Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh

Thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn

13/07/2022 - 18:04

BDK.VN - Theo chương trình kỳ họp, sáng 13-7-2022, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề về phát triển kinh tế, cải thiện chỉ số PAPI … đã được các sở, ngành làm rõ.

Chủ trì phiên chất vấn. Ảnh: H. Hiệp

Chủ trì phiên chất vấn. Ảnh: H. Hiệp

Mở rộng vườn dừa hữu cơ

Đại biểu Phạm Đông Thuận chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh: Hiện nay, giá nông sản nói chung, giá dừa khô, giá bưởi nói riêng trong tỉnh xuống rất thấp. Giá dừa khô tại thời điểm tháng 6-2022 chỉ dao động từ 20 - 25 ngàn/chục (12 trái). Trong khi giá xăng, dầu tăng liên tục, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng theo, làm cho đời sống người nông dân gặp khó khăn. Bán dừa, bưởi giá thấp nhưng mua hàng tiêu dùng giá cao. Cán bộ và nhân dân tỉnh nhà từng hưởng ứng kêu gọi giải cứu trái vải cho tỉnh bạn. Biết rằng trái dừa, trái bưởi không thể so sánh với trái vải trong việc giải cứu nhưng đó cũng là cách cần nghiên cứu. Với vai trò là người đứng đầu ngành nông nghiệp, ông có giải pháp gì trong thời gian tới để giải cứu người nông dân nói chung, người trồng dừa nói riêng.

Trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh. Ảnh: H. Hiệp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh trả lời chất vấn. Ảnh: H. Hiệp

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cảm ơn đại biểu đã quan tâm dành thời gian theo dõi và chất vấn nội dung này và dành sự chia sẻ sâu sắc đến người nông dân trên địa bàn tỉnh, đây là vấn đề rất nóng, tác động đến đời sống hàng ngày của người dân Bến Tre. Là người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong việc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Vì vậy, tôi cũng nhận thấy rõ trách nhiệm của mình vì không chỉ khi giá dừa, bưởi xuống thấp hay giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay mà thời gian qua tôi luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch ... ngành nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Tình trạng giá cả tăng trong khi giá một số mặt hàng nông sản không tăng, giảm sâu và kéo dài, nhất là giá dừa khô và bưởi da xanh, nguyên nhân chính là thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, chủ yếu do sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu trên thế giới; giá bán dừa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá cơm dừa, vỏ dừa, nước dừa ... Tuy nhiên, hiện tại các sản phẩm, phụ phẩm này giá giảm mạnh và gần như không xuất khẩu được do phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sản phẩm dừa chính của Bến Tre, hiện nay đang siết chặt việc nhập khẩu các loại nông sản nên lượng dừa khô xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 80%, riêng sản phẩm chỉ xơ dừa hầu như không xuất khẩu được. Ngoài ra, Trung Quốc đang thắt chặt việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản nói chung để thực hiện chính sách “Zero Covid” cũng là nguyên nhân giảm việc xuất khẩu dừa sang thị trường này.

Quan điểm nhất quán của ngành nông nghiệp là phát triển nông nghiệp nhanh, mạnh, bền vững, hội nhập thị trường. Vì vậy, thời gian qua sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, kế hoạch như: Nghị quyết 07 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT đã có công văn gửi  UBND huyện, thành phố và các doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao, giá một số sản phẩm xuống thấp là do yếu tố thị trường, mà do thị trường thì nó ở tầm vĩ mô, chúng ta rất khó tác động để tăng giá ngay lập tức, giá cả phải được điều chỉnh bởi thị trường. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, theo đúng định hướng, cũng như giảm thiểu những tác động xấu như hiện nay, ngành sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trước mắt: phối hợp với địa phương, doanh nghiệp chế biến dừa nắm sản lượng dừa còn tồn đọng trong vườn và có giải pháp tăng cường thu mua hết lượng dừa tồn đọng trong vườn. Dự kiến, ngày 13-7-2022, ngành sẽ họp các doanh nghiệp đang xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh thống nhất phương án áp dụng giá sàn đối với dừa đạt chứng nhận hữu cơ là 50 ngàn đồng/chục.

Về giải pháp lâu dài, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi sản xuất dừa hữu cơ, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ. Để giảm tối đa chi phí vật tư cho nông dân trồng dừa hữu cơ, tăng cường công tác tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ từ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp bằng vi sinh. Cụ thể năm 2022, ngành sẽ thực hiện 160 điểm tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ cho 160 hộ tham gia trong chuỗi sản xuất dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp như: cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, kế hoạch thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp. Đồng thời, ngành sẽ phối hợp với Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động chế biến dừa thành các sản phẩm dầu dừa, nước dừa đóng lon, mỹ nghệ, mỹ phẩm... để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Đại biểu Nguyễn Văn Tân chất vấn Giám đốc Sở Công Thương về các giải pháp hỗ trợ cho sản phẩm dừa. Ảnh: H. Đức

Đại biểu Nguyễn Văn Tân chất vấn Giám đốc Sở Công Thương về các giải pháp hỗ trợ cho sản phẩm dừa. Ảnh: H. Đức

Đại biểu Nguyễn Văn Tân, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chất vấn: Đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thực trạng phát triển vườn dừa hữu cơ, phát triển hợp tác trong ngành dừa của tỉnh hiện nay; giải pháp phát triển vườn dừa hữu cơ, phát triển kinh tế hợp tác ngành dừa trong thời gian tới để đảm bảo chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đảm bảo quyền lợi cho người trồng dừa, trong đó công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, các chính sách hỗ trợ sản xuất dừa hữu cơ, trong đó hỗ trợ về kỹ thuật, chứng nhận, kinh phí chứng nhận dừa hữu cơ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho rằng: Điểm nổi bật nhất của sản xuất hữu cơ là chất lượng nông sản được cải thiện, sản phẩm giữ được hương vị đặc trưng, đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc giúp tăng vị thế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm mở rộng xuất khẩu ra thị trường thế giới. Hiện nay nhu cầu người tiêu dùng về sản phẩm chất lượng, an toàn ngày càng tăng trong khi sản phẩm hữu cơ chưa đủ sản lượng cung cấp cho nhu cầu của xã hội. Đồng thời, sản xuất hữu cơ góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đất, nước, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cuộc sống của người dân.

Với tầm quan trọng và lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại cho thấy phát triển nông nghiệp hữu cơ là một giải pháp tối ưu để duy trì nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và thân thiện môi trường là xu thế tất yếu của thời kỳ hội nhập, thật sự cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Trong thời gian qua, ngành đã phối hợp chính quyền địa phương và 8 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, trong 6 tháng đầu năm, phát triển được 2.890,89ha dừa hữu cơ. Nâng tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 16.014,89ha (chiếm 20,7% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh), tập trung trên địa bàn các huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri, Mỏ Mỏ Cày Bắc. Trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 9.521,93ha.

Để phát triển vườn dừa hữu cơ, thời gian tới ngành sẽ phối hợp với doanh nghiệp chế biến dừa, chính quyền địa phương, hội nông dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi sản xuất dừa hữu cơ; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ hội nông dân về nông nghiệp hữu cơ, các tiêu chuẩn hữu cơ và kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, xây dựng thí điểm mô hình “Hội nông dân xã, chi hội trưởng nông dân ấp tham gia làm cộng tác viên sản xuất dừa hữu cơ, quản lý vùng sản xuất dừa hữu cơ”.

Ngành phối hợp với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, tư vấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ từ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp bằng vi sinh. Trong đó, ngành sẽ hỗ trợ kỹ thuật ủ và vi sinh ủ phân, nông dân đối ứng phân chuồng, mụn dừa và phụ phẩm nông nghiệp; từ đó giảm tối đa chi phí đầu tư vật tư của nông dân cho sản xuất dừa hữu cơ.

