Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón, hội đàm với Thủ tướng Lào

01/10/2019 - 20:28

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thăm chính thức Việt Nam, từ ngày 1 đến 3-10-2019. Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch chiều 1-10-2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh VGP/Quang Hiếu 

Cùng đi với Thủ tướng Thongloun Sisoulith có Phu nhân Naly Sisoulith và các đồng chí: Saleumxay Kommasith, Bộ trưởng Ngoại giao; Phet Phomphiphak, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào; Souphanh Keomixay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào – Việt Nam; Bounchanh Sinthavong, Bộ trưởng Bộ Công chính Vận tải; Khammany Intharath, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ; Sengdeuane Lachanthaboune, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao; Alounkeo Kittikhoun, Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ; Sonexay Sitphaxay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào; Sengphet Houngboungnuang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Thongsavanh Phomvihane, Đại sứ Lào tại Việt Nam; Souvone Leuangbounmy, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phouangparisak Prvongviengkham, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp; Somchith Inthamith, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Bouangeun Xaphouvong, Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch; Bounchom Ubonpaseuth, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Malaithong Kommasith, Thứ trưởng, Trợ lý Thủ tướng Lào; Khampeuy Keokinaly, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban hợp tác Lào – Việt Nam.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào đang phát triển tốt đẹp, hứa hẹn đạt nhiều tầm cao mới. Chuyến thăm sẽ góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào; đồng thời trao đổi tiếp tục tìm giải pháp thúc đẩy những thỏa thuận, hợp tác đã ký kết cũng như tăng hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Quan hệ đoàn kết đặc biệt

Theo Bộ Ngoại giao, hai nước Việt Nam - Lào có bề dày truyền thống đoàn kết đặc biệt, mối quan hệ thủy chung giữa hai Đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp đã được giữ gìn và phát huy như một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.

Trong những năm qua, hai bên không ngừng củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, coi đây là quy luật phát triển, nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Quan hệ chính trị, ngoại giao tiếp tục được tăng cường, ngày càng gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong quan hệ hai nước. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao cũng như các chuyến thăm của các bộ ngành, đoàn thể, địa phương; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc...

Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục có bước phát triển mới, là một trụ cột trong quan hệ hai nước.

Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Lào tích cực ủng hộ Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Hai bên thường xuyên hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực sông Mekong, tiếp tục phối hợp với các bên kiểm tra, giám sát các tác động toàn diện của việc sử dụng nước sông Mekong

Việt Nam: Nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào

Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Lào tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt hơn 1 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2019 đạt 748 triệu USD (tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2018). Xuất khẩu Việt Nam sang Lào đạt 405 triệu USD (tăng gần 18,8%), nhập khẩu từ Lào đạt gần 260 triệu USD (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018).

Hai bên tiếp tục tích cực triển khai Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại ít nhất 10%/năm.

Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, tính đến tháng 6/2019, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt 411 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD, tập trung nhiều vào một số lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, dịch vụ, nông nghiệp và viễn thông.

Các dự án hoạt động có hiệu quả thuộc lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, đóng góp cho ngân sách nhà nước Lào và an sinh xã hội, được các bạn Lào đánh giá cao. Vốn thực hiện đạt gần 50%, khoảng 2 tỷ USD.

Sáu tháng đầu năm 2019, có 2 dự án mới được cấp phép: Công ty Lao-Jagro Development Xiengkhoang (đây là hợp tác ba bên Lào - Nhật Bản - Việt Nam (Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk) với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD); dự án hợp tác trồng cây ăn quả tại Hủa Phăn.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Sôi động các lĩnh vực hợp tác

Hợp tác giáo dục đào tạo - văn hóa tiếp tục được quan tâm. Hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020", chú trọng tăng cường đào tạo cán bộ chiến lược cho Lào.

Năm 2018, Việt Nam đã dành cho Lào 1271 học bổng (tăng 271 suất so với quyết định của hai Chính phủ), Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là 14.656 người, số lưu học sinh Việt Nam tại Lào là 260 người.

Việt Nam đã mở 24 lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho 497 cán bộ quản lý, nghiệp vụ các cấp của Lào trên các lĩnh vực. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã hoàn thành, bàn giao chương trình tiếng Việt, bản thảo bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 cho phía Lào.

Việt Nam tiếp tục cử giáo viên sang dạy tiếng Việt cho cán bộ, học sinh - sinh viên tại 28 cơ sở giáo dục thuộc 11 tỉnh, thành phố của Lào; hỗ trợ ngành giáo dục Lào hoàn thành, đưa vào sử dụng 6 công trình phục vụ dạy và học.

Các hoạt động tuyên truyền, giao lưu, văn hóa nghệ thuật, xúc tiến du lịch được quan tâm thúc đẩy ở cả cấp trung ương và địa phương, góp phần tăng cường sự gần gũi, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Lào và người Lào tại Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại mỗi nước. Đến nay đã thành lập được Hội người Việt Nam tại 12/18 tỉnh, thành phố của Lào...

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN