Để Bến Tre có tốc độ phát triển kinh tế cao, phù hợp với thời kỳ CNH-HĐH, nhất thiết phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ du lịch. Vì vậy, Bến Tre cần phải thu hút đầu tư xây dựng các khu công nghiệp tập trung và phát triển các tuyến, cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở các huyện, liên huyện và thành phố… đồng thời, phải đảm bảo môi trường lý tưởng cho vùng du lịch sinh thái ở miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Bến Tre đã hình thành 2 khu công nghiệp (KCN), thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh như: KCN Giao Long và KCN An Hiệp. Ngoài ra, ở các tuyến huyện, thành phố cũng đã định hướng phát triển thêm 6 KCN và mở rộng 1 KCN.
Giai đoạn từ năm 2011-2015, phát triển thêm 3 KCN, 2016-2020 phát triển thêm 2 KCN. Đây quả là điều đáng mừng, nhưng nỗi lo ngại lớn nhất của người dân Bến Tre là khi phát triển công nghiệp sẽ làm mất đi khung cảnh yên bình, xanh mát của rừng dừa trĩu quả và những dòng tôm cá đầy ghe đã từng gắn bó và khắc sâu vào thơ ca, nhạc họa.
Khi phát triển các KCN, lợi ích rất lớn như góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập và tăng nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Song, những tác hại về môi trường cũng không nhỏ, các loại ô nhiễm nặng, nhất là nước thải, khí thải, chất rắn thải và tiếng ồn…
Để phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững, thiết nghĩ những giải pháp sau đây cũng cần được các ngành, các cấp quan tâm:
Thứ nhất, khi qui hoạch KCN từ giai đoạn thăm dò đến thẩm định, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa các yêu cầu đảm bảo vệ sinh và môi trường, xác định địa điểm, khoảng cách khu dân cư, cơ cấu chức năng ngành nghề, bố trí các nhà máy trong KCN thật hợp lý. Ưu tiên các nhà đầu tư vào KCN với những ngành nghề ít ô nhiễm, cơ cấu ngành phù hợp với thực tế và khả năng giải quyết ô nhiễm ở địa phương. Những dự án có cùng nhóm ngành và mức gây ô nhiễm lớn sẽ bố trí vào một KCN riêng để thuận lợi cho việc kiểm soát và xử lý ô nhiễm.
Thứ hai, công tác thẩm định dự án thành lập KCN mới cần được nâng cao chất lượng về giải pháp bảo vệ môi trường. Các dự án khả thi phải được dự báo, xác định khối lượng chất thải các loại và mức độ gây ô nhiễm môi trường để từ đó có phương án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải phù hợp với qui mô và yêu cầu thực tế.
Thứ ba, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải tập trung, xem đó là một trong những điều kiện ưu tiên để xem xét hỗ trợ thuế, đất đai cho chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN, mở rộng KCN. Nêu cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong KCN đối với vấn đề về bảo vệ môi trường trong và ngoài KCN, chủ động tìm giải pháp hợp lý để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích và chi phí trong việc đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Thứ tư, cấp có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa yếu tố môi trường trong việc giám sát thực hiện các dự án đầu tư; thường xuyên kiểm soát, thanh tra môi trường công nghiệp; qui định áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn; động viên và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, có biện pháp chế tài các đơn vị gây ô nhiễm môi trường.
Thứ năm, chính quyền và các sở, ngành chuyên môn của địa phương cần quan tâm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các doanh nghiệp và các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN; hỗ trợ kinh phí đầu tư hoặc hỗ trợ lãi suất vay để các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng KCN xây dựng nhà máy xử lý chất thải.
Thứ sáu, đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước về môi trường; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa Ban quản lý KCN với các doanh nghiệp và các sở, ngành trong công tác phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường… Nhất quán quan điểm bảo vệ môi trường gắn với sự phát triển bền vững ngành công nghiệp.