Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp. Trong các chương trình, đề án lớn của tỉnh cũng xác định ưu tiên mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (NN), nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy, tạo bước phát triển đột phá cho NN tỉnh, nhất là DN “đầu tàu” đầu tư vào NN. Vấn đề này tiếp tục được UBND tỉnh đặt ra và tập trung bàn tìm các giải pháp thực hiện trong thời gian tới tại diễn đàn “Thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực NN”, ngày 18-9-2018.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tại diễn đàn.
Đầu tư nâng cao giá trị sản xuất
Được biết đến là một tỉnh NN, với những lợi thế về kinh tế vườn hơn 70.000ha dừa, 28.000ha trồng cây ăn quả đặc sản; 10 triệu sản phẩm hoa kiểng với chất lượng cao. Tỉnh cũng có 47.000ha nuôi trồng thủy sản, với sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản hàng năm đạt trên 470 ngàn tấn. Vì vậy, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.
Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 451 DN đầu tư vào NN, chiếm 17% tổng số DN đang hoạt động. Tổng vốn đăng ký của các DN đầu tư vào NN chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của DN trên địa bàn tỉnh, vốn bình quân mỗi DN khoảng 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được 24/52 dự án FDI hoạt động trong lĩnh vực NN, tổng vốn đăng ký 225,7 triệu USD, chiếm 26% vốn đăng ký FDI trên địa bàn tỉnh. So với thời điểm năm 2008, tỷ lệ DN hoạt động trong lĩnh vực NN tăng mạnh về số lượng (số lượng DN đầu tư vào NN chiếm 10,5% năm 2008 tăng lên 17% vào năm 2018) và vốn đăng ký (năm 2008 chiếm 3,4%, năm 2018 tăng lên gần 10 lần - chiếm 30% tổng vốn đăng ký DN toàn tỉnh).
Năng lực hoạt động của DN trong NN ngày càng được nâng cao. Tổng doanh thu của DN trong NN chiếm khoảng 26% so với doanh thu toàn bộ DN trên địa bàn tỉnh. Giá trị sản xuất của DN hoạt động trong lĩnh vực NN chiếm khoảng 17% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành NN. Đóng góp nguồn thu ngân sách của DN NN chiếm khoảng 9% so với tổng thu DN toàn tỉnh. Trong 8 tháng năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của DN trong lĩnh vực NN đạt khoảng 215 triệu USD; sản phẩm NN của tỉnh đã xuất khẩu sang thị trường của 70 nước và vùng lãnh thổ.
Những tín hiệu tích cực
Hiện tỉnh có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực NN khá thành công của các DN trong và ngoài nước như Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty TNHH Thế Giới Việt, Cơ sở Hương Miền Tây, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong...
Riêng đối với cây dừa, hiện có 3 DN tham gia liên kết tiêu thụ là Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu. Các đơn vị đã ký kết bao tiêu sản phẩm dừa công nghiệp, giữ vững mức giá sàn tối thiểu 50 ngàn đồng/chục dừa và đảm bảo thu mua ổn định cho các tổ hợp tác và hợp tác xã.
Hiện nay, một số DN mới cũng đang xúc tiến các hoạt động xây dựng liên kết chuỗi như Công ty Bảo Thạnh, Công ty Kiến Hiếu, Công ty Dừa Xanh… Bên cạnh việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, các DN chế biến dừa còn chủ động đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, tạo ra đa dạng sản phẩm có giá trị cao từ dừa.
Đối với cây bưởi da xanh, có các DN như Công ty Vineco, Hoàng Quý 686, Hương Miền Tây… đã ký kết được 21 hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ước sản lượng liên kết tiêu thụ khoảng 2.000 tấn/năm. Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai thực hiện chuỗi giá trị bưởi da xanh với diện tích 61ha tại huyện Châu Thành và TP. Bến Tre, với hình thức cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn kỹ thuật và thu mua sản phẩm.
Định hướng thu hút đầu tư
Theo ông Nguyễn Đình Mười - Phó tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, TP. Hồ Chí Minh, DN đã đầu tư nhà máy sơ chế dừa trái uống nước xuất khẩu tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành. Đối với dòng sản phẩm nhãn hiệu dừa xiêm xanh Bến Tre, DN đã xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có thị trường Mỹ với sản lượng xuất khẩu khoảng 100 ngàn trái/tuần. Hiện DN đang đưa sản phẩm dừa trái uống nước áp dụng công nghệ bật nắp vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, công ty đang mở rộng đầu tư tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để chế biến xuất khẩu các nông sản đặc sản của các địa phương. “Tới đây, công ty sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy tại Cụm công nghiệp Long Phước (Châu Thành) để chế biến sản phẩm NN” - ông Nguyễn Đình Mười cho biết.
Công ty Xuất nhập khẩu Trái cây Mekong cũng đã đầu tư nhà máy sơ chế dừa trái uống nước xuất khẩu tại huyện Châu Thành. Bước đầu đã liên kết với nhà vườn để tiêu thụ dừa uống nước, với diện tích khoảng 70ha. Ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty bày tỏ niềm phấn khởi khi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp hỗ trợ công ty xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với quy mô trên 50ha, theo hướng cánh đồng lớn.
“Trong định hướng thu hút đầu tư, tỉnh cũng đang ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực NN, nhất là NN kỹ thuật cao hướng đến xây dựng tỉnh trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật sản xuất NN cho nông dân và DN. Đồng thời là các dự án đầu tư chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa, thủy sản, trái cây... để phục vụ xuất khẩu hướng đến xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất, thu mua và phân phối nông sản hàng đầu của khu vực gắn với lợi thế về du lịch sinh thái” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng nhấn mạnh.
Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh, kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư vào NN, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Với khát vọng vươn lên của chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, Bến Tre luôn luôn chào đón và đồng hành cùng các nhà đầu tư, DN có tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực NN địa phương.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc