Thủ tướng mong gốm Chu Đậu ‘tỏa sáng năm châu’

09/04/2018 - 07:06

Chiều 8-4-2018, trong chuyến công tác tại Hải Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến làng gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách, thăm Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc bảo tồn, phát triển, quảng bá giá trị gốm Chu Đậu.

Thủ tướng tham quan các mặt hàng của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng tham quan các mặt hàng của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây được xem là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp của Việt Nam, phát triển rực rỡ trong suốt thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc.

Những di vật tìm được ở Thăng Long, ở thương cảng cổ thuộc vùng biển Cù lao Chàm (Quảng Nam), hay những hiện vật còn được lưu giữ ở các bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân trên khắp thế giới là minh chứng rõ nét cho sự phồn thịnh của gốm Chu Đậu trong lịch sử. Ngoài ra, từ những năm 1980, khai quật khảo cổ học tại Chu Đậu với số lượng đồ sộ những hiện vật cổ có liên quan đến nghề làm gốm thu thập được một lần nữa khẳng định Chu Đậu đã là trung tâm chuyên sản xuất gốm có chất lượng cao với loại hình và kiểu dáng đa dạng trong khoảng thế kỷ XIV-XVII.

Gốm Chu Đậu nổi danh với dòng men rạn. Điểm đặc biệt của dòng men cổ này ở chỗ màu vàng ngà của men được làm từ vật liệu tự nhiên rất sẵn có là vỏ trấu thóc nếp. Quá trình nung ở nhiệt độ cao đã hình thành nên các đường chỉ như những vết rạn nhỏ chạy trong lớp men.

Hiện sản phẩm gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được trưng bày tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 nước trong khu vực và trên thế giới.

Tham quan những sản phẩm gốm mang những nét thuần Việt riêng biệt của văn hóa truyền thống, Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Hải Dương và Tổng Công ty Hapro đã hợp tác phát triển Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, từ đó phục hưng sản phẩm lịch sử truyền thống của dân tộc.

Thủ tướng cho biết, các vị khách quốc tế đều trầm trồ về gốm Chu Đậu khi được Thủ tướng tặng sản phẩm gốm này. Từ hoa văn, họa tiết đến men sứ đều hết sức tinh xảo, gây ấn tượng cho người tiêu dùng.

Những làng nghề với sản phẩm nổi tiếng như gốm Chu Đậu, theo Thủ tướng, là đếm trên đầu ngón tay, còn rất ít ở nước ta.

“Tôi mong các đồng chí giữ gìn, tôn vinh và có cách làm mới để phát triển, không chỉ tiêu thụ trong nước mà đẩy mạnh xuất khẩu”, Thủ tướng chia sẻ với cán bộ, công nhân, những người làm ra gốm Chu Đậu và lãnh đạo chính quyền địa phương. Muốn như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài chính sách chung thì chính sách đối với nghệ nhân hết sức quan trọng, để có những bàn tay vàng, làm ra những sản phẩm đẹp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, cần gắn giữa sản xuất và tiêu thụ, bởi nếu tách sản xuất mà không có tiêu thụ thì khó phát triển.

Cho biết về việc chọn gốm Chu Đậu là một tặng phẩm chính của Thủ tướng dành cho khách quốc tế, Thủ tướng bày tỏ, ông đã thường xuyên quảng bá, “bán hàng” cho gốm Chu Đậu, một sản phẩm đáng trân trọng. “Tại sao chúng ta không trân trọng sản phẩm của người Việt Nam làm, sản phẩm lịch sử mà cha ông chúng ta làm? Đây là sản phẩm đáng quý mà tại sao chúng ta phải đi mua đồ nơi khác về, trong khi sản phẩm của chúng ta rất đẹp, nổi tiếng, óng ánh như thế này?”, Thủ tướng nói. “Đây là niềm tự hào của dân tộc”.

Không chỉ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo Thủ tướng, với sản phẩm chất lượng như thế này thì chính sản phẩm Việt Nam đã thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam, “sản phẩm của chúng ta không thua kém bất cứ sản phẩm nước nào”.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần tiếp tục đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, để nâng cao hơn nữa chất lượng, không chỉ là sản phẩm của Chu Đậu, của Hải Dương, mà là sản phẩm quốc gia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, sẽ có chính sách hỗ trợ, như về khoa học, công nghệ, về phần thưởng cần thiết cho các nghệ nhân, những bày tay vàng, để phát triển sản phẩm đáng quý này.

Trước đó, Thủ tướng đã dành tặng cho Công ty Gốm Chu Đậu dòng chữ: “Gốm Chu Đậu – Bản sắc Việt, Tỏa sáng năm châu”.

Nguồn Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN