Thoát nghèo từ quyết chí trồng trọt và chăn nuôi

08/05/2011 - 16:09

Tại hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo của tỉnh (giai đoạn 2006-2010) có rất nhiều báo cáo điển hình về cách thoát nghèo bền vững. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã ghi nhận, xin giới thiệu cùng bạn đọc một  trong số những mô hình tiêu biểu.

Ông Trương Văn Toàn, ngụ tại ấp Bình Đông, xã Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam) khởi đầu cơ nghiệp với 200m2 đất nông nghiệp do cha mẹ cho ra riêng, khi vừa cưới vợ. Ông Toàn nói: “Năm 1996 tôi lập gia đình, do điều kiện có đông anh em, nên cha mẹ chỉ cho có 200m2 đất trồng mía và cất nhà ở. Vì đất ít, vợ chồng tôi phải làm thuê, làm mướn đủ thứ nghề để có tiền sinh sống; nhưng với 4 miệng ăn, vợ chồng tôi làm lụng quanh năm mà vẫn thiếu trước hụt sau. Thấy vậy, chính quyền địa phương và bà con đã bình xét gia đình tôi là hộ nghèo loại B”.

Về phần mình, ông Toàn đã cố gắng rất nhiều để tìm tòi mọi cách làm, mong sao có đủ cái ăn, cái mặc cho gia đình. Đến năm 2004, ông Toàn tìm hiểu Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Ông bắt được những tia hy vọng trong đó. “Tôi nhận thấy rằng, đã là một nông dân thì phải tham gia tổ chức Hội để có điều kiện hội họp, trao đổi và học hỏi nhiều điều có ích cho bản thân. Cho nên, tôi đã làm đơn xin gia nhập vào Hội Nông dân Việt Nam. Sau khi được kết nạp Hội, tôi được sinh hoạt tại Chi hội Nông dân ấp Bình Đông, được tham gia nhiều lớp tập huấn và đã trang bị cho mình vốn kiến thức nhất định. Từ đó, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất hiện có của mình từ trồng mía sang trồng hoa màu.” - ông Toàn bộc bạch.

Quả thật, nhờ mạnh dạn, tự tin, gia đình ông Toàn đã “bắt” miếng đất nghèo nàn, cạn kiệt kia cho ra những mặt hàng nông sản mới: dưa leo, khổ qua, cà chua. Cứ mỗi năm, cả nhà trồng mỗi thứ một vụ, thay cho những bờ mía cứ xạc xào trong nắng gió, mà suốt mười hai tháng cũng chỉ kiếm được không quá ba triệu đồng.Với bản tính cần cù, chịu khó của người nông dân, ông Toàn luôn tìm tòi học hỏi trên báo, đài, và kinh nghiệm thực tiễn của những anh em nông dân đồng hạng, rốt cùng, ông cũng thành công. Hoa màu của nhà ông Toàn trồng được bạn hàng thu mua có giá tương đối cao, số tiền thu nhập hàng năm theo đó cũng tăng lên gấp rưỡi. Ông mua thêm một con bò về nuôi để tận dụng những lúc rảnh rỗi dẫn bò đi ăn cỏ trên miếng đất trồng hoa màu của gia đình. Cũng nhờ con bò, ông đã có nguồn phân bón cho cây màu. Một công - đôi việc, ông Toàn giảm được rất nhiều chi phí cho việc mua phân hóa học và công cắt cỏ để nuôi bò. Từ đó, ông Toàn hứng thú hơn với lịch thời vụ: chăm sóc diện tích đất trồng màu tốt hơn qua việc làm cỏ, tưới nước, bón phân và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình của tài liệu hướng dẫn; nuôi bò… Kết quả, sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình ông còn lãi hàng năm bình quân khoảng 30 triệu đồng.

“Tôi đã mạnh dạn thuê thêm 2.000m2 đất để chuyên trồng màu. Còn diện tích đất nhà, tôi chuyển sang trồng xoài cát Hòa Lộc, trồng cỏ để nuôi thêm 4 con bò vỗ béo. Cũng với cách làm như năm đầu là lấy phân bò để trồng cây màu và tận dụng thêm phần cỏ trên đất trồng màu để nuôi bò; bên cạnh đó tôi còn tận dụng diện tích mặt nước ở khu đất trồng xoài để nuôi cá, góp phần cải thiện bữa ăn cho gia đình. Cứ mỗi năm, sau khi trừ các chi phí,  tôi tích lũy được 50 triệu đồng” - ông Toàn không ngần ngại chia sẻ.

Thật vậy, sau 5 năm thực hiện mô hình trồng màu kết hợp nuôi bò vỗ béo, ông Toàn đã thu lợi nhuận khá cao; ngoài chi phí sinh hoạt trong gia đình, mua sắm phương tiện đi lại và nghe nhìn, ông còn dự định xây một căn nhà kiên cố, ước khoảng 120 triệu đồng. Điều đáng khen là vào cuối năm 2007, gia đình ông Toàn được Ban vận động ấp và bà con bình xét là hộ thoát nghèo bền vững và được Chi hội Nông dân ấp bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp xã 3 năm liền.

Huyền Anh Thơ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN