Thi đua sản xuất, kinh doanh, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững

14/10/2016 - 07:15

Sáng nay, 14-10-2016, Hội Nông dân tỉnh tổ chức họp mặt kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2016); trao kỷ niệm chương Vì giai cấp nông dân Việt Nam cho cán bộ có công lao đóng góp xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân tỉnh nhà.

Từ đầu năm 2016 đến nay, với sự hỗ trợ kinh phí của Dự án Heifer, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 36 lớp tập huấn chuyên đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho 820 lượt hộ nông dân xã Thới Thạnh, Bình Thạnh, Mỹ An, Mỹ Hưng (Thạnh Phú). Phối hợp với các công ty phân bón bán trả chậm cho nông dân 243 tấn phân bón hữu cơ; với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho vay qua tổ gần 20 tỷ đồng với 80 tổ, 415 thành viên vay vốn. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay qua các chương trình với tổng dư nợ 705,556 tỷ đồng với 1.133 tổ tiết kiệm vay vốn, có 41.326 thành viên vay.

Hội các huyện, thành phố thành lập mới 6 tổ hợp tác trồng bưởi, với 99 thành viên, nâng tổng số lên 51 tổ, với 1.264 thành viên, hàng tháng tiêu thụ khoảng 38 tấn bưởi. Thành lập được 28 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, với 616 tổ viên. Phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở 46 lớp cho 1.157 học viên, qua đó có 80% tìm được việc làm hoặc áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, có 139.646 hộ nông dân đăng ký, đạt 61,84% so với hộ nông nghiệp. Các cấp Hội đăng ký 170 mô hình “Dân vận khéo”. Hội Nông dân tỉnh đăng ký và triển khai thực hiện mô hình vận động nông dân tham gia tổ hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ bưởi da xanh ở ấp Phước Tự, xã An Khánh (Châu Thành), có 44 thành viên, với 23,6ha, sản lượng khoảng 3 tấn/tháng; mô hình đang hoạt động tốt, chuẩn bị ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cơ sở bưởi da xanh Hương Miền Tây. Đối với mô hình “Nông dân dạy nông dân” ở 7 xã vùng dự án bò sữa huyện Ba Tri, đã triển khai ở 40 nhóm của các xã An Bình Tây, An Phú Trung, An Hiệp, Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, Phú Lễ, Phú Ngãi; tổ chức tập huấn kiến thức quản lý nhóm, kỹ năng truyền đạt, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, đi tham quan thực tế tại các trại chăn nuôi bò sữa huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh cho 40 nông dân nòng cốt. Mô hình “Nông dân giúp nông dân tăng thu nhập” ở xã Bình Thạnh (Thạnh Phú) đang triển khai hiệu quả. Tiếp tục thực hiện Dự án AMD tại xã An Đức (Ba Tri) về xây dựng mô hình “Nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo” với số vốn 300 triệu đồng. Làm việc với Ban Chỉ đạo giảm nghèo 4 xã trong Dự án AMD và xác định được 4 mô hình: tưới phun trên màu ở Thừa Đức, nuôi lươn ở Thạnh Trị (Bình Đại); nuôi tôm càng xanh toàn đực ở Tân Trung (Mỏ Cày Nam); nuôi trăn ở Thành An (Mỏ Cày Bắc). Dự án phát triển chuỗi giá trị bò sữa tại huyện Ba Tri giai đoạn 2015 - 2019 đã mở rộng địa bàn dự án thêm 5 xã, nâng lên 11 xã, với 1.152 hộ tham gia.

Ông Đoàn Văn Đảnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, từ nay đến cuối năm, các cấp Hội trong tỉnh và toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân tiếp tục vận động nông dân tích cực trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất; thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp để thoát nghèo và làm giàu; Đề án phát triển đa dạng sinh kế thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh. Lãnh đạo hướng dẫn các cấp Hội hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển sản xuất để xây dựng mô hình “nông dân tỷ phú”; tổ chức bình xét nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2016.

T. Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN