Thông điệp năm mới của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị cán bộ chủ chốt các cấp năm 2023

31/01/2023 - 17:05

BDK.VN - Ngày 31-1-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức họp mặt trực tuyến cán bộ chủ chốt các cấp đầu Xuân Quý Mão 2023 thông tin về những kết quả chủ yếu đạt được năm 2022 và thông điệp năm 2023, tạo thống nhất nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tỉnh uỷ ngay từ đầu năm. Tại buổi họp mặt, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đã gửi Thông điệp mới của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các đại biểu tham dự. Báo Đồng Khởi xin giới thiệu cùng bạn đọc!

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: Hữu Hiệp

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: Hữu Hiệp

Thưa:  - Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,

- Các đồng chí thủ trưởng các sở, ban ngành, địa phương và các đồng chí tham dự Hội nghị.

Nhân dịp đầu Xuân mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức họp mặt cán bộ chủ chốt các cấp, thông tin về những kết quả chủ yếu đạt được năm 2022 và thông điệp năm 2023, tạo thống nhất nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết (NQ) Tỉnh uỷ ngay từ đầu năm. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi trao đổi với các đồng chí một số nội dung trọng tâm sau:

1. Kết quả nổi bật thực hiện Nghị quyết Tỉnh uỷ năm 2022

Năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng với tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” và sự nỗ lực phấn đấu, các cấp ủy, chính quyền phát huy tốt truyền thống đoàn kết, chủ động, linh hoạt, trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, điều hành, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện.

- Về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị: Ngay từ đầu năm, các cấp uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và cụ thể hoá thực hiện tốt NQ của Đảng, nhất là NQ số 08-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 với 25 chỉ tiêu và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chú trọng phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, khơi dậy khát vọng vươn lên trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vai trò nêu gương, ý chí tự lực, tự cường, sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thể hiện tốt hơn, tinh thần phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức chuyển biến tích cực hơn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả tốt. Xây dựng, tăng cường đoàn kết, thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ và nhân dân trong thực hiện NQ của Đảng, của Tỉnh uỷ và các cấp uỷ; nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của các cấp uỷ. Kết quả cụ thể trên một số mặt: Toàn tỉnh hiện có 262/966 chi bộ ấp, khu phố được công nhận trong sạch, vững mạnh toàn diện (đạt 67,7% chỉ tiêu NQ nhiệm kỳ 2020 - 2025). Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo quyết liệt; tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ tháng 7-2022. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và triển vọng phát triển của quê hương, đất nước.

HĐND tỉnh đã tổ chức 3 kỳ họp; các kỳ họp diễn ra nghiêm túc, đúng quy định. Vai trò của HĐND được phát huy rõ nét hơn.

Công tác quản lý, điều hành của UBND các cấp có hiệu quả hơn, bám sát vào NQ, chỉ đạo của cấp ủy, HĐND cùng cấp để điều hành công việc; công tác cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức tiếp tục được tập trung thực hiện.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh...; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tham gia góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện các công trình trọng điểm đạt kết quả tích cực; đại đa số nhân dân đồng tình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cơ bản bảo đảm các yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Hội Cựu chiến binh, Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

- Về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh

Kinh tế - xã hội có sự phục hồi tốt và phát triển đạt được kết quả khả quan; một số công trình, dự án trọng điểm được khởi công xây dựng; giải quyết việc làm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động được triển khai hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện.

- Về kinh tế: Năm 2022, GRDP đạt 7,33%, là mức tốt hơn sau nhiều năm, trong đó có 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 44,4 triệu đồng (bằng 90,7% chỉ tiêu NQ) tăng lên 49,1 triệu đồng > 50% của cả nước (năm 2022, bằng 99,2% chỉ tiêu NQ, chỉ tiêu nhiệm kỳ là 87 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2022 khu vực I đạt 35% (chỉ tiêu NQ là 35,82%, chỉ tiêu nhiệm kỳ là 26 - 28%); khu vực II đạt 19,9% (chỉ tiêu NQ 20,77%, chỉ tiêu nhiệm kỳ là 26 - 28%); khu vực III đạt 41,7% (chỉ tiêu NQ 40,05%, chỉ tiêu nhiệm kỳ là 42 - 45%); thuế sản phẩm đạt 3,4% (chỉ tiêu NQ 3,36%, chỉ tiêu nhiệm kỳ là 4%).

Hoạt động sản xuất - kinh doanh được phục hồi, phát triển. Giá trị sản xuất đều tăng, nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ước đạt 36.500 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ và đạt 95,3% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD; lũy kế 2.771 triệu USD (chỉ tiêu nhiệm kỳ là 10.000 triệu USD). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 là 5.635,6 tỷ đồng, đạt 106,4% so với dự toán Trung ương, so với địa phương giao đạt 100,2% và bằng 98,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80%, trong đó vốn trong nước khoảng gần 100%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 22.978 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 95,7% kế hoạch; lũy kế từ đầu nhiệm kỳ đạt 43.000 tỷ đồng (chỉ tiêu NQ nhiệm kỳ 130.000 - 140.000 tỷ đồng).

Sản xuất nông - ngư nghiệp tương đối thuận lợi, tăng trưởng khu vực I đạt 3,27%. Tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN - TTCN mặc dù còn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng cao... nhưng đang dần phục hồi và có bước tăng trưởng khá cao. Trong năm 2022, khu vực II tăng trưởng 12,72%; giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt 36.500 tỷ đồng, tăng 12,65% so với cùng kỳ và đạt 95,30% kế hoạch.

Hoạt động thương mại, dịch vụ khá sôi động, không có hiện tượng tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng lương thực, thực phẩm và một số sản phẩm thiết yếu khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng của khu vực dịch vụ (tăng 9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 57.036 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ và đạt 101,85% kế hoạch.

Kinh tế hợp tác có bước chuyển biến tích cực, khả quan hơn. Hoạt động của các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) tiếp tục được củng cố; công tác theo dõi, quản lý, hỗ trợ và phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước có bước cải thiện tốt. Đã thành lập mới 15 HTX, đạt 100% kế hoạch; luỹ kế từ đầu nhiệm kỳ là 24 HTX (NQ nhiệm kỳ là 75). Đến nay, toàn tỉnh hiện có 179 HTX, với 47.173 thành viên, tổng vốn điều lệ 289 tỷ đồng; thành lập mới 85 THT, đạt 170% kế hoạch; luỹ kế là 100 THT (chỉ tiêu NQ nhiệm kỳ là 150); nâng tổng số toàn tỉnh hiện có 1.129 THT với 21.111 thành viên. Đã tiếp nhận 48 hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ HTX, với tổng kinh phí gần 2.531 triệu đồng.

Các hoạt động hỗ trợ trong Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (DN) được thực hiện thường xuyên; đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức 6 lần họp mặt khởi nghiệp gắn với gặp gỡ mạng lưới cố vấn khởi nghiệp định kỳ. Trong năm, tiếp và làm việc với 533 dự án, ý tưởng, hộ kinh doanh (HKD) chuyển lên DN, qua đó có 60 HKD chuyển lên DN, đạt 17,8% kế hoạch; 111 DN khởi nghiệp, đạt 100,9% kế hoạch; hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc 432 lượt DN hoạt động trong tình hình mới.

Hoạt động đối ngoại của tỉnh được quan tâm và triển khai tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến, thương mại, đầu tư được chú trọng và thu hút được sự quan tâm của DN; năm 2022 tỉnh đã tiếp xúc làm việc với 255 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 25 đoàn nhà đầu tư nước ngoài như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc...; lựa chọn, tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa tỉnh với 10 tập đoàn lớn hàng đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, nhiều DN nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản...) đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và hợp tác thương mại; nổi bật là chuyến thăm và làm việc của Đoàn chính quyền và DN tỉnh Ehime, Nhật Bản tại tỉnh, chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo tỉnh tại Ấn Độ, chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh cùng Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tại châu Âu...

Hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư, bảo dưỡng, nâng cấp, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa. Tỉnh đã phối hợp khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2; trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính triển khai dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối liên vùng; triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long và một số nội dung khác.

Về xây dựng NTM, trong năm 2022, đã công nhận 17 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu).

Phát triển đô thị được chú trọng, đến nay, trên tỉnh có 1 đô thị loại II (TP. Bến Tre), 3 đô thị loại IV (thị trấn Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày) và 20 đô thị loại V. Diện tích dự án đầu tư phát triển đô thị được triển khai trong năm 2022 là 150ha, hiện có 3 dự án với tổng quy mô là 125,7ha đã chọn được nhà đầu tư, đang triển khai quy trình đầu tư xây dựng; tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng thực hiện nhiều bước, thời gian kéo dài nên các dự án trên chưa khởi công thực hiện.

- Về văn hóa - xã hội: Quy mô mạng lưới trường, lớp học (gồm cả công lập và ngoài công lập) cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và nhu cầu học tập. Chất lượng giáo dục các cấp học được giữ vững, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng ở các cấp học; kết quả tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,3%; công tác phổ cập giáo dục các cấp tiếp tục được duy trì và phát triển. Trong năm, tỉnh đã công nhận thêm 21 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.

Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Công tác khám và điều trị bệnh cho người dân được duy trì thực hiện tốt, công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 53,6%. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch tễ được tăng cường, các bệnh truyền nhiễm có chiều hướng giảm, riêng sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ. Tỷ lệ người tham gia BHXH đạt 14,4% so với lực lượng lao động; tỷ lệ người tham gia BHTN đạt 11,9% so với lực lượng lao động; tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 96,7% dân số. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,76% (chỉ tiêu 1,5%). Tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cùng với cả nước kiểm soát tốt dịch bệnh.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quan tâm thực hiện; năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm 21.408 lao động, tăng 6,9% so với cùng kỳ, đạt 107% kế hoạch; trong đó 2.026 lao động trúng tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 101% kế hoạch. Hoạt động khoa học và công nghệ đạt nhiều kết quả, ứng dụng khoa học công nghệ trên một số lĩnh vực trọng tâm cấp tỉnh, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tập trung đẩy nhanh thực hiện. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP ước đạt 45%.

Công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã và đang được tập trung thực hiện; đã hoàn thành, tổ chức vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh; có 18 đơn vị cấp tỉnh và 9 đơn vị cấp huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; đã ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm Chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã (2 huyện và 10 xã, phường); tập trung thực hiện chuyển đổi số cho tối thiểu 1.000 DN (có hơn 400 DN đăng ký tham gia), toàn tỉnh có 1.594 triệu thuê bao điện thoại có trên mạng, đạt mật độ 122,65 thuê bao/100 dân; có 130 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, đạt tỷ lệ 32,32% số hộ dân.

Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2022 hoàn thành tốt đạt 100% chỉ tiêu. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh và 2 huyện Châu Thành, Bình Đại năm 2022. Triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, kéo giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy được tăng cường, góp phần kiềm chế và kiểm soát người nghiện ma túy. Thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

* Trong 25 chỉ tiêu mà NQ Tỉnh ủy năm 2022 đề ra, 15/25 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu NQ; 6/25 chỉ tiêu xấp xỉ đạt; 1/25 đạt trên 80%; 1/25 chỉ tiêu đạt trên 70%; 1/25 chỉ tiêu đạt trên 50%; 1/25 chỉ tiêu không đạt. Cụ thể:

- Có 15 chỉ tiêu thực hiện ước đạt và vượt: (1) Tổng kim ngạch xuất khẩu; (2) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; (3) Tỷ lệ đô thị hóa; (4) Xây dựng NTM; (5) Đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP; (6) Tỷ lệ lao động qua đào tạo; (7) Giường bệnh/vạn dân và bác sĩ/vạn dân; (8) Chỉ tiêu về tham gia bảo hiểm; (9) Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch; (10) Giải quyết việc làm cho lao động (trong đó, có lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng); (11) Công tác tuyển quân, huấn luyện lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ; (12) Tổ chức diễn tập tỉnh, huyện, xã; (13) Điều tra, khám phá án hình sự, không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; (14) kết nạp đảng viên mới; (15) chi bộ được công nhận trong sạch, vững mạnh toàn diện.

- Có 6 chỉ tiêu xấp xỉ đạt: (1) Kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, phấn đấu tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho từng độ tuổi theo quy định, tỷ lệ tử vong/tổng số ca nhiễm ở mức thấp so với bình quân chung cả nước; (2) Cơ cấu kinh tế; (3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; (4) GRDP bình quân đầu người; (5) Kinh tế hợp tác; (6) Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị, nông thôn, phân loại rác tại nguồn.

- Có 1 đạt trên 80%: Tốc độ tăng trưởng GRDP.

- Có 1 chỉ tiêu đạt trên 70%: Chỉ tiêu về an ninh trật tự.

- Có 1 chỉ tiêu đạt trên 50%: Giảm tỷ lệ hộ nghèo.

- Có 1 chỉ tiêu không đạt là việc kéo giảm đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật.

2. Một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Một số địa phương triển khai cụ thể hoá thực hiện một số chủ trương của tỉnh còn chậm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng có mặt còn hạn chế; lãnh đạo công tác kiểm tra của một số ban cán sự đảng, đảng đoàn chưa bảo đảm theo quy định, chất lượng, hiệu quả chưa cao; thông tin phục vụ công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao; đảng viên vi phạm kỷ luật tăng, trong đó cấp ủy viên chiếm tỷ lệ còn cao...

Kinh tế tăng trưởng khá hơn nhưng so với mục tiêu tăng trưởng của NQ nhiệm kỳ (8,5 - 9,5%) còn khoảng cách khá lớn. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA rất thấp; quá trình triển khai một số công trình, dự án còn gặp khó khăn, chậm tiến độ; một số công việc chưa đạt mục tiêu NQ đề ra. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sụt giảm so với năm trước, Chỉ số PAPI, SIPAS giảm đáng kể; dịch vụ logistics của tỉnh còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Công tác giảm nghèo chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tai nạn giao thông đường bộ chỉ giảm 1 tiêu chí (tăng số vụ và số người chết so với cùng kỳ); tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc, ma túy, hụi trái pháp luật được kiềm chế nhưng có lúc, có nơi còn phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Phát sinh khiếu nại, khiếu kiện đối với các dự án điện gió và đất tập đoàn sản xuất nhưng chưa giải quyết triệt để. Công tác phòng, chống khai thác IUU còn gặp nhiều khó khăn; tàu cá, ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ vẫn còn tiếp diễn.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; nguồn lực khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn khó khăn, hạn chế; xung đột Nga-Ucraina ảnh hưởng toàn diện tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên toàn cầu; giá một số mặt hàng nông sản giảm sâu (nhất là giá dừa khô) trong khi chi phí đầu vào, giá vật tư, nguyên liệu, phân bón, giá xăng dầu tăng cao (nhất là trong quý II-2022) đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Về chủ quan là do công tác phối hợp, trao đổi thông tin, dự báo, nắm và phản ánh, giải quyết những vấn đề mới phát sinh ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời; một số cấp uỷ, người đứng đầu thiếu quyết liệt, thiếu chủ động trong lãnh đạo, điều hành; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự năng động, chưa nắm chắc vấn đề trọng tâm, cốt lõi của NQ, các quy định của pháp luật, chưa thể hiện rõ vai trò tiên phong trong tuyên truyền, vận động nhân dân, cũng như trong tổ chức thực hiện.

 3. So sánh tương quan Bến Tre với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước

- Quy mô kinh tế Bến Tre còn hạn chế, đang dần tụt hậu so các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). GRDP năm 2022 của Bến Tre đạt 7,33%, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành cả nước và xếp thứ 9/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (Bến Tre xếp trên các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Cà Mau, Trà Vinh). Về quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2022, Bến Tre đạt 63.585 tỷ đồng, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành cả nước, xếp thứ 11/13 tỉnh, thành ĐBSCL (chỉ trên Bạc Liêu (12), Hậu Giang (13)), tỉnh Long An xếp cao nhất với 156.363 tỷ đồng (hơn gấp đôi Bến Tre). Các tỉnh láng giềng Bến Tre đều có quy mô GRDP cao hơn, cụ thể: Tiền Giang 112.818 tỷ đồng, xếp thứ 3 ĐBSCL; Trà Vinh 72.440 tỷ đồng, xếp thứ 8 ĐBSCL; Vĩnh Long 70.974 tỷ đồng, xếp thứ 9 ĐBSCL.

- Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn năm 2022 là 5.635 tỷ đồng, đạt 106,4% so với dự toán Trung ương, so với địa phương giao đạt 100,2% và bằng 98,7% so với cùng kỳ năm trước; xếp 11/13 tỉnh, thành ĐBSCL (trên Bạc Liêu và Sóc Trăng). Về cơ cấu nguồn thu: Tổng thu nội địa trên địa bàn là 5.526 tỷ đồng, đạt 118,32% dự toán Trung ương, đạt 110,51% dự toán địa phương và bằng 108,56% so với cùng kỳ; tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 109,7 tỷ đồng, đạt 17,57% dự toán Trung ương và địa phương, bằng 17,75% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung cơ cấu thu NSNN trên địa bàn còn chưa đa dạng và còn thiếu bền vững. Thực tế yêu cầu tỉnh cần có giải pháp tăng nguồn Thu NSNN để tăng nguồn vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội Bến Tre đạt 22.978 tỷ đồng, (trong đó vốn nhà nước chiếm 23,02%, vốn ngoài nhà nước (DN và dân cư) chiếm 71,79%, xếp hạng 8/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL (trung bình 29.249 tỷ đồng; cao nhất Long An 44.339 tỷ đồng; thấp nhất Vĩnh Long 16.218 tỷ đồng). Hệ số đầu tư tương ứng giữa vốn ngoài nhà nước với vốn nhà nước của tỉnh là 3,12 lần; giữa vốn đầu tư nước ngoài với vốn nhà nước là 0,22 lần.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu 1.510 triệu USD, xếp hạng 5/13 tỉnh ĐBSCL (trung bình 1.366 triệu USD; cao nhất Long An 7.044 triệu USD; thấp nhất Trà Vinh 342 triệu USD), xếp hạng 35/63 cả nước.

- Tỷ lệ đô thị hóa, tính toán theo thuyết minh quy hoạch tỉnh, cũng như các nghị quyết có liên quan trong năm 2020 là 20%; năm 2022 là 22%, thấp hơn nhiều so tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng ĐBSCL và cả nước (tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng ĐBSCL (31,16%) và cả nước (40,4% năm 2021).

- Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM của Bến Tre đạt 56,3%, đứng thứ 13/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, thấp hơn bình quân vùng ĐBSCL (76%), thấp hơn trung bình cả nước (71,03%).

- Phát triển kinh tế tập thể còn hạn chế so với khu vực và cả nước. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 179 hợp tác xã (HTX), có 1.129 tổ hợp tác, chiếm tỷ lệ chưa tới 1% (ĐBSCL có 3.363 HTX; cả nước có 29.021 HTX). Hoạt động của HTX, THT còn mang nặng hình thức, chưa phát huy hiệu quả, chưa thu hút được người dân chủ động tham gia.

- Tỷ lệ DN/1.000 dân của Bến Tre đạt 3,76, xếp thứ 11/13 tỉnh ĐBSCL (trung bình 5,56; cao nhất TP. Cần Thơ 12,23; thấp nhất Sóc Trăng 3,45).

- Hộ nghèo đến năm 2022 còn 14.073 hộ, tỷ lệ 3,5%, đứng thứ 11/13 tỉnh ĐBSCL và thứ 32/63 so với cả nước. Hộ cận nghèo đến năm 2022 còn 14.700 hộ, tỷ lệ 3,66%, đứng thứ 8/13 so với khu vực ĐBSCL và thứ 29/63 so với cả nước.

- Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm, cải cách thủ tục hành chính chưa mang lại hiệu quả cao; tốc độ giải quyết công việc còn chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Điều đó đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi cần có sự phấn đấu của các cấp ủy, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên; phải chủ động đổi mới mạnh mẽ hơn, nỗ lực quyết liệt mới có thể đạt được mục tiêu NQ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

4. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển năm 2023

Bến Tre có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Đảng bộ đoàn kết, có tinh thần phấn đấu vươn lên, tự lực tự cường, vị trí tương đối thuận lợi gần TP. Hồ Chí Minh, thời cơ đang dần mở ra khi cầu Rạch Miễu 2 và một số dự án giao thông quan trọng đang được xây dựng, nhiều dự án đô thị, điện gió, năng lượng mới, khu, cụm công nghiệp đang được đề xuất, nhiều nhà đầu tư quan tâm, muốn đồng hành với tỉnh. Bến Tre còn có lợi thế về lao động, năm 2022, Bến Tre có 765.476/1.296 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 59,06% dân số, chiếm 8,17% so với khu vực ĐBSCL và chiếm 1,51% so với cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi, năm 2023 là năm bản lề thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ các cấp, NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và NQ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức: Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ; sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ của các DN còn khó khăn, năng lực cạnh tranh của một số DN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định; nguồn lực đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng để tạo đất sạch thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn...

Từ thực tiễn trên, để tạo tiền đề cho tăng tốc phát triển những năm tiếp theo, quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; năm 2023, Tỉnh uỷ đặt ra mục tiêu “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tiếp tục lan tỏa sâu rộng tinh thần thi đua “Đồng khởi mới” trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Một số chỉ tiêu cụ thể (24 chỉ tiêu):

a) Các chỉ tiêu về xây dựng Đảng

(1) Kết nạp đảng viên: 1.100 đảng viên (trở lên);

(2) Kéo giảm 5% đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật;

(3) Phấn đấu có 100 chi bộ ấp, khu phố được công nhận trong sạch, vững mạnh toàn diện;

b) Các chỉ tiêu về kinh tế

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) phấn đấu tăng từ 9,3% (trở lên);

(2) Cơ cấu kinh tế: khu vực I: 33%; khu vực II: 22,3%; khu vực III: 41,24%; thuế sản phẩm: 3,46%;

(3) Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.700 triệu USD (trở lên);

(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 28.000 tỷ đồng (trở lên);

(5) GRDP bình quân đầu người 53,9 triệu đồng/người (trở lên);

(6)  [Điểm neo] Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo dự toán Trung ương giao đạt 5.388 tỷ đồng (trong đó: thu nội địa 5.258 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 130 tỷ đồng), chỉ tiêu địa phương phấn đấu là 5.558 tỷ đồng (trong đó: thu nội địa 5.428 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 130 tỷ đồng);

c) Các chỉ tiêu về xã hội

(1) Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 24%;

(2) Thành lập mới ít nhất 50 tổ hợp tác; 15 HTX; thành lập 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp;

(3) Công nhận ít nhất 15 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu; phấn đấu huyện Mỏ Cày Nam đạt cơ bản tiêu chí huyện NTM;

(4) Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP khoảng 47%;

(5) Tỷ lệ hộ nghèo còn không quá 2,5% (giảm 0,25%/năm);

(6) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%;

(7) Đạt 32,1 giường bệnh/vạn dân; 10,05 bác sĩ/vạn dân;

(8) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,01%; lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 16% và tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 13,28% so với lực lượng lao động;

(9) Giải quyết việc làm 20.000 lao động (trở lên), trong đó 2.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng;

d) Các chỉ tiêu về môi trường

(1) Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 94,5%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 79%; tỷ lệ phân loại rác tại nguồn đạt 25% hộ dân;

(2) Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đt 82,7%;

đ) Các chỉ tiêu về quốc phòng, an ninh

(1) Tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu; huấn luyện lực lượng thường trực đạt 100%, dự bị động viên đạt 98,5%, dân quân tự vệ đạt 80% trở lên so với tổng lực lượng;

(2) Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ 3 huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách; 25% số xã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ;

(3) Kiềm chế, kéo giảm tội phạm, tai/tệ nạn xã hội; kiềm chế và kiểm soát người nghiện ma túy; kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí;

(4) Điều tra, khám phá án hình sự đạt 80% (trở lên), không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90% trở lên.

Xác định quan điểm phát triển để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành: Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thực chất là nhiệm vụ then chốt, trong đó công tác cán bộ là then chốt của then chốt; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phát triển các hoạt động đối ngoại đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Mọi công việc cần xoay quanh nhiệm vụ trung tâm, thúc đẩy sự phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Để đạt được mục tiêu này, trước hết các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đồng chí Tỉnh uỷ viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tập trung quán triệt sâu sắc phương châm hành động của Đại hội XI Đảng bộ tỉnh: “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển”. Tiếp tục phát huy “dân chủ trong hoạt động của hệ thống chính trị và xã hội; giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương”; tiếp tục phát huy sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân; đẩy mạnh sự sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; thực hiện các giải pháp đột phá nhằm “phát triển” kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp sau đây:

4.1 Nhóm giải pháp thứ nhất: (1) Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị. (2) Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. (3) Khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, có thực chất phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. (4) Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng với phương châm “Lãnh đạo nội dung gì thì kiểm tra, giám sát nội dung đó”, có liên thông nội dung kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến cơ sở. (5) Phát huy vai trò công tác dân vận; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và công tác dự báo, nắm tình hình Nhân dân với phương châm “Công tác dân vận luôn đi trước một bước”. (6) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; nâng cao chất lượng các kỳ họp Hội đồng nhân dân; phát huy vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân trong tham gia chất vấn các vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm. (7) Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

4.2 Nhóm giải pháp thứ hai: (1) Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy theo NQ số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các văn bản có liên quan. (2) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ. (3) Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chức danh diện Trung ương quản lý; phê duyệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương (năm 2023), nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. (4) Thực hiện công tác cán bộ đúng quy định, xây dựng và triển khai Kế hoạch luân chuyển cán bộ; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương.

4.3 Nhóm giải pháp thứ ba: Thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần tăng thu ngân sách; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao hơn mức 9,3%. Trong đó, tập trung và đổi mới mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tranh thủ khai thác tối đa cơ hội, thời cơ phát triển; công khai hóa chiến lược, quy hoạch phát triển bằng nhiều hình thức thiết thực; công khai hóa chính sách với tư duy chiến lược, chính trị, đột phá; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi DN hoạt động ổn định, phát triển; triển khai có kết quả cải cách hành chính. Sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, phấn đấu giải ngân đạt 100%; Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, tích hợp. Tạo điều kiện phát triển các nghề mới phù hợp với tiềm năng của từng địa phương theo chủ trương “Mỗi xã có tối thiểu một sản phẩm; mỗi huyện tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có kết quả triển khai Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 tại các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Châu Thành và Bình Đại...

Triển khai thực hiện đạt hiệu quả Chương trình số 26-CTr/TU ngày 10-10-2022 của Tỉnh ủy về thực hiện NQ số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025; tập trung đầu tư hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận, Cụm công nghiệp An Hòa Tây (huyện Ba Tri), Cụm công nghiệp Sơn Quy (huyện Chợ Lách)... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.

4.4 Nhóm giải pháp thứ tư: Tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông, thuỷ lợi; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững đất đai, tài nguyên thiên nhiên; nâng cao năng lực dự báo, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo vệ môi trường.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm: Khu công nghiệp Phú Thuận; Bệnh viện Đa khoa tỉnh (ODA Hàn Quốc); mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Bến Tre; tuyến đường bộ ven biển kết nối liên kết vùng; xây dựng cầu Đình Khao, cầu Tân Phú, mở rộng các tuyến quốc lộ... xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú; hạ tầng thiết yếu hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái hoa kiểng khu vực huyện Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách...

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 31-CTr/TU của Tỉnh uỷ về thực hiện NQ số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”... Tập trung triển khai Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2030; giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là các vấn đề môi trường gây bức xúc trong nhân dân...

4.5 Nhóm giải pháp thứ năm: Tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chuyển đổi số; cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

4.6 Nhóm giải pháp thứ sáu: Tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; thực hiện tốt chính sách đối với với người có công, công tác giảm nghèo, bảo đảm chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non.  Đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát triển năng lực cá nhân của người học; đa dạng hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ưu tiên đối tượng có bảo hiểm y tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra.

Chú trọng xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ theo NQ số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tập trung triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng NTM  và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

4.7 Nhóm giải pháp thứ bảy: Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ 3 huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách và 25% cấp xã đạt yêu cầu. Triển khai thực hiện tốt kết luận của Tư lệnh Quân khu về quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

Nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu, bảo vệ nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước. Tập trung đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm lưu manh, côn đồ, nhất là ma túy, cờ bạc, trộm cắp, cướp giật tài sản, hoạt động liên quan “tín dụng đen”, hụi trái pháp luật, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân, chủ phương tiện nắm rõ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản; tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới biển, quản lý chặt phương tiện tàu thuyền, quyết tâm ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá trên địa bàn khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng bộ là rất nặng nề, chúng ta có nhiều cơ hội, thời cơ phát triển nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tôi đề nghị các cấp ủy và cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ đảng viên trong tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần “Đồng khởi mới”, đoàn kết, năng động, sáng tạo, chủ động, khẩn trương, tích cực, tận dụng tối đa cơ hội, thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công việc, nhiệm vụ, tạo ra kết quả cụ thể, rõ nét ngay từ đầu năm và suốt trong năm, quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ Tỉnh uỷ năm 2023, tạo nền tảng và động lực phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Nhân dịp Xuân mới Quý Mão 2023 và Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2023), với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, chúc các đồng chí luôn dồi dào sức khoẻ, gia đình hạnh phúc, giành nhiều thành tựu mới trong công tác và cuộc sống.

Năm mới, thành công mới, thắng lợi mới!

Trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Top mẫu đồng hồ nữ đẹp xem ngay