Thủ tướng gặp mặt, biểu dương các chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu

09/08/2019 - 13:21

Sáng nay, 9-8-2019, tại TP. Đà Nẵng, dự cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, tiếng nói từ trái tim của quý vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, những đề xuất, kế sách với Đảng, Nhà nước, nhất là trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo...

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và 126 vị chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu, đại diện lãnh đạo của 43 tổ chức tôn giáo.

Đây là một sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh, biểu dương các vị chức sắc tiêu biểu, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo và đồng bào theo tôn giáo đã có nhiều thành tích và đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo và những chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo với 43 tổ chức tôn giáo được công nhận, hơn 26 triệu tín đồ, gần 56.000 chức sắc, trên 145.000 chức việc...

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mỗi tôn giáo ở nước ta tuy có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau nhưng mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc; lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong những thành tựu chung của dất nước có sự đóng góp quan trọng của trên 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm hơn 1/4 dân số cả nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của các tôn giáo và đồng bào có đạo trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Thủ tướng biểu dương những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; phát huy các nguồn lực tôn giáo, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự đồng thuận cao và hưởng ứng mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, phục vụ nhân dân được tốt hơn, bảo đảm dân chủ, tiến bộ, tăng cường kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa nguồn lực, vai trò của các tôn giáo đối với sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn mới.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của quý vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, những đề xuất, kế sách với Đảng, Nhà nước, nhất là trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy có hiệu quả các nguồn lực và nâng cao vai trò của các tôn giáo, để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương lắng nghe ý kiến chân thành của quý vị, tiếng nói từ trái tim và trách nhiệm với cộng đồng theo đạo hoặc không theo đạo của nước ta”, Thủ tướng nói. “Tôi tin rằng, tinh thần chia sẻ, thấu hiểu của cuộc gặp hôm nay sẽ càng tác động tích cực đến đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo, thúc đẩy các hoạt động tôn giáo phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân chúng ta”.

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ do ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban trình bày, hiện nay trên địa bàn cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập. Cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương, 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo.

Hiện có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài... đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các tổ chức tôn giáo đã đóng góp cho xã hội hơn 1.000 tỷ đồng.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN