Thoát nghèo từ nghề quay chậu xi-măng

21/01/2015 - 09:10

Bà Ngân (giữa) giới thiệu các loại chậu với khách hàng.

Dựa vào thế mạnh của nghề sản xuất hoa kiểng, bà Trần Thị Ngân, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách đã chọn nghề quay chậu để phát triển. Nhờ đầu tư đúng hướng, gia đình bà đã có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Bà Trần Thị Ngân cho biết, gia đình vốn nghèo khó, con đông, nhà không đất sản xuất, ở đậu trên đất của người quen. Cuộc sống buổi đầu còn nhiều thiếu thốn, vợ chồng và các con phải đi làm thuê, từ công việc dọn cỏ, vô cây đến quay chậu... mới có tiền trang trải chi phí trong gia đình. Sau thời gian làm mướn nhiều năm, dành dụm được một ít vốn và ở địa phương có nhiều người sản xuất hoa kiểng, muốn phát huy tay nghề, gia đình bà đã chọn mô hình quay chậu để ổn định đời sống. Bởi lẽ theo bà Ngân, nghề quay chậu chi phí đầu tư ít, không cần nhiều kỹ thuật và bán được quanh năm không như nghề trồng hoa kiểng nguồn vốn ban đầu bỏ ra khá nhiều, thời gian thu hồi vốn lâu một năm mới bán…

Thời gian đầu, kinh tế khó khăn, nguồn vốn lại ít nên gia đình bà tự sản xuất, mỗi người lựa chọn cho mình một công việc phù hợp, chủ yếu lấy công làm lời, người lớn tuổi như vợ chồng bà thì chọn công việc làm miệng, sơn chậu, những thành viên khác có tay nghề thì chọn công việc quay chậu. Sau khi chậu quay được thành phẩm sẽ được mang đến các cơ sở làm hoa kiểng để bán. Nhờ thực hiện đúng phương châm “sản xuất chất lượng, giao hàng tận nơi” nên sản phẩm gia đình bà làm ra được khách hàng tin tưởng, đặt mua ngày càng nhiều. So với giá thị trường, sản phẩm chậu xi-măng của gia đình bà Ngân luôn thấp hơn khoảng 1-3 ngàn đồng/chậu. Bà Ngân cho biết: Nghề quay chậu xi-măng vốn phát triển mạnh khoảng 5 năm trước. Nhờ làm ăn uy tín, chất lượng, giá thành rẻ, khách hàng ở các nơi đến đặt mua ngày càng nhiều, từ con số vài trăm cái chậu được sản xuất trong năm, dần dần tăng lên vài ngàn đến vài chục ngàn cái. Nghề quay chậu của gia đình bà Ngân ăn nên làm ra kể từ đó. Dành dụm được một số tiền, bà mua thêm công đất để mở rộng mô hình quay chậu. Càng gần đến Tết, khách hàng đến đặt mua sản phẩm càng nhiều. Để kịp giao cho khách, ngoài lực lượng nhân công của gia đình, bà Ngân thuê thêm 2 lao động làm việc xuyên suốt. Trung bình một người thợ quay 25 chậu/ngày (từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều) loại 5 tấc, được trả công khoảng 150 ngàn đồng.

Anh Nguyễn Văn Chổm, xã Hưng Khánh Trung B, gia đình thuộc hộ khó khăn, làm nghề quay chậu đến nay hơn 10 năm, là một trong hai công nhân đang làm việc tại cơ sở bà Ngân, cho biết: “Gia đình tôi vốn khó khăn, nhưng kể từ khi làm nghề quay chậu, cuộc sống đỡ hơn. Tôi cũng muốn mở cơ sở quay chậu nhưng  vì không có mối lái nhiều nên phải đi làm công. Nghề này cho thu nhập ổn định, lại không đòi hỏi tay nghề cao. Tuy nhiên đối với chậu lớn, loại 1m thì hơi khó, thường hay bị bể nòng, đòi hỏi người thợ phải biết cách trộn hồ cho đạt yêu cầu.

Được biết ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách hiện có 12 ấp, trong đó có 12 ấp được công nhận làng nghề. Mỗi năm tại địa phương này sản xuất cung ứng ra thị trường khoảng 3 triệu sản phẩm hoa kiểng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, một số sản phẩm ăn theo từ nghề hoa kiểng như chậu xi-măng, bội tre,... đã ra đời. Hiện tại toàn xã có khoảng 300 cơ sở chuyên sản xuất chậu xi-măng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương. Riêng cơ sở của bà Ngân, để đáp ứng nhu cầu của giới chơi nghệ thuật, đã sản xuất chậu xi-măng với nhiều kiểu dáng khác nhau: chậu trái bần, chậu hình chữ nhật, bát giác, lục giác... So với các chậu thông thường, loại này thường có giá cao hơn khoảng vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/cái, tùy kích cỡ.


Bài, ảnh: Trúc Ly

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN