Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại tỉnh Bình Định

04/02/2023 - 19:21

Thủ tướng khảo sát, nghe báo cáo dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát, cắt băng khánh thành tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến-Mỹ Thành, khảo sát khu Becamex VSIP Bình Định...

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chương trình Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tại Bình Định và thăm, làm việc với tỉnh Bình Định, ngày 4-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra, khảo sát và dự lễ khánh thành một số công trình hạ tầng của tỉnh Bình Định.

Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Phù Cát theo phương thức hợp tác công tư

Trong buổi sáng, ngay sau khi đến Bình Định, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã khảo sát, nghe báo cáo dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Cảng hàng không Phù Cát kết hợp khai thác hàng không dân dụng với hoạt động bay quân sự. Nhà ga hành khách được xây dựng năm 2018, đáp ứng công suất 2 triệu hành khách/năm.

Hiện nay, tại Cảng hàng không Phù Cát có 5 hãng hàng không khai thác các đường bay nối Quy Nhơn với Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Phù Cát tăng trưởng tương đối tốt trong vài năm gần đây, trung bình khoảng 1,5 triệu hành khách/năm; đã khai thác một số chuyến bay quốc tế không thường lệ.

Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nâng công suất Cảng hàng không Phù Cát đến năm 2030 đạt 5 triệu hành khách/năm và tầm nhìn đến 2050 là 7 triệu hành khách/năm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và tỉnh Bình Định sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát để sẵn sàng phê duyệt sau khi Quy hoạch tổng thể hệ thống Cảng hàng không, sân bay được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu mô hình một số cảng hàng không mới được xây dựng gần đây để xây dựng Cảng hàng không Phù Cát đảm bảo hiện đại, phù hợp với tình hình phát triển gia đoạn tới và bảo đảm tính lưỡng dụng của công trình.

Đặc biệt nghiên cứu, huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phù Cát theo phương thức hợp tác công tư (PPP).

Tại sân bay, Thủ tướng tặng quà, động viên cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Không quân 925 và 940, Sư đoàn 372 đang quản lý, vận hành Cảng hàng không Phù Cát. Thủ tướng yêu cầu Trung đoàn làm tốt công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng sân bay ngày càng hiện đại, khang trang, sạch đẹp.

Khai thác không gian mới từ tuyến đường ven biển

Cũng trong sáng 4-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ cắt băng khánh thành tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến-Mỹ Thành, thuộc tuyến đường ven biển quốc gia; nghe báo cáo về quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông của tỉnh Bình Định, quy hoạch sử dụng đất trong khu vực.

Tuyến đường ven biển (ĐT 639) đi qua tỉnh Bình Định nối với đường ven biển tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên, dài hơn 115km, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, với 8 dự án thành phần dài 99 km, còn lại tận dụng Quốc lộ 1D khoảng 16km. Tuyến đường này chạy song song với Quốc lộ 1A thông suốt từ Quy Nhơn ra đến Hoài Nhơn, được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển toàn diện cho cả mạn phía đông của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến-Mỹ Thành. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến-Mỹ Thành. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hiện đã có 3 dự án đoạn Cát Tiến-Đề Gi, Đề Gi-Mỹ Thành, cầu Lại Giang-cầu Thiện Chánh được đưa vào sử dụng với tổng chiều dài hơn 38km, tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Đoạn Cát Tiên-Mỹ Thành có mức đầu tư 1.967 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương.

Tại đây, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Định tập trung làm xong con đường này trong nhiệm kỳ, tạo không gian phát triển mới, quỹ đất mới, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Phía Đông tuyến đường (phía biển) ưu tiên quy hoạch, phát triển du lịch, dịch vụ, phía tây quy hoạch, phát triển đô thị, công nghiệp, khai thác hiệu quả nhất quỹ đất.

Thủ tướng cho rằng việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển là hết sức cần thiết nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương có biển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước; yêu cầu sau khi xây dựng tuyến đường, những vị trí đào đắp, khai thác vật liệu xây dựng phải được hoàn nguyên, phủ thảm thực vật, đảm bảo cảnh quan môi trường.

Niềm vui trong những căn nhà xã hội

Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, và nói chuyện với bà con nhân dân khu nhà ở xã hội-chung cư An Phú Thịnh, phường Nhơn Bình, Thành phố Quy Nhơn.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì bà con phấn khởi, tươi vui vì đã có chỗ ở khang trang, sạch sẽ, với giá cả hợp lý do được Nhà nước hỗ trợ; đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chủ đầu tư, tiếp tục nhân rộng mô hình này để phát triển thêm nhà ở xã hội, như giao đất mà không tính tiền sử dụng đất, nếu thiếu vốn thì các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ vốn.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề nghị ngân hàng sẽ hỗ trợ cho người dân được vay mua và mua trả góp, tạo điều kiện tốt nhất để người dân khó khăn được tiếp cận mua được nhà ở xã hội.

Hiện nay, tỉnh Bình Định đã có 7.000 căn hộ nhà ở xã hội, tỉnh phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm 20 nghìn căn nhà ở xã hội.

Thủ tướng tin rằng nếu tỉnh nào cũng phát triển được nhà ở xã hội như Bình Định thì đến năm 2030 đất nước sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Xây dựng khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ tại huyện đặc biệt khó khăn

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đi thăm, khảo sát khu công nghiệp-đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, thuộc khu kinh tế Nhơn Hội, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Đây là dự án hợp tác giữa hai tỉnh Bình Dương và Bình Định, do Tổng Công ty Becamex IDC (Bình Dương) và VSIP Group thực hiện.

Dự án gồm 1.000ha khu công nghiệp và 425ha khu dân cư, thương mại, dịch vụ và khu tái định cư. Dự án này đã được được khởi công từ tháng 9-2020 và đang được tích cực triển khai, dự kiến sẽ thu hút khoảng 2 tỷ USD đầu tư vào sản xuất công nghiệp, sau khi đi vào hoạt động tạo việc làm cho 120.000-150.000 lao động địa phương và khu vực lân cận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, dự án được triển khai tại huyện Vân Canh - địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh, được tỉnh tạo mọi điều kiện tốt nhất và kỳ vọng sẽ đóng vai trò là hạt nhân mới trong thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ của Bình Định trong thời kỳ mới.

VSIP Group được thành lập trên nền tảng liên doanh hợp tác giữa Becamex IDC và Sembcorp Development (Singapore), khởi nguồn tại tỉnh Bình Dương đến nay đã có nhiều dự án khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) trải dài khắp cả nước.

Hồ chứa nước đa mục tiêu

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành hồ chứa nước Đồng Mít ở huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định.

Dự án hồ chứa nước Đồng Mít là một trong những dự án quan trọng nhằm thực hiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của địa phương.

Hồ Đồng Mít Có lưu vực 160,3km2, dung tích gần 90 triệu m3; đập chính của hồ dài 378m, cao hơn 62m, đỉnh đập rộng 9m; có 3 cửa xả lũ... Tổng mức đầu tư 2.142 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương. Để xây dựng Hồ, có 890 hộ gia đình, 9 tổ chức phải di dời giải phóng mặt bằng, trong đó có các hộ dân của cả một xã phải di chuyển, tái định cư.

Hồ được khởi công tháng 2-2019, sau khi hoàn thành, hồ chứa nước Đồng Mít tạo nguồn nước tưới cho 6.742 ha; cắt giảm lũ cho hạ lưu; cải thiện môi trường sinh thái và chống xâm nhập mặn cho vùng hạ lưu.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Bình Định là tỉnh duyên hải miền trung, có nhiều tiềm năng, song vẫn còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư để cải thiện đời sống của nhân dân nơi đây, trong đó có việc đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đập Đồng Mít là một công trình cụ thể. Đây là công trình đa mục tiêu vừa cấp nước tưới tiêu, vừa cắt giảm lũ, phát điện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trình hồ chứa nước Đồng Mít. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trình hồ chứa nước Đồng Mít. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định, đặc biệt là người dân trong vùng dự án, các đơn vị tham gia thực hiện đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện hoàn thành dự án vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức bàn giao, tiếp nhận, vận hành, khai thác công trình an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và nhân dân vùng dự án tiếp tục hỗ trợ và phối kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ an toàn công trình, giữ gìn môi trường cảnh quan sạch đẹp, xứng đáng là công trình thủy lợi trọng điểm của địa phương và của vùng.

Tỉnh Bình Định cần chỉ đạo các đơn vị liên quan có kế hoạch khai thác hiệu quả, đồng thời nghiên cứu phát triển các hoạt động kinh tế, du lịch, cây trồng, vật nuôi để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của hồ Đồng Mít cả trong lòng hồ, mặt nước; tiếp tục quan tâm bảo đảm ổn định sản xuất, đời sống cho các hộ dân phải di dời và bị ảnh hưởng của dự án với tinh thần là làm sao đời sống của người dân ở nơi ở mới phải ít nhất là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương vùng Nam Trung Bộ nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Tỉnh Bình Định phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, các công trình quan trọng, chiến lược với lộ trình phù hợp, trong đó có các công trình thủy lợi, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Sau lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ thăm Khu tái định cư hồ Đồng Mít xã An Dũng (mới), được xây dựng trên diện tích đất của hai xã An Trung và An Hưng (huyện An Lão). Đây là nơi ở mới của 480 hộ dân đồng bào H'rê xã An Dũng, huyện An Lão nằm trong Dự án hồ chứa nước Đồng Mít.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì khu tái định cư xã An Dũng (mới) được xây dựng khang trang, đầy đủ các hạ tầng thiết yếu; người dân phấn khởi cho rằng, nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đời sống tốt hơn trước.

Thủ tướng cảm ơn đồng bào đã nhường đất cho dự án và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; mong muốn đồng bào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, xây dựng cuộc sống mới, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là về tư liệu sản xuất, đào tạo nghề, đồng thời giữ gìn, phát huy các nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào H'rê nơi đây.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN