Thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà giai đoạn 2020 - 2025

14/10/2020 - 22:31

BDK - Trong nhiệm kỳ vừa qua, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 2015 - 2020 của tỉnh chỉ ước đạt 6,41%/năm, thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh khóa X (7 - 7,5%/năm). Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2025) là từ 8,5 - 9,5%, tổng nguồn vốn huy động đầu tư toàn xã hội phải đạt từ 130 - 140 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 1,57 - 1,69 lần so với nhiệm kỳ trước. Giải pháp là cần tập trung thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên vốn cho các công trình giao thông trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Thạch Thảo

Ưu tiên vốn cho các công trình giao thông trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Thạch Thảo

Mặc dù trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển thông qua việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 27-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 82.941 tỷ đồng, tăng gần 1,43 lần so với giai đoạn trước, tuy nhiên chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt nghị quyết.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt là do những tháng đầu năm 2020, tỉnh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động kép của xâm nhập mặn nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh từ cuối năm 2019 đến hết tháng 6-2020 và các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội để phòng tránh dịch Covid -19.

Trong giai đoạn tới, theo dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 8,5 - 9,5%/năm; trong đó, khu vực I tăng 4 - 4,7%/năm, khu vực II tăng 15 - 17%, khu vực III tăng 7 - 8,6%. Ngoài những yếu tố đóng góp của lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng của tỉnh sẽ chuyển dịch dần theo hướng chất lượng nhưng quan trọng vẫn là yếu tố vốn đầu tư.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trong nhiệm kỳ tới như nêu trên, tổng nguồn vốn huy động đầu tư toàn xã hội phải đạt từ 130 - 140 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 1,57 - 1,69 lần so với nhiệm kỳ trước; trong đó, vốn nhà nước dự kiến khoảng 21.230 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng vốn huy động.

Theo quan điểm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tập trung huy động vốn đầu tư toàn xã hội để phục vụ tăng trưởng là giải pháp quan trọng nhất. Để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn này, cần tập trung một số nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Về nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: Cần tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trên địa bàn tỉnh. Chú trọng triển khai các chính sách thu hút đầu tư hợp lý để khai thác hiệu quả và bền vững các tiềm năng lợi thế của tỉnh như: tài nguyên (đất, cát, sông nước, bờ biển), năng lượng sạch, phát triển đô thị (quan tâm đô thị thông minh, đô thị ven biển), nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao... Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển và thu hút nguồn nhân lực hiệu quả. Tập trung nghiên cứu, sửa đổi, ban hành mới chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như ban hành danh mục và tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư làm cơ sở huy động vốn đầu tư đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính như cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh; nhất là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp hướng đến xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao các Chỉ số PCI, PAPI, PAR-INDEX với mục tiêu nằm trong top đầu cả nước để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Nâng cao chất lượng thực thi công vụ; thực hiện tốt công tác đối thoại, chú trọng hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư/doanh nghiệp; tập trung xây dựng hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện, Quy hoạch xây dựng, làm cơ sở huy động vốn đầu tư toàn xã hội.

Nhóm giải pháp về tiếp nhận nguồn vốn đầu tư: Để sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn huy động, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công cho các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng cấp bách, trọng điểm, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối theo định hướng phát triển mạnh về hướng Đông (như dự án: ĐH.173; 3 tuyến Bắc - Nam: đường cao tốc, đường quốc lộ ven biển, ĐT.DK 08; 3 tuyến Đông - Tây: ĐT.DK 06, ĐT.DK 07 và ĐH.DK 46; đặc biệt là tuyến giao thông ven biển, từ TP. Hồ Chí Minh qua Bến Tre đến Kiên Giang...) để tạo dư địa và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre, dự án cấp nước ngọt... để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Thường xuyên đôn đốc và quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió, điện khí, các trạm biến áp và hệ thống đường dây đấu nối, sớm đưa vào vận hành, khai thác; các dự án phát triển đô thị đã có chủ trương đầu tư để nâng cao tỷ lệ đô thị hóa.

Các giải pháp đồng bộ khác: Thực hiện tốt các giải pháp tăng thu ngân sách, nhất là từ đất, tài sản công, hộ kinh doanh cá thể, chống thất thu ngân sách trong khu vực ngoài quốc doanh; tăng cường giám sát nhằm bảo đảm hoạt động ngân hàng phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả; ngăn chặn triệt để tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Khuyến khích xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và tài chính… để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề cần quan tâm. Nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực. Tập trung công tác phát triển nguồn nhân lực, hướng đến nguồn nhân lực chất lượng và nhân lực kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Tăng cường công tác dự báo diễn biến nguồn nhân lực và nhu cầu nhân lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để có kế hoạch, giải pháp đáp ứng kịp thời; nhất là chú trọng phát triển nhân lực du lịch để từng bước đưa du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt nêu trên, cả hệ thống chính trị Bến Tre cùng chung sức, đồng lòng tham gia huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư toàn xã hội và triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn lực này. Tôi tin rằng Bến Tre hoàn toàn có khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 9,5 - 10% như trong Báo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra.

Cần ưu tiên lựa chọn các dự án tiềm năng, ưu tiên các dự án có tính thương mại cao, bố trí nguồn lực để thực hiện đầu tư theo hình thức PPP. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án ODA đã ký kết hiệp định như: Bệnh viện đa khoa 500 giường (vốn ODA Hàn Quốc), Nâng cấp đô thị TP. Bến Tre (vốn WB), Cải thiện sinh kế huyện Ba Tri và Thạnh Phú (vốn WB), Quản lý nguồn nước (vốn JICA)...; đồng thời, tích cực vận động các nguồn vốn vay và tài trợ mới cho đầu tư phát triển hạ tầng. Quản lý, khai thác hiệu quả nguồn quỹ nhà, đất công để thu hút đầu tư; ưu tiên bố trí ít nhất 15% vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất công để thu hút đầu tư.

Nguyễn Minh Cảnh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN