Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 26-7-2020:

Thế giới vượt 16 triệu ca; Triều Tiên có ca nghi nhiễm đầu tiên

26/07/2020 - 06:58

Tính tới 6 giờ sáng 26-7-2020 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 16 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 647.000 ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới có trên 241.000 ca bệnh và trên 5.400 ca tử vong, chủ yếu vẫn tập trung ở ba quốc gia “nóng” nhất là Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Mexico City, Mexico ngày 20-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Mexico City, Mexico ngày 20-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây vẫn là ba quốc gia có số ca mắc cao nhất trong 24 giờ qua. Cụ thể là: Mỹ ghi nhận trên 61.000 ca bệnh mới; Brazil có thêm trên 46.000 người mắc COVID-19; còn số ca mắc mới ở Ấn Độ là trên 48.000 ca.

Ba quốc gia này cùng Mexico có số người tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: Brazil (1.064 ca), Mỹ (832 ca), Mexico (737 ca) và Ấn Độ (690 ca).

Đáng lưu ý, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 26-7-2020 đưa tin Bình Nhưỡng đã thông báo về ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Đây là một người trở về Triều Tiên hôm 19-7-2020. Theo KCNA, Chủ tịch đạo Kim Jong-un ngày 25-7-2020 đã triệu tập cuộc họp khẩn của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên để thảo luận về “một sự việc khẩn cấp xảy ra ở thành phố Kaesong”.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở bang Bihar, Ấn Độ ngày 21-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở bang Bihar, Ấn Độ ngày 21-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, theo số liệu hãng tin Reuters thu thập, phân tích, khoảng 40 quốc gia đã ghi nhận số các mắc mới trong ngày cao kỉ lục trong tuần vừa qua, với tổng số ca lây nhiễm mới tăng gấp đôi tuần trước.

Mức lây nhiễm cao không chỉ xảy ra ở những nước nhóm đầu trong các bản tin COVID-19 toàn cầu như Mỹ, Brazil, Ấn Độ, mà còn xuất hiện tại Australia, Nhật Bản, Hong Kong/Trung Quốc, Bolivia, Sudan, Ethiopia, Bulgaria, Bỉ, Uzbekistan, Israel…

Dữ liệu do Reuters thu thập từ các nguồn chính thống cho thấy số lượng các quốc gia công bố số ca nhiễm nhiễm mới theo ngày cao kỉ lục tăng nhanh trong tháng 7 này. Tại thời điểm ba tuần trước đây, con số này là 12 nước; hai tuần trước là 20 nước. Nhưng đến tuần vừa rồi con số này lên đến 37 nước. 

Giới chức chính quyền và các chuyên gia y tế nhận định số ca nhiễm và tử vong có thể còn cao hơn mức công bố, đặc biệt là ở những nước nghèo, nơi có hệ thống y tế yếu kém. Hãng tin Reuters mới chỉ thu thập dữ liệu về những nước công bố thông tin về COVID-19 hàng ngày.

Mỹ liên tục ghi nhận ca mắc và tử vong ở mức cao

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở bang Texas, Mỹ ngày 2-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở bang Texas, Mỹ ngày 2-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua tính tới 6 giờ sáng 26-7-2020 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận trên 61.000 ca mắc. Trước đó, ngày 25 và 24 là hai ngày liên tiếp Mỹ chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng ở mức trên 70.000 ca và số ca tử vong tăng trên 1.000 ca.

Sau khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm giảm vào cuối mùa xuân, Mỹ đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại, đặc biệt ở các bang miền Tây và miền Nam như California, Texas, Alabama và Florida. Trong 11 ngày vừa qua, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đều ở mức trên 60.000 ca/ngày. Các nhà khoa học cho rằng tỷ lệ tử vong thường tăng trong khoảng 3-4 tuần sau khi số ca nhiễm tăng. Trong khi đó, trong 3 ngày qua, số ca tử vong mỗi ngày ở Mỹ đã ở mức trên 1.000 ca, sau khi vượt mức 500 ca/ngày vào khoảng cuối tháng 6. 

Theo số liệu tổng hợp của Reuters, Mỹ có 98 ngày để chạm mốc 1 triệu ca mắc COVID-19 nhưng chỉ cần 16 ngày để tăng từ mức 3 triệu ca lên 4 triệu ca.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở bang Florida, Mỹ ngày 22-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở bang Florida, Mỹ ngày 22-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho rằng trẻ em vẫn nên trở lại trường học kể cả khi các kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em có thể lây truyền virus SARS-CoV-2 nếu mắc phải. 

Phát biểu của bà McEnany được đưa ra sau khi Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách chống COVID-19 của Nhà Trắng, cho biết hiện vẫn chưa rõ khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 ở trẻ em dưới 10 tuổi. Bà Birx dẫn một kết quả nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy trẻ em dưới 10 tuổi ít có khả năng lây truyền virus hơn, trong khi trẻ em trên 10 tuổi có khả năng lây truyền virus tương đương người lớn. Bà đồng thời cảnh báo trẻ em có sẵn bệnh lý nền có thể "hứng chịu hậu quả nghiêm trọng" nếu mắc COVID-19.

Cũng trong ngày 24-7-2020, nhiều quan chức giáo dục và y tế của Chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải mở lại trường học. Theo lý giải, việc mở cửa lại trường học là quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em, cũng như cho phép cha mẹ đi làm trở lại để thúc đẩy nền kinh tế, vốn là một ưu tiên của Tổng thống Donald Trump khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.

Theo khảo sát của Reuters/Ipsos công bố hồi tuần trước, chỉ có 25% số người Mỹ cho rằng việc mở lại trường học là an toàn, trong khi 10% cho biết sẽ cho con ở nhà nếu trường mở cửa trở lại.

Trung Quốc: Hong Kong có số ca nhiễm trong ngày cao nhất

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 19-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 19-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 25-7-2020, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo đã ghi nhận 133 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 126 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại đặc khu này. 

Khi số ca nhiễm mới không ngừng tăng từ đầu tháng 7 này, chính quyền đặc khu Hong Kong đã triển khai hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội như bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng, đóng cửa các khu giải trí.

Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh tình hình hiện nay rất đáng lo ngại, khẳng định chính quyền đang nhanh chóng ứng phó thông qua việc cải thiện năng lực xét nghiệm và xây dựng thêm các cơ sở chống dịch.

Theo thống kê, kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 1, tổng số ca nhiễm tại Hong Kong đến nay lên tới khoảng 2.000 ca, số ca tử vong là 18 ca.

Nhật Bản: Tokyo ngày thứ 5 ghi nhận trên 200 ca

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 295 ca nhiễm trong ngày 25-7-2020. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới tại thành phố này ở mức trên 200 ca. Tổng số ca nhiễm tại Tokyo hiện là 10.975 ca.

Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike tiếp tục kêu gọi người dân đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng dịch, tránh đi ra ngoài nếu không cần thiết trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Bà cho biết số người trong độ tuổi 20-30 hiện chiếm khoảng 60% số ca nhiễm, song dịch bệnh cũng đang lây lan trong nhóm có độ tuổi 40-50, từ trung tâm thành phố tới quận Tama, phía Tây thủ đô. Bà cũng đã nâng cảnh báo đại dịch tại thành phố lên mức cao nhất trong thang cảnh báo gồm 4 cấp, đồng nghĩa dịch bệnh đang lây lan.

Trong khi đó, một số khu vực đô thị khác cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh kể từ khi Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp quốc gia vào cuối tháng 5. Tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản tính đến nay là khoảng 30.000 ca, bao gồm khoảng 700 ca trên du thuyền Diamond Princess được cách ly ngoài khơi Yokohama vào tháng 2 vừa qua. 

Ukraine có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất trong một tháng

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine ngày 30-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine ngày 30-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 25-7-2020, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov cho biết nước này đã ghi nhận 1.106 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức trong ngày cao nhất kể từ ngày 26-6-2020, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 63.929 ca.

Số ca nhiễm mới tại Ukraine đã tăng mạnh trong 2 tháng qua sau khi nước này dỡ bỏ dần hạn chế từ cuối tháng 5. Tính đến ngày 25-7-2020, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Ukraine là 1.590 ca, trong khi số bệnh nhân bình phục là 35.497 người.

Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Stepanov kêu gọi người dân Ukraine tuân thủ quy định phòng dịch, nhấn mạnh mọi người cần nhận thức được rằng dịch bệnh hiện nay rất nghiêm trọng. 

Tuần này, Chính phủ Ukraine đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 31-8-2020 tới, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội tại các nhà hàng và khu vực công cộng. Tuy nhiên, chính phủ cũng cho phép một số khu vực nới lỏng nếu đảm bảo khống chế được dịch bệnh. 

Ngân hàng trung ương Ukraine dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm nay sẽ giảm 6%, chủ yếu do các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch. Năm ngoái, GDP của Ukraine tăng trưởng 3,2%.

Italy phạt nặng người không đeo khẩu trang khi đi mua sắm

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Fiumicino ở Rome, Italy ngày 3-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Fiumicino ở Rome, Italy ngày 3-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba người dân thành phố Salerno, miền Trung Italy, đã bị phạt tới 1.000 euro cho mỗi người do không đeo khẩu trang theo quy định trong các cửa hàng, trung tâm thương mại.

Quyết định xử phạt được Chủ tịch vùng Campagnia, Vincenzo De Luca ký ngày 24-7-2020 theo đề xuất của Thị trưởng Salerno Vincenzo Napoli. Đây là mức phạt nặng nhất, lần đầu tiên được ban hành tại Italy kể từ khi dịch bệnh COVID19 bùng phát tại quốc gia Nam Âu này. Những cửa hàng bị phát hiện vi phạm có thể bị xem xét buộc phải đóng cửa.

Được biết, Thị trưởng Vincenzo Napoli cũng thường xuyên cùng với một số cảnh sát đi tuần tra thành phố Salerno, đồng thời đích thân kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống dịch COVID-19 của đội ngũ quản lý và nhân viên các cơ sở thương mại.

Tính tới 6 giờ sáng 26-7-2020 (giờ Việt Nam), Italy ghi nhận 245.864 người mắc COVID-19, trong đó có 35.102 trường hợp tử vong.

COVID-19 khiến một số sự kiện văn hóa, thể thao bị hủy bỏ

Giải đua xe F1 ở Bắc Mỹ

Ảnh minh họa: Getty Images
Ảnh minh họa: Getty Images

Ban tổ chức Giải đua xe Công thức 1 (F1) cho biết các giải đua ở Mỹ, Mexico, Brazil và Canada sẽ bị hủy lịch đấu năm 2020 do đại dịch COVID-19. 

Trước đó, giải đua ở Austin, Texas (Mỹ) đã bị lùi thời điểm tổ chức sang ngày 23-10-2020, giải đua ở Mexico Ciry (Mexico) diễn ra sau đó một tuần và giải đua ở Brazil diễn ra ngày 13-11-2020. Tuy nhiên, ban tổ chức F1 đã quyết định hủy các chặng đua này do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các nước này.

Cũng như nhiều sự kiện thể thao khác, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Giải đua xe F1 đã phải tạm hoãn chỉ vài giờ trước khi khai mạc giải đua ở Melbourn (Australia) hồi tháng 3 vừa qua. Đây là giải đua mở màn mùa thi đấu F1 năm nay. Tuy nhiên, trong tháng này, F1 đã khởi động 2 chặng đua ở Áo và sau đó là chặng đua ở Hungary cuối tuần trước. Hai giải đua tiếp theo sẽ diễn ra ở Silverstone (Anh) vào ngày 31-7 và 7-8-2020. Tất cả các sự kiện đến nay đều không có khán giả.

Theo ban tổ chức F1, sẽ có khoảng 15 đến 18 chặng đua trong mùa giải năm nay và dự kiến mùa giải sẽ kết thúc vào tháng 12-2020.    

Lễ hội carnival năm 2021 ở Brazil

Lễ hội carnival ngày 25-2-2020 tại  Sao Paulo. Ảnh: AFP
Lễ hội carnival ngày 25-2-2020 tại  Sao Paulo. Ảnh: AFP

Chính quyền thành phố Sao Paolo - thành phố lớn nhất Brazil với 12 triệu dân, thông báo hoãn lễ hội đường phố carnival năm tới. 

Phát biểu họp báo, Thị trưởng thành phố Sao Paolo - ông Bruno Covas, cho biết việc tổ chức lễ hội carnival vào tháng 2-2021 là không khả thi. Ông Covas không nêu rõ thời điểm dời sự kiện này, nhưng cho biết có thể là cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7 năm sau. 

Chính quyền thành phố Rio de Janeiro, thành phố đăng cai lễ hội carnival lớn nhất Brazil và một trong những lễ hội nổi tiếng nhất trên thế giới, cũng đang cân nhắc quyết định tương tự. Lễ hội carnival ở Sao Paolo, mặc dù ít được biết đến hơn, nhưng vẫn thu hút hàng chục nghìn người tham gia trong những năm gần đây.

Hiện Brazil ghi nhận số ca mắc COVID-19 và tử vong cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với trên 2,3 triệu ca bệnh và 86.000 ca tử vong. Bang Sao Paolo là tâm dịch của Brazil, chiếm gần 25% số ca tử vong ở nước này. Tình hình dịch bệnh tại thành phố Rio de Janeiro diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.

Peru hủy kế hoạch mở lại thánh địa Machu Picchu    

Thánh địa Machu Picchu. Ảnh: republicworld
Thánh địa Machu Picchu. Ảnh: republicworld

Tại Peru, giới chức nước này đã quyết định hủy kế hoạch mở cửa trở lại thánh địa Machu Picchu vào ngày 24-7-2020, đúng dịp kỷ niệm 109 năm ngày phát hiện ra "Thành phố đã mất của người Inca" (24-7-1911). Thánh địa Machu Picchu đóng cửa hồi giữa tháng 3 vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, "Thành phố đã mất của người Inca" đón khoảng 3.000-5.000 lượt khách thăm quan mỗi ngày.

Peru là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh, với gần 380.000 ca mắc và trên 18.000 ca tử vong.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN