Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

04/11/2022 - 06:09

BDK - Năm 2014, Phan Linh Tâm, sinh năm 1996, ấp Phú Hữu, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam được địa phương giới thiệu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản. Được tư vấn và tiếp thu đầy đủ nội dung bổ ích, Tâm quyết định đi XKLĐ vào năm 2016. Sau 3 năm mưu sinh xứ người, Tâm trở về quê hương sinh sống và gắn kết địa phương cũng như chăm lo yên ấm cuộc sống gia đình khi hoàn thành hợp đồng XKLĐ.

Phan Linh Tâm chăm sóc đàn dê của gia đình.

Phan Linh Tâm chăm sóc đàn dê của gia đình.

Năm 2013, Phan Linh Tâm tốt nghiệp THPT, thấy hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên tạm hoãn ước mơ tiếp bước con đường học vấn và đi làm thuê để chăm lo gia đình, thu nhập 150 ngàn đồng/ngày. Xoay sở cuộc sống nhưng vẫn vướng cái nghèo, Tâm nghĩ suy phải đi XKLĐ thì cuộc sống gia đình mới cải thiện. Hành động gắn liền suy nghĩ, Tâm đăng ký tham gia XKLĐ tại Nhật Bản, với diện hộ nghèo do địa phương kết nối và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ kinh phí. Hơn 1 năm học tập kỹ năng làm việc, phỏng vấn và đảm bảo đủ điều kiện mọi thứ ở Bến Tre cũng như ra Hà Nội thì Tâm được sang Nhật Bản (tháng 4-2019). Khi đến Nhật Bản, Tâm phải dành thời gian 1 tháng học tập thực tiễn rồi mới làm việc chi tiết.

Bà Phan Thị Châu (62 tuổi, Tám Châu, mẹ ruột Tâm) chia sẻ: “Khi nhận được giấy trúng tuyển đi XKLĐ của Tâm, vì thương con nên tôi giấu không cho con hay. Hơn tháng sau, con phát hiện và ra Hà Nội học tập để sang Nhật Bản. Khi con hoàn thành hợp đồng XKLĐ trở về gia đình, tôi mừng lắm. Tôi mong con ở lại quê nhà làm việc cho mẹ con gần nhau, gia đình cũng đã thoát nghèo”.

Theo Tâm, cùng đợt Tâm đi XKLĐ thì ở Bến Tre có 200 hồ sơ đăng ký và qua phỏng vấn có 120 người ra Hà Nội học tập; xét duyệt cuối cùng chỉ có 4 người (kể cả Tâm) được đi XKLĐ sang Nhật Bản. Để chu toàn mọi sinh hoạt cùng chi phí học tập, Tâm vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 23 triệu đồng và đi làm đã gửi tiền về trả hoàn tất số nợ. Tâm tham gia lao động tại công trường xây dựng ở Nhật Bản, thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, tích góp gửi về nhà khoảng 80 triệu đồng/6 tháng khi trừ hết mọi chi phí sinh hoạt của bản thân ở Nhật. Tháng 4-2019, Tâm hoàn tất hợp đồng XKLĐ và trở về địa phương đúng thời hạn quy định được Nhà nước hỗ trợ thêm 120 triệu đồng.

Khi hoàn thành XKLĐ tại Nhật Bản, Tâm trả dư nợ 45 triệu đồng mà gia đình vay Ngân hàng Chính sách xã hội và nâng cấp ngôi nhà tình thương khá khang trang. Hiện tại, Tâm đang nuôi 12 con dê sinh sản để bán dê giống cùng vỗ béo, trung bình mỗi con dê sinh sản từ 1 - 3 con/lứa. Tổng thu nhập trên 50 triệu đồng/năm từ việc bán dê thịt và dê giống (trừ hết mọi chi phí đầu tư chăn nuôi). Tâm còn tận dụng 3 công đất của gia đình để trồng cỏ làm thức ăn cho dê. 2 - 3 ngày, Tâm đi cắt cỏ một lần, cung cấp đầy đủ lượng thức ăn.

Được biết, Tâm sống cùng mẹ. Cha mất khi Tâm chừng 2 tuổi. Bà Tám Châu có 3 người con trai: Người con thứ 2 (42 tuổi) đã lập gia đình và sinh sống ở Cà Mau. Người con thứ 3 chưa lập gia đình, tiếp thị hàng tạp hóa ở Long An và Tâm là út. Tháng 7-2022, Phan Linh Tâm kết duyên cùng Lê Thị Kim Thanh (23 tuổi, ấp An Lợi, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam). Tâm ở nhà chăm sóc đàn dê và chăm lo công việc gia đình cùng địa phương. Vợ của Tâm làm ở Khu công nghiệp Giao Long và sinh sống gần đó, ít ngày vợ chồng gặp nhau. Mẹ của Tâm đi thu mua bao ở địa phương.

Bí thư Xã đoàn Cẩm Sơn Nguyễn Thị Hồng Sa cho biết: Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn ấp Phú Hữu, anh Phan Linh Tâm luôn nhiệt huyết tham gia tốt các hoạt động của địa phương và Đoàn cấp trên. Anh là một trong những gương đoàn viên điển hình trong việc dám nghĩ dám làm cùng việc thực hiện tốt ước mơ và hoài bão của bản thân. Tâm đã song hành tốt giữa công việc phát triển kinh tế tạo thu nhập, chăm lo gia đình và công tác địa phương (Đoàn và Dân quân tự vệ ấp). Nhờ tham gia XKLĐ ở Nhật Bản, Tâm đã giúp gia đình thoát nghèo bền vững cũng như sửa sang lại ngôi nhà; có nguồn vốn đầu tư chăn nuôi (dê và gà) để tạo thu nhập cho gia đình; dựng xây hạnh phúc riêng cho bản thân. XKLĐ không phải là hướng đi mới mẻ nhưng đó là cách thức cải thiện cuộc sống nhanh và hiệu quả nhất dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN