Thoát nghèo từ sản xuất bàn giả gỗ

30/05/2010 - 16:41
Gia đình anh Cường bên sản phẩm vừa làm xong. Ảnh: B.Tr

Bám trụ trên đất Sài Gòn những 10 năm, cuộc sống của anh vẫn thiếu trước hụt sau, chưa lo được cho bản thân, nói chi đến việc giúp đỡ cho gia đình. Anh quyết tâm tìm học lấy một nghề rồi về lại quê hương để lập nghiệp. Lòng nhẫn nại, sự cần cù, chịu khó đã giúp anh thành công, cuộc sống ngày càng ổn định.

Không thể tin được những chiếc bàn, ghế này được làm từ xi-măng, nó trông chẳng khác gì được làm bằng gỗ quý. Những vân gỗ trên bề mặt, những hình dáng rễ cây phần chân bàn đã lột xác cho một khối bê-tông nặng trịch. “Tác phẩm” sau những ngày trì chí và những đêm mất ngủ của Đinh Huy Cường giờ đã được khách hàng tận TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang dọ hỏi, đặt mua. 

Tính đến nay thì Cường cũng đã 32 tuổi đời, anh sinh ra và lớn lên ở ấp I, Quới Sơn (Châu Thành). Năm 18 tuổi, anh sớm lập thân, lập nghiệp, bôn ba tận TP Hồ Chí Minh, làm thuê cho một cơ sở sản xuất mạch nha. Cũng ở đó, anh gặp “một nửa” của mình, chị Phan Thị Trinh, quê ở Long An. Năm 2005, hai người kết hôn và trụ lại trên đất TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ quay đi, quẩn lại chẳng thấy dư dả được đồng nào. Anh làm thuê ở xưởng sản xuất mạch nha, chị làm thợ may, số tiền hàng tháng chỉ đủ trang trải tiền trọ, tiền ăn, và những chi phí lặt vặt. Một  lần về thăm quê vợ, Cường đến nhà người anh vợ, thấy anh ấy làm những chiếc bàn, ghế, chậu kiểng bằng xi-măng, vừa đẹp, vừa bền nên rất thích và xin học nghề. Với tính tình hiền lành, chịu khó nên Cường được nhận vào học ngay. Mất cả năm trời vừa học, vừa làm thì nghề nó mới “thấm” được vào anh. Năm 2006, Cường cùng vợ về quê mở cơ sở sản xuất bàn ghế, chậu hoa bằng xi-măng. Lúc đầu, không có vốn, anh chị bán hết vàng cưới mới gom góp được khoảng 10 triệu đồng để mở cơ sở, mua vật tư. Cường nhớ lại: “Lúc mới bắt đầu, tôi làm bàn ghế bằng xi-măng theo những mẫu đơn giản, có sẵn khuôn, không cần gia công nhiều. Thời gian đó, sản phẩm làm ra cũng khó tìm được nơi tiêu thụ, vì bà con chưa biết đến hàng của tôi và e ngại về chất lượng của sản phẩm. Gần một năm sau, các mặt hàng do tôi làm ra mới được ưa chuộng, bởi giá vừa phải, mẫu mã đẹp và chất lượng ổn định”.

Quá trình “đi chinh phục lòng người” bằng sản phẩm của mình chính là quá trình Cường mày mò nghiên cứu, sáng tạo về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh đã tạo ra những kiểu bàn ghế, băng đá xi-măng giả gỗ với mặt bàn là những đường nét của gỗ cổ thụ, xung quanh là những vân cây, chân bàn là những rễ cây… Bí quyết làm ra một sản phẩm đẹp, Cường cho biết: “Tôi phải nghiên cứu rất kỹ những rễ cây, những đường nét trên thân cây, những vân, sớ gỗ của cây non, cây cổ thụ… để thiết kế nên những sản phẩm giống như được làm bằng gỗ. Về xử lý hồ, đây là một khâu quan trọng. Mình phải đổ hồ qua 5 lớp, người trộn hồ phải thật tinh tế, nếu hồ non sẽ làm mặt bàn dễ bể, hồ già thì mặt bàn bị nứt. Kế đó là khâu pha sơn, sơn sản phẩm, phải sơn sao cho không bị lệch”.

Trong khuôn viên nhà xưởng của Cường, tôi như bị chinh phục bởi vẻ đẹp của những sản phẩm bàn, ghế giả gỗ. Dò hỏi thêm về hiệu quả, lợi nhuận từ việc sản xuất loại sản phẩm này, Cường cho biết, trung bình mỗi ngày anh sản xuất được 3 bộ bàn ghế với những kích thước khác nhau. Mỗi bộ bàn ghế có giá bán từ 400 ngàn đồng đến 1,8 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng anh thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng. Với sự cần mẫn, không ngừng sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, giờ Cường đã có một cuộc sống ổn định. Không những thế, cơ sở sản xuất của anh còn là nơi thu hút, giải quyết lao động tại địa phương với mức lương từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Dự tính về tương lai, Cường bộc bạch: “Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở rộng cơ sở sản xuất và tìm một loại keo tốt để làm ra những mặt hàng đẹp, chất lượng cao như: khả năng chống trầy và bền hơn để cung cấp cho thị trường”.

Bích Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • An Cách đây 24 năm

    Mình muốn liên hệ để đặt hàng anh Cường. Giúp mình với

Liên kết hữu ích