Liên quan đến vấn đề sản xuất, tiêu thụ và phát triển cây dừa, sản phẩm từ dừa trên địa bàn tỉnh, đại biểu Nguyễn Văn Tân chất vấn: “Đề nghị Sở Công Thương cho biết công tác hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm dừa, các doanh nghiệp chế biến dừa hiện nay trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực tiếp nhận lượng dừa hữu cơ hiện nay và trong xu hướng phát triển vườn dừa hữu cơ trong thời gian tới hay không?

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường... Để đảm bảo tiêu thụ đầu ra cho các sản phẩm dừa hữu cơ, đảm bảo niềm tin, mức sống ổn định của người dân trồng dừa và góp phần đảm bảo các chỉ tiêu xuất khẩu Nghị quyết đã đề ra”.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu trả lời chất vấn. Ảnh: H. Đức

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu trả lời chất vấn. Ảnh: H. Đức

Vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Tỉnh Bến Tre có 77 ngàn ha diện tích dừa, trong đó có hơn 16 ngàn ha dừa uống nước. Hàng năm, giá trị xuất khẩu đạt trên 350 triệu USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Hiện nay, giá bán dừa khô trên địa bàn tỉnh giảm rất mạnh, nên thu nhập người dân trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá dừa xuống thấp chủ yếu do các nguyên nhân:

Thứ nhất, giá bán trái dừa phụ thuộc vào nhiều phụ phẩm như: vỏ dừa, nước dừa, gáo dừa... Thế nhưng hiện tại giá bán các phụ phẩm này giảm nhiều, như nước dừa hiện giờ chỉ còn 15 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng/thùng 30 lít (trước đây cao điểm có lúc là 130 ngàn đồng/thùng). Các phụ phẩm khác như: gáo dừa chỉ còn 1.000 đồng/kg (trước đây là 3.500 đồng/kg). Các sản phẩm như: chỉ xơ dừa, thạch dừa gần như không xuất khẩu được.

Thứ hai, chiến tranh giữa Nga và Ukraine tác động ít nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và đến những thị trường liên quan.

Thứ ba, giá xăng dầu lên cao ảnh hưởng đến chi phí logistic, làm tăng giá thành và giá bán sản phẩm.

Mặt khác, trước đây, mặt hàng chỉ xơ dừa Bến Tre xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trung bình mỗi năm đạt 55 ngàn tấn đến 65 ngàn tấn. Trong 2 năm gần đây thì xuất khẩu mặt hàng này giảm mạnh, chỉ được 40 ngàn tấn đến 45 ngàn tấn/năm. Bên cạnh đó thì sản lượng các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như trái dừa khô (dừa hột) giảm hơn phân nửa; thạch dừa và kẹo dừa giảm gần 2/3. Hiện Thái Lan chiếm thị phần rất lớn ở thị trường Trung Quốc nhưng Thái Lan không thể xuất khẩu qua Trung Quốc do Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” nên buộc phải hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ.

Trước tình hình giá dừa giảm mạnh, để giúp nông dân trong tỉnh ổn định cuộc sống trong bối cảnh giá xăng dầu, phân bón, chi phí... tăng cao, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương kiến nghị hỗ trợ tỉnh Bến Tre đẩy mạnh tiêu thụ dừa và các sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh kiến nghị với cấp trên chủ yếu những vấn đề như: hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU…; trong đó, các Tham tán Thương mại tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là các nước trong Hiệp định thương mại tự do. Hỗ trợ các doanh nghiệp Bến Tre đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện việc đàm phán với cơ quan thương mại Trung Quốc để đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre, trong đó có mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sớm cho phép trái dừa tươi Việt Nam được vào danh sách được xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nói chung và doanh nghiệp dừa nói riêng. Cụ thể như thông tin về đăng ký tham dự các đoàn giao dịch thương mại tại các nước ngoài, tại Ấn Độ và Pakistan tổ chức vào tháng 7-2022, tại Nam Phi tổ chức vào tháng 9-2022, tại Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tổ chức vào tháng 11-2022…  Hỗ trợ thông tin, giới thiệu doanh nghiệp tỉnh tại các đoàn xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường các tỉnh vùng Kansai, Nhật Bản vào tháng 7-2022; hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Algeria 2022 vào tháng 7-2022.

