
Mô hình khởi nghiệp đan giỏ lục bình của phụ nữ xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho hay, trong giai đoạn 2016 - 2021, thông qua các chương trình mục tiêu, dự án, các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gắn với hoạt động khai thác các nguồn vốn hỗ trợ PN nghèo sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, các cấp hội trong tỉnh trực tiếp khai thác và quản lý các nguồn vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế… với tổng dư nợ đạt trên 2.189 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 73.715 PN thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Trong đó, năm 2021, chương trình tài chính vi mô “Hỗ trợ PN KN” của hội đã hỗ trợ 1.610 chị với số tiền trên 14 tỷ đồng.
Để kịp thời hỗ trợ các chị em phát triển kinh tế tập thể, các cơ sở hội đã tham gia phối hợp vận động nữ tham gia hợp tác xã. Đến cuối năm 2021, có 15 hợp tác xã với trên 1.500 thành viên; duy trì phát triển 214 tổ hợp tác, với hơn 3.600 thành viên; 412 tổ liên kết sản xuất, thu hút gần 7.500 thành viên tham gia; 848 tổ nghề nghiệp (hơn 13.500 thành viên); 137 tổ PN tiểu thương (với 2.511 thành viên)...
Để hoạt động hỗ trợ PN sáng tạo, KN, phát triển kinh tế tiếp tục là đòn bẩy trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa đề nghị các cấp hội tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp hội viên, PN thực hiện tốt Chương trình Đồng khởi KN và phát triển doanh nghiệp, phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, các hoạt động thực hiện Đề án 939… Đồng thời, thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho PN và toàn xã hội về phong trào PN khởi sự kinh doanh, KN đổi mới sáng tạo; tạo môi trường cho PN yếu thế, PN khuyết tật, PN nghèo, PN bị ảnh hưởng bởi HIV, PN hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng… mạnh dạn tham gia KN, tạo tác động, sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, góp phần phát triển kinh tế cho cá nhân, gia đình và đất nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, cần thúc đẩy phong trào PN nông thôn KN thông qua việc thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ do PN làm chủ/hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết sản xuất nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các cấp hội đẩy mạnh kết nối nguồn lực, gắn kết hệ sinh thái KN cho PN; tổ chức các hoạt động kết nối đầu tư, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhằm thu hút đa dạng thành phần PN tham gia các hoạt động KN của hội và tham gia vào tổ chức hội. Điều quan trọng là cần đào tạo, huấn luyện, phổ biến về cơ chế, chính sách: kỹ năng quản lý, điều hành doanh nghiệp, kiến thức kỹ năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm KN, sản phẩm OCOP, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản của địa phương.
“Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN tỉnh đề ra mục tiêu hàng năm mỗi cơ sở hội giúp ít nhất 10% hộ nghèo do PN làm chủ thoát nghèo bền vững; mỗi cơ sở giúp ít nhất một PN làm chủ doanh nghiệp/hộ sản xuất, kinh doanh/quản lý hợp tác xã trên địa bàn bằng nhiều hình thức; mỗi huyện, thành phố hỗ trợ vận động thành lập ít nhất một tổ hợp tác, một hợp tác xã có PN tham gia quản lý…”.
(Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa)
|
Bài, ảnh: Tâm Bình