Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ

21/05/2022 - 17:03

Sáng 21-5-2022, tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri TP. Cần Thơ theo hình thức trực tuyến, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cuộc tiếp xúc cử tri được kết nối điểm cầu Văn phòng Chính phủ với các điểm cầu tại Hội trường Huyện ủy Phong Điền và điểm cầu tại 77 xã, phường, thị trấn thuộc 9 quận, huyện của TP. Cần Thơ.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã thông báo đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ từ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đến nay.

Gửi tới Quốc hội nhiều ý kiến, kiến nghị, cử tri TP. Cần Thơ bày tỏ vui mừng vì Chính phủ đã có các giải pháp sáng suốt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó, cả nước đã thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; cuộc sống dần trở lại bình thường; kinh tế-xã hội từng bước phục hồi, phát triển.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, do đó cử tri đề nghị Nhà nước tiếp tục có chính sách để hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai.

Cử tri đề nghị Chính phủ, Quốc hội, chính quyền địa phương có giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW.  Trong đó có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; đầu tư xây dựng Trung tâm y tế ngang tầm với vai trò là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cử tri TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã, phường chỉ được hưởng trợ cấp, không có lương, nên đời sống khó khăn; đề nghị Nhà nước có chế độ, chính sách cho đối tượng này yên tâm công tác. Cử tri cũng phản ánh những vướng mắc trong thực hiện pháp luật về đất đai như thiếu hợp lý trong việc cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn; tình trạng quy hoạch treo; cò mồi đất gây sốt ảo, đẩy giá đất lên cao... đề nghị Chính phủ có giải pháp quản lý tình trạng này.

Đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện và TP. Cần Thơ đã giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn cử tri đã có các ý kiến rất thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm, nêu vấn đề cần phải có giải pháp cụ thể để giải quyết những băn khoăn, trăn trở, mong muốn này. Các vấn đề cụ thể liên quan cơ chế, chính sách, hạ tầng, y tế, Luật Đất đai, các vấn đề liên quan cuộc sống hằng ngày. “Đây là buổi tiếp xúc hết sức dân chủ, khách quan”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, sau bầu cử Quốc hội khóa XV đến nay, thực chất chúng ta đã có 3 kỳ họp Quốc hội. Nếu thấy cần thiết, Quốc hội tổ chức các kỳ họp để giải quyết vấn đề đặt ra từ thực tế. Đây là cách làm mới của Quốc hội. Do đó, các cơ quan chức năng phải chuẩn bị, cử tri đóng góp, nêu vấn đề, phản ánh tình hình cho chính quyền các cấp.

“Đó là tất cả vì nhân dân, chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân, do dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trên thực tế, chúng ta phải có các cuộc họp bất thường xuất phát từ thực tiễn, vì lợi ích của nhân dân”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và quý I-2022. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, lây lan nhanh và nguy hiểm, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, xảy ra xung đột tại Ukraine... Nhiệm vụ của cả nước vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa phải ứng phó với các vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ và xử lý một số công việc tồn đọng nhiều năm như 12 dự án thua lỗ, tổ chức tín dụng yếu kém, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Long Phú 1...

Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng; quản lý, điều hành của Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế..., cả nước đã chuyển hướng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, song kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm, với CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm; các cân đối lớn được đảm bảo; xuất khẩu là điểm sáng, thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế, với tổng kim ngạch vượt 668 tỷ USD tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, siêu khoảng 4 tỷ USD, là năm thứ 6 liên tiếp thặng dư.

Phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng, trong đó đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Tình hình chính trị ổn định; bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; an ninh, trật tự được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được tăng cường...

Đáng chú ý, trong 4 tháng năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động như giá dầu, giá cả hàng hóa chiến lược tăng; cạnh tranh chiến lược gay gắt; xảy ra xung đột tại Ukraine; các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, thiên tai, biến đổi khí hậu... có nhiều thách thức.

Mặc dù vậy, cả nước tiếp tục kiềm chế tốt dịch bệnh COVID-19; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được đảm bảo; an ninh quốc phòng được giữ vững; đối ngoại được tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; các vấn đề tồn đọng nhiều năm và các vấn đề mới nổi lên được chỉ đạo, xử lý kịp thời, trong đó có việc xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...; việc xây dựng thể chế, tổ chức thực thi pháp luật được quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được đảm bảo, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên... Trong thành tích chung của cả nước, có đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, cử tri TP. Cần Thơ.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ một số khó khăn, thách thức như: Ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều thách thức; các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro. Áp lực lạm phát, nợ xấu có xu hướng tăng. Sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều. Các rủi ro tài chính và bất bình đẳng có dấu hiệu gia tăng. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Các chương trình mục tiêu quốc gia cần thúc đẩy triển khai mạnh hơn. “Đây là những vấn đề mà chúng ta phải khắc phục, phấn đấu kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 phải cao hơn năm 2021”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước, trong đó có Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, với mục tiêu phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Đối với đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị có Nghị quyết 13-NQ/TW, xác định rất rõ tầm quan trọng của khu vực này. Chính phủ đã công bố quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây là quy hoạch vùng đầu tiên. Trong đó, Cần Thơ là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phải đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.

Theo đó, ưu tiên kế hoạch đầu tư công trung hạn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, ưu tiên chống sụt lún, sạt lở; kêu gọi sự hợp tác quốc tế; nhấn mạnh ưu tiên an ninh nguồn nước… Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng đề nghị TP. Cần Thơ tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trong đó tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, hoàn thành tiêm xong 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi phải tiêm xong; tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II này.

Cùng với đó, Thành phố phải phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội; hoàn thành các dự án giao thông kết nối vùng…; nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau; phát triển đường vành đai phía tây Thành phố… Tổ chức thực hiện từng bước một, có trọng tâm, trọng điểm; đầu tư các cảng, phát triển các khu công nghiệp. Phát triển các trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu, tạo ra các trung tâm như trường đại học y dược, cao đẳng nghề, công nghệ. Triển khai dự án khu hành chính; huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư hiệu quả, chú trọng nguồn lực đầu tư xã hội, phấn đấu vốn đầu tư xã hội mỗi năm tăng 10%; đầu tư theo hình thức lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, điều quan trọng là nêu cao tính tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, coi trọng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; bảo đảm an ninh quốc phòng, khẳng định vị trí trung tâm về y tế, khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục thu hút nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết cho khu vực, nhất là giao thông; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, gắn với cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tăng cường phân cấp, phân quyền; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo Thủ tướng, công tác quy hoạch phải bám sát nhiệm vụ, mục tiêu của thành phố, làm sao khai thác được tối đa tiềm năng, sự khác biệt của địa phương, tạo ra động lực mới, sự hấp dẫn; tăng cường hợp tác công tư; làm tốt công tác quy hoạch TP. Cần Thơ gắn với quy hoạch vùng; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch.

Thủ tướng nhấn mạnh, Cần Thơ là trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, Đảng, Nhà nước, nhân dân kỳ vọng sự lớn mạnh của Thành phố, có sự hỗ trợ phát triển hạ tầng lớn, song cần sự nỗ lực của Thành phố. Trên tinh thần đó, để Cần Thơ phát triển thành thành phố hạt nhân của khu vực, thành phố phát triển của Đông Nam Á, cần dành nguồn lực, có cơ chế, chính sách phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành với Đoàn đại biểu Quốc hội, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Cần Thơ thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN