Thỏa thuận để được lối đi

03/07/2011 - 14:45

Hỏi:  Năm 1993, tôi có bán cho bà M 700m2 đất liền kề với phần đất tôi đang ở, canh tác. Sau đó, bà M bán lại cho ông T (phần đất giáp lộ) và xây nhà ở phía trong đất ông T. Bà M cùng 3 hộ dân nữa lấy đường đi (rộng khoảng 1 mét) nằm trên đất của tôi làm lối đi chung. Năm 2006, khi tôi cùng ông T tiến hành việc cắm cọc ranh giới mốc thì  bà A (cùng xóm bà M) vận động một số người nữa ngăn cản, buộc tôi và ông T phải mở rộng thêm lối đi này. Tôi không đồng ý. Đất của tôi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp. UBND xã đã hòa giải, công nhận lối đi trên thuộc quyền sở hữu của tôi. Hiện tại, vì tình nghĩa láng giềng, tôi đã nhượng bộ mở rộng lối đi rộng khoảng 1,5 mét nhưng phía bà M vẫn không đồng ý, buộc tôi phải làm giấy tờ cho lối đi này vĩnh viễn. Tôi phải làm sao?

(Nguyễn Thị Trân, Châu Thành, Bến Tre)

Trả lời: Theo qui định của pháp luật: Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác.

Về nguyên tắc, lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

(Khoản 1 – Điều 275 Bộ Luật Dân sự)

Theo luật, những hộ sử dụng lối đi này có nghĩa vụ phải bồi thường cho bà, theo thỏa thuận giữa các bên. Nếu không thỏa thuận được, bà có quyền gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện nơi bà cư trú yêu cầu giải quyết.

Tổ BĐ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN