Trong 5 năm (từ 2003 đến 2007), công tác huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường hẻm nội thị và giao thông nông thôn đã phát triển rộng mạnh khắp địa bàn Thị xã.
Tính bình quân, mỗi năm nhân dân, cán bộ, đảng viên và các doanh nghiệp ở Thị xã đã đóng góp bằng tiền mặt hoặc giá trị công trình qui ra tiền trên 5 tỷ đồng. Nhờ đó đã góp phần đổi mới bộ mặt Thị xã. Các con hẻm nội thị và nhiều con đường ngoại ô được mở rộng và bê-tông hóa, nhựa hóa. Hầu hết diện tích vỉa hè được cải tạo. Nhiều đường thoát nước trong khu dân cư được nạo vét hoặc làm mới. Nhưng đến năm 2008 phong trào này có phần giảm sút, 15 xã, phường chỉ huy động vốn được khoảng 2,7 tỷ đồng. Hạn chế này do lãnh đạo nhiều địa phương cơ sở và một bộ phận nhân dân nhận thức không đúng tinh thần Chỉ thị 24/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các qui định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân”. Từ đó, phong trào huy động vốn trong nhân dân phát triển không đồng đều, nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt. Trong khi Phú Khương huy động 511 triệu đồng (đạt 259% kế hoạch), Sơn Đông huy động trên 368 triệu đồng (đạt 368% kế hoạch), phường 6 huy động 316 triệu đồng (đạt 672% kế hoạch) thì có xã, phường thực hiện chỉ đạt 24% hoặc 50% kế hoạch huy động vốn. Một số ít xã, phường còn nợ các nhà thầu thi công công trình lại huy động vốn thấp nên ngân sách Thị xã phải cho mượn tiền để trả nợ.
Năm 2009 và nhiều năm tiếp theo công tác huy động vốn trong nhân dân để thực hiện các công trình có qui mô nhỏ trong khu dân cư chưa thể dừng lại mà phải làm tích cực hơn. Trước hết vì nhiệm vụ xây dựng đô thị còn rất nặng nề. Nhiều yêu cầu trong khu dân cư về nâng cấp mở rộng đường đi, xây dựng hệ thống chiếu sáng lộ, hẻm và nhất là xây dựng, cải tạo hệ thống cống thoát nước đang đặt ra rất bức xúc. Riêng trong năm 2009 có trên 50 công trình thoát nước phải đầu tư với tổng số vốn gần 30 tỷ đồng. Trong khi ngân sách Nhà nước có hạn lại phải đầu tư cho nhiều loại công trình và phải đầu tư những công trình lớn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình nhỏ phục vụ trong phạm vi ấp, khu phố, tổ NDTQ là hết sức cần thiết. Hơn nữa, nếu nhân dân có đóng góp vốn và ngày công vào công trình thì họ mới nâng cao tình cảm và có ý thức bảo quản công trình được lâu dài. Với thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn Thị xã khoảng 20 triệu đồng/người/năm thì nhân dân có nhiều khả năng góp vốn để xây dựng các công trình phục vụ ngay tại địa phương, gia đình mình.
Muốn huy động được sự đóng góp của nhân dân, khôi phục lại phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” sôi động như những năm trước đây, trước hết cán bộ và nhân dân Thị xã cần nhận thức đúng về Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị 24/2007/CT-TTg hoàn toàn không cấm huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình công cộng, mà chỉ yêu cầu “đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện” và “đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ. Thực hiện công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân”. Cấp ủy Đảng ở xã, phường, ấp, khu phố phải tập trung lãnh đạo; HĐND, UBND và mặt trận các đoàn thể tùy theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình tổ chức thực hiện công tác huy động sức dân để xây dựng các công trình trên địa bàn bảo đảm hiệu quả công khai, dân chủ. Cần phát huy mạnh phương thức các hộ trong tổ NDTQ hoặc liên tổ NDTQ cử đại diện đứng ra tổ chức huy động vốn và quản lý thi công. Sau khi công trình hoàn thành, ngân sách Thị xã sẽ hỗ trợ trong khoảng từ 20% đến 30% giá trị công trình. Bên cạnh đó cần tích cực vận động các doanh nghiệp có nhiều gắn bó với địa phương đầu tư xây dựng công trình. Đảng ủy, UBND xã, phường cần có các qui định cụ thể và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý sai phạm trong việc bảo quản, sử dụng công trình. Ngoài việc đóng góp tiền vốn và công lao động, nhân dân cần tích cực đóng góp đất đai, cây cối, hoa màu để giải tỏa mặt bằng thực hiện các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Với quyết tâm cao và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm, tin rằng phong trào “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” sẽ tiếp tục được thực hiện rộng, mạnh đều khắp 15 xã, phường trong thời gian tới.