng cao hơn vị thế của EU trên vũ đài quốc tế.

Daniel Gros, một nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu tại Brussels, cho rằng trong Hiệp ước Lisbon sẽ có nhiều thay đổi thể chế tốt, nhưng EU sẽ không thể tăng thêm trọng lượng trong ngoại giao quốc tế trong vòng một đêm. Ông nói: "Đây sẽ không phải là một cuộc cách mạng. Ít nhất là trong năm đầu tiên, thách thức chính sẽ không phải là giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn, mà là làm cho bộ máy vận hành và tạo tiền lệ hữu dụng cho mai sau".

Ngày 30/11, hội nghị cấp Bộ trưởng đầu tiên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong vòng bốn năm qua đã khai mạc tại Geneva (Thụy Sĩ), nơi các quan chức đứng đầu ngành thương mại đến từ 153 quốc gia thành viên sẽ tổng kết các hoạt động của tổ chức thương mại đa phương này.

Tổng Giám đốc WTO, ông Pascal Lamy cho rằng đây sẽ là "diễn đàn để các Bộ trưởng nhìn lại quá trình WTO thực hiện chức năng của mình" và là dịp "để phát đi các tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới về toàn bộ những vấn đề hàng đầu của WTO từ hoạt động kiểm tra và giám sát đến những tranh chấp, gia nhập, trợ giúp thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý quốc tế". Tại hội nghị 3 ngày này, hơn 2.700 đại biểu tiến hành các cuộc thảo luận với chủ đề chính là "WTO, Hệ thống thương mại đa phương và Môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay".

Trước khi hội nghị khai mạc, ngày 29/11, hơn 100 quốc gia đang phát triển đã kêu gọi "khẩn cấp" khép lại các cuộc thương thảo về một hiệp ước tự do hóa thương mại thế giới. Hội nghị các Bộ trưởng G-20 ra tuyên bố - được các nước Châu Phi, Caribê, Thái Bình Dương cùng các nước kém phát triển tán thành - nêu rõ: "Các Bộ trưởng G-20 đã kêu gọi hành động cấp bách đối với Vòng đàm phán Doha. Cần cấp bách chuyển những tuyên bố chính trị thành các cam kết cụ thể tại Geneva để hoàn tất mục tiêu chung là khép lại Vòng đàm phán Doha vào năm 2010".

Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ barack Obama đã quyết định chiến lược quân sự mới tại Afghanistan, trong đó sẽ sớm tăng thêm 30.000 quân tới nước này theo đề nghị của các tư lệnh chiến trường. Ông khẳng định mục tiêu chính của việc tăng quân là tiêu diệt các mầm mống phá hoại từ phiến quân Taliban và mạng lưới khủng bố Al-Qeada, đồng thời giúp đảm bảo an ninh Afghanistan trong chiến lược chống khủng bố toàn cầu. Hiện Mỹ có 68.000 quân đồn trú tại Afghanistan, trong khi 27 quốc gia thành viên NATO khác và 15 nước không phải NATO đang đóng góp 38.000 quân. Để điều động thêm 30.000 quân tới Afghanistan, quân đội Mỹ sẽ phải chi thêm ít nhất 30 tỷ USD

Khi nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục dần, nhưng còn mong manh, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), khuyến cáo các chính phủ không nên sớm dừng các chương trình kích thích kinh tế, thì Mỹ lại có vẻ sớm chấm dứt chương trình kích thích trị giá hơn 700 tỷ USD.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật bản lại tiếp túc “bơm” thêm khoảng 10.000 tỷ Yên (115 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua hoạt động cung cấp vốn khẩn cấp mới nhằm làm dịu căng thẳng trên thị trường ngoại hối, hỗ trợ ngăn chặn giảm phát và thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Trước đó, ngày 30/11 Chính phủ nước này chi bổ sung 2,7 nghìn tỷ yên (31 tỷ USD) trong tài khóa hiện nay để kích thích nền kinh tế, ngăn chặn đồng Yên tăng giá và giá cổ phiếu sụt giảm.  

Giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng nợ của Dubai là lời cảnh tỉnh đối với thị trường trái phiếu về khoản nợ chồng chất và các chiến lược thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu của các chính phủ, sự yếu kém của khu vực đồng Euro và vị thế của các nền kinh tế đang nổi. Cuộc khủng hoảng Dubai, mặc dù được đánh giá là một vấn đề địa phương, nhưng lại đặt vấn đề tài chính công - vốn rất căng thẳng ở nhiều nước - vào một tâm điểm mới.

Theo Marco Annunziata, nhà kinh tế trưởng của công ty UniCredit Group tại London, cuộc khủng hoảng của "Dubai World" là "lời cảnh tỉnh thô bạo" đối với giới đầu tư. Hàng ngày, các ngân hàng, người môi giới, và các cơ quan xếp hạng tín dụng đều công bố báo cáo phân tích về quy mô của những vấn đề này, độ tin cậy của các chiến lược thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu của các chính phủ trong bối cảnh bắt đầu có những dấu hiệu về phục hồi.

Tuần qua, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Hokkaido của Nhật Bản cho biết họ đã tìm ra hợp chất có thể chữa trị cúm A/H1N1 hiệu quả hơn thuốc Tamiflu. Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Tadaaki Miyazaki thuộc Trung tâm nghiên cứu kiểm soát các bệnh lây từ thú sang người thuộc trường Đại học Hokkaido lãnh đạo đã phát hiện hợp chất gồm các vi khuẩn axít lactic và aureobasidium (một loại polysaccharide) có tác dụng hiệu quả hơn so với thuốc chữa cúm Tamiflu trong việc làm tăng tỷ lệ sống sót và loại bỏ tình trạng sụt cân của các chú chuột bị nhiễm virút cúm A/H1N1.

Phát hiện trên của các nhà khoa học Nhật Bản có thể giúp phát triển các loại thuốc mới chữa trị cúm A/H1N1 – một dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện ở 206 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã làm hơn 10.000 người tử vong.

Nguồn chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN