Nửa đầu năm 2016, trong bối cảnh tăng trưởng
kinh tế chung của cả nuớc có dấu hiệu chậm lại, nhưng Hải Dương vẫn giữ được
mức tăng trưởng khá (tăng 7,2%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước
đạt 5.075 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 4.125 tỷ đồng, bằng 51,2% dự toán năm,
tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những thương hiệu nông sản nổi tiếng
của Hải Dương, xuất khẩu đi khắp các châu lục trên thế giới là mặt hàng vải
thiều. Thời gian qua, tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ
cho vải thiều. Năm 2016, tỉnh đã triển khai 11 mô hình sản xuất vải đủ tiêu
chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Australia, EU với diện tích 112,7 ha.
Là tỉnh có điều kiện thuận lợi về sản xuất
nông nghiệp, đặc biệt là rau màu với diện tích canh tác khoảng 30.000 ha/năm,
tuy nhiên Hải Dương chưa xây dựng được mô hình khu sản xuất rau an toàn quy mô
lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn,
có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao và gắn với tiêu
thụ sản phẩm. Hải Dương đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quan tâm để tỉnh tham gia Chương trình phát triển nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao từ năm 2017, để đến năm 2020, tỉnh có từ 3 - 4 khu sản xuất
rau an toàn quy mô lớn.
Tại buổi làm việc, tỉnh đề nghị Thủ tướng
Chính phủ sớm ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình
mục tiêu quốc gia thay thế quy định cũ; đồng thời xem xét, tăng mức bố trí kinh
phí Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới trong kế hoạch hàng năm.
Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về cơ chế đặc thù trong
quản lý dự án đầu tư thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ những
vướng mắc hiện nay.
Từ thực tế những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh
Hải Dương cho rằng, Tổng cục Thống kê cần thay đổi phương pháp thống kê theo
hướng phản ánh đúng tình hình hơn bởi trên thực tế, có những năm sản xuất nông
nghiệp của tỉnh âm, nhưng thu nhập của người nông dân lại tăng nhờ ứng dụng
khoa học kỹ thuật tạo giá trị gia tăng cao.
Đại diện các bộ, ngành đề nghị Hải Dương phát
huy thế mạnh vùng đất địa linh, nhân kiệt, tận dụng tốt những dư địa phát triển
để tăng trưởng kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp song cần hướng đến đảm bảo
ổn định, bền vững hơn cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động mở rộng
mạng lưới khu công nghiệp để giữ nguồn lao động tại chỗ.
Nhấn mạnh đến vị trí đặc biệt của Hải Dương
với hệ thống giao thông thuận tiện nối liền các khu vực kinh tế lớn của miền
Bắc, cái nôi văn hóa lớn của khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và
đánh giá cao Hải Dương có nỗ lực phấn đấu, duy trì mức tăng trưởng khá; kinh tế
phát triển đồng đều, công tác cơ giới hóa nông thôn thực hiện tốt.
Chỉ ra một số điểm cần khắc phục của Hải
Dương, Thủ tướng cho rằng, công tác tái cơ cấu kinh tế, nhất là nông nghiệp của
tỉnh còn chưa thực sự rõ nét so với yêu cầu đặt ra là địa phương nằm trong vùng
Thủ đô. Ngoài ra, Hải Dương cũng cần chủ động khắc phục, xử lý các vấn đề xã
hội như: tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác giải phóng mặt
bằng, ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra; vấn đề an toàn giao thông đường sắt,
đường sông, đường thủy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hải Dương
chú trọng phát triển lợi thế về văn hóa du lịch, tập trung xây dựng hạ tầng kỹ
thuật Khu di tích đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc trở thành địa danh thu hút đông
đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Tỉnh cần làm tốt công tác xây dựng đời
sống văn hóa ở khu vực nông thôn; gìn giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Thủ tướng mong muốn, với điều kiện, tiềm năng
và dư địa phát triển, Hải Dương phải phấn đấu vươn lên trở thành địa phương
đóng góp cho ngân sách Trung ương, chứ không phải là tỉnh nhận trợ cấp từ Trung
ương; phát huy toàn diện hơn nữa những thế mạnh và nông nghiệp, du lịch, văn
hóa, nông thổ sản và khu công nghiệp. Thủ tướng đề nghị chính quyền, nhân dân
Hải Dương tiếp tục phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ 2016, đóng góp tích
cực cho Trung ương.
Đồng ý hỗ trợ để Hải Dương xây dựng mô hình
khu sản xuất rau an toàn quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến mục tiêu của công tác xây dựng nông thôn
mới, đó là nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Thủ tướng
đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp sớm ban hành Quy chế quản
lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương
triển khai, chủ động lên kế hoạch giải ngân kịp thời./.