COVID-19 tới 6h sáng 10-11-2021:

Thêm 6.643 người chết; Ca tử vong ở Nga, Ukraine lên kỷ lục mới

10/11/2021 - 06:16

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 413.000 ca nhiễm và 6.643 ca tử vong. Số người tử vong trong ngày tại Nga và Ukraine lại lập kỷ lục mới.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Zagreb, Croatia, ngày 6-11-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Zagreb, Croatia, ngày 6-11-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 10-11 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 251.484.852 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.077,.933 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 413.062 và 6.643 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 227.657.511 người, 18.749.408 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 76.429 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 50.771 ca; Nga đứng thứ hai với 39.160 ca; tiếp theo là Anh (33.117). Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.211 người chết trong ngày, một kỷ lục mới đáng buồn của nước này; tiếp theo là Mỹ (875 ca) và Ukraine (833 ca tử vong). 

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 47.505.253 người, trong đó có 777.427 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.386.786 ca nhiễm, bao gồm 461.827 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.897.025 ca bệnh và 609.756 ca tử vong.   

 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Damascus, Syria, ngày 7-11-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Damascus, Syria, ngày 7-11-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 80,23 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 66,72 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 57 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,61 triệu ca và châu Đại Dương trên 326.000 ca nhiễm.

Nga, Ukraine, Bulgaria: Ca tử vong do COVID-19 theo ngày cao nhất 

Ngày 9-11, nước Nga ghi nhận 1.211 ca tử vong, một con số cao kỷ lục kể từ đầu dịch.

Trong khi đó, Bộ Y tế Ukraine cùng ngày thông báo nước này ghi nhận thêm 833 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 73.890 ca. Đây là số ca tử vong theo ngày cao nhất tại Ukraine kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Con số cao nhất trước đó là 793 ca ghi nhận ngày 6-11 vừa qua. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua là 18.988 ca, nâng tổng số lên 3,11 triệu ca.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Kiev, Ukraine, ngày 2-11-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Kiev, Ukraine, ngày 2-11-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Ukraine mới đây đã áp đặt các biện pháp phong tỏa để hạn chế lây nhiễm, đồng thời quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với nhân viên một số cơ quan nhà nước và tại các vùng đỏ, trong đó có thủ đô Kiev. Cũng theo quy định mới, chỉ những người đã tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được phép vào nhà hàng, phòng tập thể dục và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Trong khi đó ngày 9-11, Bulgaria ghi nhận thêm 334 ca tử vong do COVID-19. Đây cũng là số ca tử vong ghi nhận hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia châu Âu này.

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 thở oxy tại bệnh viện ở Doupnitsa, Bulgaria, ngày 20-1-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 thở oxy tại bệnh viện ở Doupnitsa, Bulgaria, ngày 20-1-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cũng trong 24 giờ qua, Bulgaria ghi nhận 5.286 ca nhiễm mới, thấp hơn so với giai đoạn đỉnh điểm vào cuối tháng 10 vừa qua. Hiện có hơn 8.500 người đang điều trị COVID-19 tại các bệnh viện ở Bulgaria, trong đó có 734 trường hợp phải điều trị tích cực. 

Bulgaria là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Quốc này đang phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ tư. Theo trang thống kê worldometers.info, Bulgaria có tổng cộng ca hơn 638.000 nhiễm và hơn 25.400 ca tử vong do COVID-19.

Moderna xin cấp phép vaccine cho trẻ từ 6-11 tuổi ở EU

Ngày 9-11, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ đã nộp hồ sơ cho Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) xin cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 dành cho trẻ em từ 6-11 tuổi.

Công ty công nghệ sinh học của Mỹ cho biết họ đã nộp hồ sơ cho một liệu trình hai liều vaccine công nghệ mRNA dành cho trẻ em lên EMA. Liều 50 microgam cho mỗi lần tiêm, bằng một nửa so với liều dùng cho người lớn.

Stéphane Bancel, giám đốc điều hành của Moderna nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi đệ trình về việc sử dụng vaccine của chúng tôi ở nhóm tuổi này”.

Tháng trước, Moderna báo cáo rằng vaccine COVID-19 tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ ở trẻ em từ 6-11 tuổi, tương tự như ở người lớn. Việc nộp đơn xin cấp phép này được đưa ra ngay sau khi liều vaccine tăng cường của Moderna được phép sử dụng ở Liên minh châu Âu (EU) hôm 25-10 vừa qua.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ mua thêm 1,4 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir

Ngày 9-11, hãng dược phẩm Merck&Co Inc (Mỹ) và đối tác là Ridgeback Biotherapeutics (Đức) cho biết Chính phủ Mỹ sẽ mua thêm 1,4 triệu liệu trình thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống để điều trị COVID-19. 

Hồi  tháng 6 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã đồng ý chi 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir và hiện đang chọn mua thêm 1,4 triệu liệu trình nữa, với giá hợp đồng mua cho tổng cộng 3,1 triệu liệu trình là 2,2 tỉ USD. Theo hai hãng trên, Chính phủ Mỹ cũng có quyền mua thêm 2 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir nữa theo hợp đồng. 

Thuốc Molnupiravir do hãng Merck & Co của Mỹ và Công ty Ridgeback cùng phối hợp nghiên cứu phát triển. Đây là một thuốc kháng virus sử dụng qua đường uống và được phát triển để điều trị cúm. Thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong. Ngoài ra, thuốc cũng có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Gamma, Delta và Mu. Hiện Merck & Co Inc đã xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc chữa bệnh COVID-19 thể vừa và nhẹ tại Mỹ. Merck & Co đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir trong năm nay và 20 triệu liệu trình trong năm sau.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức, ngày 29-7-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức, ngày 29-7-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Olympic Bắc Kinh 2022 diễn ra trong trạng thái bình thường mới

Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ được tổ chức ở trạng thái gần như bình thường với đầy đủ các quầy hàng bán đồ lưu niệm, ẩm thực và các quán bia tại các địa điểm thi đấu và điều khác biệt là toàn bộ các hoạt động này diễn ra trong bong bóng khép kín. Các bên tổ chức đại hội ngày 9-11 đã công bố thông tin trên. 

Theo kế hoạch, Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ diễn ra từ 4 – 20-2-2022 mà không có khán giả nước ngoài và toàn bộ người tham gia sự kiện phải xét nghiệm hàng ngày trong bối cảnh Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách "Zero COVID" và áp dụng một số biện pháp phòng dịch ngặt nghèo nhất thế giới. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tây Ninh, Thanh Hải, Trung Quốc, ngày 6-11-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tây Ninh, Thanh Hải, Trung Quốc, ngày 6-11-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Hiện vẫn còn chưa rõ về cách thức các trận đấu được tiến hành, bao gồm cả cách thức phân phối vé cho khán giả địa phương - những người sẽ được tách biệt với các vận động viên và các nhân viên khác tại các địa điểm thi đấu ở thành phố Bắc Kinh (Beijing) và tại Trương Gia Khẩu (Zhangjiakou) ở tỉnh Hà Bắc. Trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao, các vận động viên, nhà báo, nhân viên và tình nguyện viên sẽ thực hiện chương trình "bong bóng" với sự quản lý khép kín.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Marseille, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Marseille, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

WHO cảnh báo thiếu 1-2 tỉ ống tiêm vaccine vào năm 2022

WHO ngày 9-11 đã cảnh báo nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu ống tiêm để phục vụ chương trình tiêm phòng  COVID-19 vào năm 2022.

Chuyên gia thuộc WHO Lisa Hedman nói: "Chúng ta có thể chứng kiến tình trạng thiếu hụt ống tiêm trên toàn cầu, có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng như làm chậm tiến độ tiêm chủng, cũng như những lo ngại về an toàn". Bà Hedman nhấn mạnh rằng tình trạng thiếu hụt ống tiêm có thể dẫn tới sự trì hoãn trong chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhất là đối với trẻ em, và các dịch vụ y tế khác cũng như việc tái sử dụng ống tiêm và kim tiêm đã qua sử dụng, nhất là ở các nước nghèo. 

Nhân viên y tế tại Lào chuẩn bị mũi tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Xinhua

Nhân viên y tế tại Lào chuẩn bị mũi tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Xinhua

Theo bà, khoảng 6,8 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, trong khi tổng công suất sản xuất ống tiêm phục vụ tiêm chủng là khoảng 6 tỉ ống/năm. Điều này có nghĩa là thế giới có thể thiếu hụt tới 2 tỉ ống tiêm vào năm tới nếu không có thêm các nhà máy chuyển sang sản xuất ống tiêm phục vụ tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Singapore nới thêm hạn chế

Lực lượng đặc nhiệm đa bộ phụ trách đối phó COVID-19 của Singapore cho biết số ca nhập viện và tỷ lệ người mắc bệnh nghiêm trọng vẫn ổn định. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 hàng tuần cũng thấp hơn trong năm ngày qua. Với sự cải thiện về số ca nhập viện, một số biện pháp sẽ được nới lỏng cẩn trọng kể từ ngày 10-11.

Theo đó, các gia đình được tiêm chủng đầy đủ được phép ăn nhà hàng với nhóm tối đa 5 người. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong cho biết việc nới lỏng các biện pháp các gia đình ăn hàng cùng nhau là một phần của quá trình từng bước mở cửa Singapore. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ được phép tại các cơ sở thực phẩm và đồ uống có thể thực hiện kiểm tra toàn diện các biện pháp quản lý an toàn. Hoạt động ăn uống tại các hàng rong và quán cà phê vẫn giới hạn ở 2 người được tiêm chủng đầy đủ.

Người dân Singapore từ hôm nay được ăn nhà hàng với 5 thành viên đã tiêm chủng. Ảnh: Straits Times

Người dân Singapore từ hôm nay được ăn nhà hàng với 5 thành viên đã tiêm chủng. Ảnh: Straits Times

Bên cạnh đó, nhiều làn đường du lịch quốc tế dành cho du khách đã tiêm chủng cũng được mở rộng, bổ sung Phần Lan và Thụy Điển từ ngày 29-11. Một chuyến bay chung với Malaysia giữa Sân bay Changi và Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur sẽ bắt đầu cùng ngày. Singapore và Malaysia cũng đang thảo luận chi tiết để khởi động một kế hoạch tương tự cho việc đi lại trên các tuyến đường bộ.

Thái Lan mua 2 triệu viên thuốc Molnupiravi

Nội các Thái Lan đã thông qua đề xuất của Bộ Y tế về việc mua 50.000 liệu trình thuốc Molnupiravir (tương đương 2 triệu viên), loại thuốc uống đầu tiên trên thế giới dùng để điều trị COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul ngày 9-11 cho biết loại thuốc này sẽ được sử dụng như một nguồn dự trữ để bảo đảm an ninh dược phẩm và để điều trị bệnh nhân COVID-19 trong những nhóm ưu tiên, bao gồm những người trên 60 tuổi và bệnh nhân mắc bất kỳ một trong 7 bệnh nền là bệnh hô hấp mãn tính, bệnh tim mạch, bệnh thận mãn tính, bệnh mạch máu thần kinh, ung thư, tiểu đường hoặc béo phì.

Người dân chờ tiêm chủng COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 26-7-2021. Ảnh: Reuters

Người dân chờ tiêm chủng COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 26-7-2021. Ảnh: Reuters 

Truyền thông sở tại dẫn lời ông Anutin nói rằng thuốc kháng virus Favipiravir sẽ được dùng cho những bệnh nhân COVID-19 giai đoạn đầu với các triệu chứng nhẹ. Một liệu trình Favipiravir có giá 1.000 baht (khoảng 30 USD) hoặc hơn nếu nhập khẩu, trong khi một liệu trình Molnupiravir có giá khoảng 10.000 baht. Các bác sĩ sẽ quyết định việc sử dụng các loại thuốc này đối với mỗi bệnh nhân.

Molnupiravir, do các công ty dược phẩm Mỹ là Merck, Sharp và Dohme (MSD) và Ridgeback Biotherapeutics phát triển, là loại thuốc kháng virus đầu tiên điều trị COVID-19 mà có thể được dùng dưới dạng viên thay vì tiêm hoặc tiêm tĩnh mạch. Loại thuốc này đang được tiếp thị với tên thương hiệu Lagevrio.

Dự kiến loại thuốc này sẽ được giao cho Thái Lan vào cuối tháng 12 hoặc tháng 1-2022. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán thêm với hãng Pfizer về việc mua loại thuốc điều trị COVID-19 là Paxlovid. Cả 2 loại thuốc đều có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và ngăn ngừa tử vong. Molnupiravir cũng có thể được sử dụng để điều trị cúm, trong khi Paxlovid được phát triển để điều trị riêng cho COVID-19.

 Chuẩn bị thủ tục trước khi tiêm phòng cho các nhà sư tại Campuchia. Ảnh: Xinhua/TTXVN

 Chuẩn bị thủ tục trước khi tiêm phòng cho các nhà sư tại Campuchia. Ảnh: Xinhua/TTXVN

Campuchia đóng cửa tất cả các trường mẫu giáo

Ngày 8-11, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã ra yêu cầu đóng cửa tất cả các trường mẫu giáo trên cả nước cho đến khi có thông báo mới, vì trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Thông báo trên được đưa ra vài giờ sau khi Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen kêu gọi cần tiếp tục đóng cửa các trường mẫu giáo và có phương án từng bước mở cửa nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ em nhỏ. Theo thống kê trong giai đoạn 2016-2020, Campuchia có 5.003 trường và 10.357 lớp mẫu giáo, trong đó có 132 lớp học trong chùa. Sau thông báo trên, dự kiến 289.136 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ tiếp tục ở nhà.

Tính từ ngày 1-11, Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 194.228 trẻ em 5 tuổi, đạt 63,82% trong tổng số 304.317 trẻ trong độ tuổi này. Tính đến ngày 8-11, 13,9 triệu người trên tổng số khoảng 16 triệu dân Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 9,6 triệu người đã tiêm đủ liều vaccine. Trong khi đó, gần 2 triệu người, bao gồm lực lượng y tế, an ninh và người dân sinh sống ở thủ đô Phnom Penh, đã được tiêm mũi vaccine tăng cường.

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1-11-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1-11-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lào lên kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường

Bộ Y tế Lào cho biết sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho các nhân viên y tế nhằm đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch. Đợt tiêm tăng cường đầu tiên dự kiến được triển khai vào từ tháng 1 – 2-2022, tập trung vào số nhân viên y tế trực tiếp tham gia hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Các đợt tiếp theo sẽ dành cho nhóm người cao tuổi, người có bệnh lý nền, cán bộ công chức và lực lượng vũ trang.

Ngày 9-11, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 3 ca tử vong và 1.049 ca mắc mới, trong đó có 1.045 ca cộng đồng, tăng hơn 263 ca so với một ngày trước đó. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là tâm dịch với 512 ca cộng đồng trong cùng ngày. Tính đến nay, số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 48.891 ca, trong đó có 89 ca tử vong.

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi vaccine COVID-19 của Sinopharm tại Vientiane, Lào ngày 17-6-2021. Ảnh: Xihua

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi vaccine COVID-19 của Sinopharm tại Vientiane, Lào ngày 17-6-2021. Ảnh: Xihua 

Indonesia chuẩn bị tiêm phòng cho trẻ em 6-11 tuổi 

Chính phủ Indoneisa đang có kế hoạch hợp tác với các trường học để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ em từ 6-11 tuổi.  

Đối với trẻ em khuyết tật, Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ hợp tác với các trường chuyên biệt và cơ sở cộng đồng cho người khuyết tật. Đối với trẻ em không được đến trường, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với Văn phòng các vấn đề xã hội. Đối với trẻ em mắc các bệnh bẩm sinh như tim, bạch cầu, không được tiêm chủng nếu không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị. 

Hội đồng khoa học Indonesia cũng đang xây dựng các phương án sàng lọc phù hợp cho từng đối tượng trẻ em khi tiến hành tiêm chủng. Sẽ có một hệ thống dữ liệu tiêm chủng duy nhất. Chính phủ yêu cầu phụ huynh chuẩn bị số chứng minh nhân dân (NIK) của trẻ em trước khi tiêm chủng. 

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho khoảng 26 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi trên cả nước, theo đó cần ít nhất 50 triệu liều vaccine.

Malaysia thành lập các khu đầu tư đặc biệt nhằm hồi sinh du lịch

Tong khuôn khổ Chính sách du lịch quốc gia 2020-2030, Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia (MOTAC) sẽ thành lập các khu đầu tư đặc biệt nhằm hồi sinh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. 

Khách du lịch tới đảo Langkawi, Malaysia, ngày 16-9-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khách du lịch tới đảo Langkawi, Malaysia, ngày 16-9-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bộ trưởng MOTAC Nancy Shukri cho biết các khu đầu tư du lịch đặc biệt sẽ được thiết lập ở tất cả các bang của Malaysia nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa chính quyền bang và khu vực tư nhân. Theo bà Nancy Shukri, việc thành lập các khu đầu tư du lịch đặc biệt với các ưu đãi hấp dẫn sẽ thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ giá trị cao, sáng tạo. Ngoài ra, các dự án này cũng giúp thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư cùng tăng cường đầu tư tư nhân vào ngành du lịch. 

Bộ trưởng Nancy Shukri cho biết Chính sách du lịch quốc gia 2020-2030 tập trung vào tăng cường quan hệ đối tác quốc tế và quốc gia, đồng thời đảm bảo tính bền vững cùng khả năng phục hồi của ngành du lịch trước những bất ổn trong tương lai.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN