
Học sinh vừa tốt nghiệp THPT đi lao động nước ngoài sẽ tiếp thu nhanh các kiến thức mới. Ảnh:T.Thảo
Cân nhắc chọn lựa
Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mỗi năm tỉnh có khoảng 10.000 học sinh (HS) tốt nghiệp THPT, trong đó có 6.500 - 7.000 HS vào đại học, cao đẳng và trung cấp, còn lại khoảng 3.000 em đi làm.
Việc chọn lựa của con trai đi lao động ở Nhật Bản đã kéo gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, xã Bình Thành (Giồng Trôm) khỏi cảnh nợ nần. Chị Thủy nói trước diễn đàn: “Nước mặn xâm nhiễm, ruộng nương thất bát, giá cả nông sản xuống thấp, gia đình chúng tôi làm ăn hoài mà không có dư, thậm chí còn lâm vào cảnh nợ nần. Bằng con đường lao động ở nước ngoài, con trai tôi đã giúp gia đình giải quyết hết những cái khó và đứa em gái cũng yên tâm vào đại học”.
Thông qua con đường chính quyền địa phương hướng dẫn, giới thiệu công ty uy tín (có liên kết với UBND tỉnh), con trai chị Nguyễn Thị Thủy chỉ tốn 110 triệu đồng tiền đóng phí, thêm 20 triệu đồng tiền mua đồ lên máy bay. “Chỉ sau 9 tháng, con trai đã gửi về đủ tiền cho tôi trả nợ là 130 triệu đồng tiền phí bay, rồi tiền cho cha mẹ trả nợ và học phí cho em gái đang học sư phạm mầm non. Gia đình tôi giờ đây ổn định rồi, tôi cũng mạnh dạn giới thiệu cho 7 em ở xã Bình Thành, 4 em đã bay còn 3 em đang học chuẩn bị đi” - chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.
Tại buổi truyền thông do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, có 3 công ty là Công ty TNHH Esuhai, Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch Newtatco, Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco) giới thiệu các thị trường đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, cùng các ngành nghề tuyển dụng, mức phí, thời gian đào tạo, thu nhập và quyền lợi khi đi làm việc nước ngoài.
Tác động nhiều phía
So sánh để thấy cái lợi của tuổi 18 khi chọn đi lao động nước ngoài, anh Nguyễn Văn Trường Vi (đại diện Công ty Saigon Inserco) cho biết, tuổi 18 các em có sức khỏe tốt, tuổi trẻ thì đầy nhiệt huyết nhưng thiếu tác phong (hành vi ứng xử phù hợp trong môi trường làm việc công nghiệp, hiện đại - PV). Sự kết nối đúng thời điểm sau khi các em thi tốt nghiệp lớp 12 mà đi lao động nước ngoài sẽ rất thuận lợi vì các em đang có đà học, đà tiếp thu tốt khi học tiếng nước ngoài và văn hóa nước bạn.
Cô Võ Thị Thu - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Anh Xuân, huyện Mỏ Cày Bắc cho hay: “Việc kết nối giữa nhà trường, HS và phụ huynh với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, chính quyền địa phương, các ngành chức năng sẽ giúp ích được nhiều cho HS trong chọn lựa nghề nghiệp tương lai. Thông tin, thuyết phục cho phụ huynh là cần nhất và sẽ thuận lợi hơn khi có nhà trường ở giữa làm cầu nối”.
Được biết, từ tháng 4 và tháng 5-2020, ngay sau khi các em HS kiểm tra học kỳ 2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre có kế hoạch để tuyên truyền đậm và mạnh về cơ hội đi làm việc nước ngoài cho đối tượng là HS ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh Bến Tre đang đẩy mạnh việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Tỉnh ủy, tỉnh cũng tạo điều kiện cho người đi lao động được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và mở rộng phạm vi cho vay với lãi suất hỗ trợ ở 2 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bến Tre, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bến Tre.
Bà Nguyễn Thị Bé Mười - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nói: “Điều chúng tôi quan tâm nhất, mong muốn nhất là doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài sẽ hỗ trợ người lao động khi có rủi ro trong quá trình lao động, đây là vấn đề cần đặt lên hàng đầu”.
T. Thảo