
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định để tiến hành các nội dung sau:
Nội dung 1: Quốc hội nghe: (i) Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku và Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; (ii) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku và Báo cáo thẩm tra về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.
Nội dung 2: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Tại phiên thảo luận có 14 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi sửa đổi, bổ sung của luật; cơ cấu, tổ chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa chuyên trách Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án Nhân dân khu vực; phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực; tòa án chuyên biệt ở trung tâm tài chính quốc tế; mối quan hệ phối hợp và chế tài kiểm tra, giám sát của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và Tòa án Nhân dân khu vực; sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án Nhân dân; số lượng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao; việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan; hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, các đại biểu còn có ý kiến về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết thi hành các luật về tổ chức bộ máy và tố tụng tư pháp; đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiến hành tổng kết hoạt động xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ có chuyên môn sâu để làm việc tại các tòa chuyên trách.
Kết thúc phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nội dung 3: Quốc hội nghe: (i) Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025 và Tờ trình về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; (ii) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025 và Báo cáo thẩm tra việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
Tại phiên thảo luận có 10 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi sửa đổi; hệ thống tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; việc xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện Kiểm sát nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của người được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên; các ngạch Kiểm sát viên; tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên, Kiểm sát viên chính, Kiểm sát viên cao cấp; thi tuyển chọn Kiểm sát viên; chuyển đổi các ngạch Kiểm sát viên, Điều tra viên; nhiệm kỳ của Kiểm sát viên; việc bổ sung số lượng Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; chuyển đổi giữa Kiểm sát viên các ngạch và Điều tra viên các ngạch trong Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát quân sự; cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân khu vực; phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Viện Kiểm sát nhân dân khu vực; bổ nhiệm, miễn nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực; tính thống nhất giữa các quy định của dự thảo Luật với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tương trợ tư pháp; tính tương thích của dự thảo Luật đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Kết thúc phiên thảo luận, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ ba, ngày 20-5-2025, buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: (i) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); (ii) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; (iii) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; (iv) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; (v) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (i) Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); (ii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; (iii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Vietnam+