Qua đó, đã giúp doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ và làm việc với một số nhà phân phối lớn tại các thị trường nước ngoài nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, Sở Công Thương đã triển khai, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm dừa sang Trung Quốc; thực hiện đăng ký theo quy định tại Lệnh số 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Sở Công Thương sẽ phối hợp với Cục Thương mại đầu tư và KTS thuộc Bộ Công Thương tổ chức hội thảo thương mại đầu tư xuyên biên giới vào đầu tháng 8-2022 để xúc tiến thương mại các sản phẩm dừa, đẩy mạnh xuất khẩu.

Song song với công tác hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và doanh nghiệp dừa nói riêng tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước thông qua tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh. Điển hình như: Hội nghị kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp Bến Tre và Lâm Đồng vừa tổ chức đầu tháng 7 vừa qua; tổ chức tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Tịnh Biên - An Giang, hỗ trợ 3 doanh nghiệp tự tham gia Hội chợ Quốc tế về thực phẩm và đồ uống hàng đầu châu Á- Thaifex năm 2022…  Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch và mời gọi đầu tư các dịch vụ logictics, kho bãi, bảo quản, cấp đông các sản phẩm từ dừa; thực hiện các chương trình khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nâng cao giá trị sản phẩm từ dừa, hạ giá thành sản phẩm.

Về dừa hữu cơ, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 16,01 ngàn ha, chiếm 20,7% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó diện tích đạt chứng nhận là 9,52 ngàn ha. 

Theo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện tại, thị trường xuất khẩu của một số sản phẩm từ dừa như: nước dừa, nước cốt dừa, sữa dừa… sang các thị trường Bắc Mỹ và EU khá tốt nên các doanh nghiệp mua dừa hữu cơ trong vùng nguyên liệu đã liên kết cao hơn các hộ dân bán dừa không có liên kết, khoảng 10 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng/chục. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn rất khắt khe về an toàn thực phẩm, sản phẩm xuất khẩu phải xanh - sạch - đẹp. Do đó, việc phát triển trồng dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh là tất yếu để nâng cao chất lượng, giá trị trái dừa, góp phần xây dựng thương hiệu trái dừa Bến Tre, phục vụ nhu cầu càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, phù hợp với xu hướng tiêu dùng thế giới hiện nay. Chẳng hạn như Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước đây mà hiện tại thị trường này cũng đã siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch, sản phẩm xuất khẩu muốn vào được Trung Quốc phải có mã số vùng trồng.

Xuất phát từ nhu cầu thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc cũng phải thay đổi để thích ứng và tồn tại. Tuy nhiên, nếu so với diện tích dừa toàn tỉnh thì diện tích dừa hữu cơ hiện tại trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Như đã trình bày ở trên, với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước lĩnh vực công thương, thời gian qua, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều công việc nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm đầu ra cho sản phẩm dừa, nhất là đầu ra các sản phẩm phụ từ dừa. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cũng như hoạt động xúc tiến thương mại là vấn đề lâu dài và cần sự hợp tác của nhiều phía, nhiều bên, nhiều cơ quan. Với chức năng nhiệm vụ của mình, thời gian tới Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT, với các địa phương và Liên minh Hợp tác xã (HTX) để mở rộng diện tích vườn dừa hữu cơ, tạo chuỗi liên kết bền vững thông qua các HTX. Đồng thời, tiếp tục quan hệ chặt chẽ với Bộ Công Thương để hỗ trợ, tìm đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ dừa và các sản phẩm từ dừa, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho bà con trồng dừa trong tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chất vấn, yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm rõ hơn các vấn đề đại biểu đặt ra. Ảnh: H. Đức

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chất vấn, yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm rõ hơn các vấn đề đại biểu đặt ra. Ảnh: H. Đức

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, thời gian qua tỉnh ta đã có những chính sách hỗ trợ giá dừa cho người dân qua nhiều hình thức rất thiết thực nhưng đó là giải pháp tạm thời, chưa phải căn cơ. Có giải pháp lâu dài là cơ bản, theo đó tỉnh phải mở rộng thị trường, tìm thị trường, đã có 90 nước nhưng thị trường tiềm năng khác vẫn còn rất lớn. Qua các kênh thì kênh rất quan trọng là thông qua Bộ Ngoại giao các nước, đây là kênh kết nối rất trực tiếp. Tỉnh đã có mời các đoàn ngoại giao vào Bến Tre kết nối tìm thị trường. Qua đó, kết quả đạt rất cao, trực tiếp quảng bá cho sản phẩm tỉnh, trong đó có dừa. Đại sự quán Việt Nam tại Ấn Độ đã làm việc với tỉnh để kết nối xuất sang Ấn Độ. Các sản phẩm cần chế biến sâu, đa dạng hơn, có quy trình bảo quản tốt hơn. Có kho chứa bảo quản lâu dài để có thời gian lưu kho chờ thị trường. Các điều kiện vận chuyển giảm chi phí là những giải pháp cơ bản phải làm trong trước mắt và lâu dài. Việc tỉnh kiến nghị cây dừa là cây công nghiệp nhiều năm qua nhưng chưa được các cơ quan trung ương chấp nhận, cần tiếp tục đeo bám.

Riêng vùng dừa hữu cơ, thời gian qua tỉnh cũng đã làm rất tốt nhưng diện tích còn rất ít so với thực tế diện tích dừa của tỉnh. Mặt khác, người nông dân cũng chưa mặn mà với việc liên kết này nhưng đợi khi giá dừa xuống thấp mới thấy thật sự cần thiết. Phải nhìn nhận rằng, lúc khó khăn các doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân là tốt. Bà con nông dân cần tích cực tham gia nhiều hơn vì thực tế các hộ tham gia dừa hữu cơ được doanh nghiệp mua giá khoảng từ 40.000-45.000 đồng/chục, so với không liên kết là 25.000 đồng/chục. Các doanh nghiệp có trách nhiệm với nông dân chúng ta phải thấy vấn đề này, cần có sự gắn bó lâu dài giữa 2 bên. Việc các hộ dân tham gia có lợi là: đảm bảo giá cả, sản xuất theo quy trình, thị trường tiêu thụ rộng.

Phát biểu của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bến Tre Lê Công Thành Ảnh: H. Hiệp

Phát biểu của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bến Tre Lê Công Thành Ảnh: H. Hiệp

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bến Tre Lê Công Thành: Vốn cho doanh nghiệp và người trồng dừa không phải thiếu. Thực tế khách hàng quyết định giá dừa chứ không phải người nông dân, cho nên cần có sự cân đối việc phát triển sản xuất của nông dân, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để có cách chấn chỉnh. Thời gian qua, các chuỗi có sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng và phải có doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt thì ngân hàng mới tham gia. Các hợp tác xã hiện không thể tự vay mà phải có liên kết lại.

Vốn ngân hàng không thiếu, nhưng thực tế chỉ cho doanh nghiệp vay mấy ngàn tỷ đồng, chủ yếu là cho các doanh nghiệp thu mua, sơ chế dừa, còn hộ dân vay trồng dừa thì hầu như là chưa có hộ nào. Ngân hàng cho vay tới 80% không cần thế chấp nếu có tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Đề nghị các ngành chức năng quan tâm điều hành giá dừa tránh do tác động bên ngoài. Tỉnh hiện có diện tích dừa lớn nhưng rất manh mún, hộ không quá 5 công thì chưa tập trung, không chỉ dựa vào mấy công dừa đó mà có thể sống được nên phải làm nhiều ngành nghề khác. Ngành sẽ sớm làm việc với ngành nông nghiệp, công thương để có giải pháp cho vay trữ dừa để góp phần nâng cao giá trị cây dừa.

Vì sao không triển khai thực hiện các dự án đô thị như cam kết?

Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khiêm chất vấn. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khiêm chất vấn. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khiêm cho rằng: Tại Kỳ họp thứ 2, khóa X, có chấp vấn Giám đốc Sở Xây dựng về việc chậm tiến độ dự án đô thị trên địa bàn tỉnh và được trả lời tại Công văn số 2011 ngày 19-8-2021. Qua đó Giám đốc Sở Xây dựng đã xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đồng thời đưa ra 5 giải pháp để khắc phục.

Tuy nhiên, đến nay sau một năm tình hình triển khai các dự án vẫn không tiến triển, không chọn thêm được nhà thầu mới, không dự án nào được triển khai thi công. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân vì sao không triển khai thực hiện tốt các giải pháp như cam kết, trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng. Ảnh: H. Hiệp

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: H. Hiệp

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng cho rằng: Về nguyên nhân vì sao không triển khai thực hiện tốt các giải pháp như cam kết, việc triển khai các giải pháp theo nội dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, khóa X đã tích cực triển khai thực hiện thông qua việc ban hành hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại thông qua hình thức đấu thầu chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; rà soát đề xuất kết thúc chủ trương triển khai dự án (Dự án khu dân cư Hoàng gia 2 (The Royal 2); Dự án đầu tư phát triển Khu đô thị mới phía Tây TP. Bến Tre. Đã nghiên cứu xây dựng điều chỉnh đơn giá bồi thường nhà ở, công trình, vật kiến trúc phù hợp với đơn giá thị trường và đã thông qua các sở, ngành, địa phương, đang xin ý kiến phản biện của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Các giải pháp còn lại chủ yếu tập trung trong giai đoạn thu hồi, giải phóng mặt bằng bố trí tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp phải làm xuyên suốt, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, nhiều ngành, địa phương thực hiện mới đạt kết quả.

Trong khi đó các dự án hiện tại chủ yếu tập trung tại bước lập hồ sơ trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng. Kể từ trả lời chất vấn tại Kỳ hợp thứ 2, khóa X đến nay tiến độ thực hiện 19 dự án, về trách nhiệm, sự phối hợp của các sở,ngành địa phương và đơn vị đề xuất còn lúng túng trong quá trình đề xuất trình thẩm định, phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư theo thẩm quyền.

Giải pháp trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp như đã đề xuất tại phiên trả lời chấp vấn Kỳ họp thứ 2, khóa X. Cụ thể sẽ phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy trình chọn lựa nhà đầu tư cũng như các quy trình giải phóng mặt bằng; công tác tuyên truyền Luật Đất đai; điều chỉnh hệ số đơn giá bồi thường nhà ở, công trình, vật kiến trúc; ưu tiên giải pháp xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc diện tái định cư nằm trong vùng dự án có điều kiện chuyển đổi ngành nghề phát triển kinh tế; rà soát đề xuất kết thúc chủ trương triển khai thực hiện các dự án có tiến độ triển khai chậm. Đề xuất cần có cơ chế báo cáo kiểm tra định kỳ tiến độ triển khai hàng tháng của các cơ quan chủ trì theo từng nội dung nhiệm vụ cụ thể nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng trường hợp phát sinh cụ thể của từng dự án.

Giải pháp cải thiện chỉ số PAPI

Đại biểu Nguyễn Trúc Hạnh chất vấn. Ảnh: H. Đức

Đại biểu Nguyễn Trúc Hạnh chất vấn. Ảnh: H. Đức

Đại biểu Nguyễn Trúc Hạnh chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ về nguyên nhân Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI năm 2021 tụt giảm sâu (giảm 48 bậc). Sở Nội vụ có những giải pháp cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, ngoài những thông tin tổng quát, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Giàu đã đề xuất những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh. Trong đó, có tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trong hệ thống chính trị và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung của Chỉ số PAPI và tác động của chỉ số đến hiệu quả quản trị và phục vụ nhân dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo hướng lấy người dân, tổ chức làm trung tâm phục vụ.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Giàu trả lời chất vấn. Ảnh: H. Đức

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Giàu trả lời chất vấn. Ảnh: H. Đức

Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố cần quan tâm hơn, tập trung quyết liệt và sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (CCHC) tại cơ quan, đơn vị, địa phương phụ trách; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả chú trọng phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động và nâng cao ý thức, trách nhiệm giải trình, làm rõ những nội dung thuộc thẩm quyền để người dân hiểu, chia sẻ với cơ quan nhà nước trong giải quyết công việc. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ công việc được giao thực hiện để hoàn thành đúng thời gian và đảm bảo đạt hiệu quả cao, đặc biệt quan tâm xử lý những vấn đề người dân đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền, không gây phiền hà cho người dân trong giải quyết công việc, phải thực sự thực hiện tốt phương châm phục vụ yêu cầu chính đáng của người dân là trên hết, trước hết.

Sở Nội vụ đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với các địa phương được chọn điều tra xã hội học hàng năm, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác động của công tác CCHC đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vận động người dân, tổ chức chấp hành, ủng hộ các chủ trương, chính sách, mục tiêu CCHC, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tích cực chính trị để tham gia đánh giá, giám sát, phản biện đúng thực chất đối với công tác CCHC. Đồng thời, phối hợp tốt với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam trong triển khai điều tra xã hội học xác định Chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến kết luận phiên chất vấn. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến kết luận phiên chất vấn. Ảnh: Hữu Hiệp

Kết luận tại phiên chất vấn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến cho biết: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở; có 5 vị đại biểu HĐND tỉnh tham gia chất vấn về 5 vấn đề tại Hội trường.

Các vấn đề được đại biểu đặt ra để chất vấn là những vấn đề bức xúc, quan trọng được nhân dân và cử tri tỉnh nhà quan tâm, phát huy vai trò giám sát trực tiếp của HĐND tỉnh tại kỳ họp. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các đại biểu HĐND tỉnh, các vị lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong chất vấn và trả lời chất vấn.

Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia chất vấn đã thể hiện được trách nhiệm với cử tri và tâm huyết của đại biểu đối với những vấn đề cụ thể, bức xúc tại địa phương và được nhiều cử tri quan tâm, nhất là các vấn đề về hỗ trợ người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trong tình hình giá cả các sản phẩm nông nghiệp giảm sâu như hiện nay và các vấn đề về phát triển đô thị. Phiên chất vấn được thực hiện nghiêm túc, tích cực tranh luận để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, với mục đích cuối cùng là tìm ra giải pháp hữu hiệu và lộ trình thực hiện cụ thể cho các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc; đề ra phương hướng, giải pháp căn cơ, linh hoạt để phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội.

Người trả lời chất vấn thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình về ngành, lĩnh vực phụ trách; có thái độ tôn trọng đại biểu và cử tri trong việc trả lời chất vấn. Nội dung trả lời rõ ràng, có đưa ra giải pháp và lộ trình giải quyết vấn đề. Qua đó đã thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các giải pháp đã đề ra, giải quyết triệt để các vướng mắc đang làm chậm việc phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân tại địa phương.

“Qua đây, tôi đề nghị UBND tỉnh và người đứng đầu các sở, ngành tỉnh quyết liệt, quyết tâm hơn nữa trong thực hiện đồng bộ các giải pháp đã cam kết tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn và những nội dung kết luận của chủ tọa kỳ họp để giải quyết tốt các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đã đặt ra. Đồng thời, báo cáo kết quả cho đại biểu HĐND và cử tri được biết theo thời gian đã cam kết. Đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các giải pháp đã đề ra tại phiên chất vấn để từng lúc thông tin kết quả với cử tri. Đồng thời, HĐND tỉnh kêu gọi nhân dân tỉnh nhà đồng thuận với các chủ trương của tỉnh, cùng thực hiện giám sát, thông tin kịp thời đến các đại biểu HĐND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện các cam kết của thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, để góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân trên địa bàn”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

Hữu Hiệp - Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN