Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

05/02/2021 - 20:30

BDK - Chương trình số 10 về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh đã kết thúc nhiệm vụ đầu tiên là khởi nghiệp thoát nghèo và làm giàu để chuyển qua giai đoạn mới là phát triển DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Tất cả các chương trình từ các sở, ngành sẽ được tập trung kết nối, đồng bộ nguồn lực cho mục tiêu phát triển đạt 5 ngàn DN và đội ngũ 100 DN dẫn đầu của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khen thưởng 5 doanh nghiệp tiêu biểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: C. Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khen thưởng 5 doanh nghiệp tiêu biểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: C. Trúc

Thích ứng - chuyển đổi - bứt phá

Năm 2020, tỉnh cũng như cả nước phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngay cả những lúc khó khăn nhất, nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục khởi nghiệp ĐMST, chứng tỏ được khả năng thích ứng và đột phá không chỉ tại thị trường trong nước mà còn mở rộng trên thế giới. Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới là một điển hình về thích ứng - chuyển đổi - bứt phá với kết quả nổi bật.

Được sự đồng hành của các nhà khoa học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Qưới đã triển khai thành công dây chuyền sản xuất VCO (sản xuất dầu dừa bằng phương pháp không gia nhiệt), với công nghệ hiện đại, công suất 5 triệu lít/năm. Dây chuyền sản xuất nước dừa giải khát từ nước dừa khô (già) công suất từ 4 - 12 ngàn lít nước dừa/giờ. Qua đó, hiệu quả năng lực xuất khẩu tăng lên 26 lần, tăng giá trị VCO gấp 3,3 lần, nước dừa 10 lần…

Với kết quả này, DN địa phương đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến trái dừa, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Cùng với thành công của nghiên cứu, ứng dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, thương hiệu Vietcoco với chuỗi sản phẩm Vietcoco đã có mặt tại thị trường Mỹ, EU và khoảng 30 quốc gia khác trên thế giới, khẳng định giá trị đẳng cấp của sản phẩm dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng toàn cầu vì đại dịch Covid-19 nhưng Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới có nhiều sản phẩm được đưa vào các siêu thị lớn của các nước. Doanh thu xuất khẩu đạt trên 50 triệu USD, tương đương trên 1 ngàn tỷ đồng, trở thành một trong 500 DN dẫn dầu của cả nước về chỉ số tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam”, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành phấn khởi cho biết.

Từ đây, câu chuyện thay đổi công nghệ sản xuất cũ bằng giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất đã giúp DN từ một đơn vị DN có quy mô nhỏ và vừa đã vươn tới DN xuất khẩu đạt mốc “ngàn tỷ đồng”, trở thành một trong những DN dẫn đầu ngành dừa tỉnh và lọt vào top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất của cả nước, top 90 thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Động lực tạo ra “hạt giống” mới

Ông Đặng Đức Thành - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển DN tỉnh, là người đồng hành xuyên suốt cùng tỉnh từ những ngày đầu khởi động Chương trình số 10. Từ câu chuyện của doanh nhân ngành dừa, ông Đặng Đức Thành đánh giá, đó chính là khởi nghiệp ĐMST. “Đừng nghĩ quá xa xôi, cách làm ĐMST của DN này là tìm hiểu thế giới cần gì và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu sản xuất vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ đến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Muốn đầu tư công nghệ, DN cần phải có nguồn lực. Nói cách khác, để phát triển DN ĐMST xứng tầm, thời gian tới, địa phương cần có những chương trình lớn, dự án lớn để kết nối nguồn lực”, ông Đặng Đức Thành khẳng định.      

Bến Tre hiện có khoảng 4.800 DN. Làm sao để đột phá với 5 ngàn DN mới được thành lập trong 5 năm tiếp theo mà trọng tâm là khởi nghiệp ĐMST? Trả lời cho câu hỏi này, ông Đặng Đức Thành cho rằng: Các trường, viện, trung tâm, Sở Khoa học và Công nghệ là những nơi có điều kiện về chất xám, trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, trong khi người khởi nghiệp thì có ý tưởng và niềm đam mê khởi nghiệp. Do đó, cần phải kết nối họ lại với nhau. “Nên chăng thành lập 1 tổ chuyên phát hiện ý tưởng khả thi, kết nối các chuyên gia, tiếp tục đưa vào viện, trường nghiên cứu và thực nghiệm, phát triển ý tưởng, dự án đó thành dự án khởi nghiệp ĐMST”, ông Đặng Đức Thành gợi mở.

Nhân dịp tổng kết gần 5 năm thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp, Bến Tre đã đăng cai tổ chức sự kiện Techfest Mekong 2020. Đây được xem là nơi hội tụ cho các DN khởi nghiệp có mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh. Sự kiện còn là nền tảng tăng cường sự liên kết và phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Các chuyên gia đã nhận định, đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp Bến Tre khá hoàn chỉnh với đầy đủ các thành tố, như: Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp, Hội đồng Bảo trợ khởi nghiệp, Câu lạc bộ DN dẫn đầu, Câu lạc bộ Khởi nghiệp tiên phong, Quỹ đầu tư khởi nghiệp, Không gian khởi nghiệp ĐMST…

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã bày tỏ mong muốn được mời gọi các DN, nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, hiệp hội DN trên tinh thần vì là thế hệ cha anh đi trước sẽ hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành, dìu dắt thế hệ doanh nhân đi sau. “Bến Tre luôn kỳ vọng được Bộ Khoa học và Công nghệ và các tỉnh bạn làm cầu nối để các nhà khoa học, các DN, các nhà đầu tư, các địa phương kể cả tổ chức quốc tế tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với tỉnh nhiều hơn nữa trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh. 

Tích lũy kinh nghiệm từ những bài học có được gần 5 năm qua, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh chuyển trọng tâm từ khởi nghiệp mưu sinh, khởi nghiệp làm giàu sang thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST. Lấy kết quả xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và thúc đẩy các dự án khởi nghiệp ĐMST phát triển bền vững và thành công làm thước đo… Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận rằng, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ và ĐMST của tỉnh còn hạn chế nhất định: chưa xây dựng được chính sách chung, mang tính hệ thống cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST, chính sách thu hút DN, đa dạng các nguồn vốn.

Từ việc xác định rõ những khó khăn, hạn chế và mục tiêu trong 5 năm tới, lãnh đạo tỉnh chủ trương đẩy mạnh thu hút DN ĐMST trong khu vực, với những cơ chế, chính sách phù hợp. Mặt khác, tăng cường mối liên kết vùng trong việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp các địa phương, đa dạng hóa các nguồn vốn.

“Khởi nghiệp là con đường tất yếu để làm giàu cho Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung. Chương trình khởi nghiệp là chương trình dài hơi và phải làm mãi. Phấn đấu 5 năm tới, Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh sẽ huy động phát triển quỹ lên đến 100 tỷ đồng, riêng năm 2021 là 30 tỷ đồng, vì mục tiêu hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương”.

(Giám đốc Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Huỳnh Kỳ Trân)

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN