Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh châu Âu cần mở rộng năng lực sản xuất vaccine để có thể tự chủ, không phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ các nước khác, đảm bảo việc sản xuất trong khu vực nhằm cung ứng đủ lượng vaccine cần thiết trong Liên minh châu Âu (EU).
Bà cũng cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận về "chứng chỉ xanh kỹ thuật số", một dạng thẻ tiêm chủng để cấp cho những người đã được miễn dịch hoặc tạm thời miễn dịch trong EU.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước Quốc hội tại Berlin. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi Quốc hội nhanh chóng phê duyệt Quỹ Tái thiết châu Âu, trong đó EU sẽ gánh khoản nợ 1 lần 750 tỷ euro, phần lớn để viện trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19. Nhà lãnh đạo Đức hy vọng liên minh cầm quyền sẽ giành được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Quốc hội để có thể thông qua quỹ này, một dự án chưa từng có góp phần giúp các nước châu Âu ứng phó với đại dịch. Bà cũng cảnh báo đại dịch chưa thể sớm kết thúc khi số ca lây nhiễm mới đang gia tăng trên khắp châu Âu.
Cũng trong bài phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Merkel một lần nữa cảnh báo sự nguy hiểm của biến thể phát hiện tại Anh tháng 11-2020. Bà nhấn mạnh tình hình hiện nay hoàn toàn khác so với năm 2020 với sự xuất hiện của biến thể virus phát hiện ở Anh, điều không thể lường trước và hiện chiếm trên 71% số ca lây nhiễm mới ở Đức. Bà khẳng định nếu không có biến thể này, việc phong tỏa suốt vào mùa Đông qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thủ tướng Đức cũng đánh giá cao các quyết định được chính quyền trung ương và các bang vừa thông qua trong nỗ lực khống chế đại dịch, trong đó sẽ chú trọng vào việc áp dụng quy định linh hoạt theo khu vực, khuyến khích các quận/huyện tự chủ động có các biện pháp phù hợp chống dịch. Bà kêu gọi các công ty Đức thường xuyên tiến hành xét nghiệm cho đa số nhân viên và cảnh báo Chính phủ liên bang có thể phải can thiệp nếu việc xét nghiệm không được tiến hành trong những ngày tới.
Theo ủy viên đặc trách về vaccine của Chính phủ Đức Christoph Krupp, nước này hy vọng sẽ có vaccine thứ hai vào mùa Hè tới. Ông nói: "Chính phủ liên bang đặt nhiều hy vọng vào việc sản xuất vaccine của Curevac", đồng thời cho biết nếu được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt theo kế hoạch, vaccine Curevac dựa trên công nghệ mRNA có thể sẽ được đưa vào sử dụng vào nửa cuối năm 2021. Curevac - công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Tübingen của Đức, đã hợp tác với GSK để sản xuất vaccine và được tập đoàn hóa chất Bayer của Đức cùng công ty dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ hỗ trợ.
Cùng ngày 25-3, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) Lothar Wieler nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp phong tỏa trong nỗ lực giảm số ca lây nhiễm đang ngày càng gia tăng mạnh hiện nay. Theo ông, không có giải pháp nào khác cho tới khi phần lớn người dân được miễn dịch với COVID-19. Ông cũng kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc, trong khi chiến dịch tiêm chủng đang tiếp tục được triển khai.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Quốc vụ về các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Đức Michael Roth lên tiếng chỉ trích gay gắt về tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở Đức. Ông nhấn mạnh trong khi Đức chưa có đủ vaccine để có thể tiêm cho tất cả những ai có nhu cầu thì có tới 3,5 triệu liều chưa được sử dụng. Ông nhấn mạnh cần phải lập tức triển khai tiêm số vaccine của AstraZeneca này, bởi chỉ với 1 mũi tiêm, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm mạnh.
Theo báo BZ của Đức, Bộ Y tế liên bang có kế hoạch yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với mọi trường hợp trước khi nhập cảnh Đức. Dự thảo liên quan đã được gửi tới Phủ Thủ tướng cũng như các bộ liên quan, trong đó nhấn mạnh yêu cầu bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm trước khi đáp chuyến bay tới Đức, không phân biệt người nhập cảnh có phải đến từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm hay không. Theo Bộ Y tế liên bang, việc làm xét nghiệm (với kết quả âm tính) sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác khi bay cũng như "nhập" thêm mầm bệnh vào Đức.
Theo kế hoạch, quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 26-3 và trước mắt kéo dài tới 12-5 tới. Cho đến nay, việc xét nghiệm trước khi nhập cảnh Đức mới chỉ áp dụng bắt buộc với những người đã lưu trú trong 10 ngày trước đó ở khu vực có số ca nhiễm đặc biệt cao hoặc có biến thể lây lan mạnh (khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao theo danh sách của RKI).
Theo thông báo sáng 25-3 của RKI, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 22.600 ca nhiễm mới và 228 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong 7 ngày hiện là 113,3, tăng đáng kể so với ngày trước đó. Hiện các quận/huyện có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân trên 50 đã lên tới 384/412 quận/huyện ở Đức, trong đó có 219 quận/huyện vượt ngưỡng 100.
Nguồn: TTXVN