 |
Bác sĩ Khoa Tim mạch Lão học đã đặt thành công máy tạo nhịp tim tạm thời cho bệnh nhân Đoàn Thị Sẫm. |
Năm 2016, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã thực hiện thành công nhiều đột phá trong kỹ thuật điều trị bệnh. Trong đó, phải kể đến kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời - một gói kỹ thuật nằm trong Đề án Bệnh viện vệ tinh mà Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đang triển khai thực hiện.
Theo bác sĩ Trần Văn Ân - Phó giám đốc bệnh viện, kỹ thuật
đặt máy tạo nhịp tim tạm thời là một thủ thuật cấp cứu cơ bản trong tim mạch. Mục
đích tái tạo lại khử cực tim (kích thích vào một vị trí nào đó của tim) và co
bóp cơ tim. Có nhiều phương thức khác nhau để tạo nhịp tạm thời như đặt máy tạo
nhịp qua thực quản, tạo nhịp ngoại mạc, tạo nhịp nội mạc cơ tim, tạo nhịp qua
da và tạo nhịp qua đường tĩnh mạch. Kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời là
gói kỹ thuật đầu tiên được các bác sĩ bệnh viện tiếp nhận chuyển giao từ Bệnh
viện Chợ Rẫy và bước đầu ứng dụng thành công trên lâm sàng.
Tại Khoa Tim mạch Lão học Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu,
các bác sĩ đã đặt thành công máy tạo nhịp tim tạm thời cho 2 ca bệnh. Gần đây
là trường hợp của bệnh nhân Đoàn Thị Sẫm, 76 tuổi, ở xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến
Tre. Bệnh nhân Đoàn Thị Sẫm nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Theo các
bác sĩ tại khoa, tiên lượng tình hình rất xấu, nhịp tim của bệnh nhân lúc nhập
viện chậm chỉ còn 40 lần/phút (trong khi người bình thường có nhịp tim 70 - 80
lần/phút). Nhịp tim đập chậm dễ gây ra suy tim, nhồi máu cơ tim, huyết áp bằng
không, nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Nguyễn Minh Trí - bác sĩ điều trị cho biết: Tình
trạng bệnh nhân đang nguy hiểm nếu chuyển viện lên tuyến trên thì tính mạng bệnh
nhân rất mong manh. Trước tình hình nguy cấp đó, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời
là biện pháp ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ hoạt động của tim. Duy trì được nhịp
tim để tiếp tục sử dụng các phương pháp điều trị khác hoặc chuyển lên tuyến
trên để đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Bà Lê Thị Diệu - con gái của bệnh nhân Đoàn Thị Sẫm tâm sự:
“Lúc đầu gia đình có ý định chuyển mẹ lên tuyến trên để điều trị nhưng tình
hình sức khỏe mẹ rất yếu, các bác sĩ khuyên để lại mới có cơ may cứu sống. Nhờ
các bác sĩ tư vấn nhiệt tình gia đình quyết định để mẹ điều trị tiếp tại bệnh
viện. Kết quả, sau thời gian điều trị, sức khỏe của mẹ nay đã ổn định”.
Nếu như trước đây, các trường hợp bệnh nhân chậm nhịp tim
thì bệnh viện sẽ chuyển lên tuyến trên. Quá trình vận chuyển bệnh nhân vừa tốn
kém mà không đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh. Từ khi triển khai Đề án Bệnh
viện vệ tinh với gói kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim đã góp phần hạn chế trường hợp
chuyển viện do chậm nhịp tim. Bác sĩ Nguyễn Minh Trí - người trực tiếp tiếp nhận
các chuyển giao khoa học kỹ thuật về việc đặt máy tạo nhịp tim cho hay, tạo nhịp
tim tạm thời được sử dụng để điều trị cấp cứu và chẩn đoán các rối loạn nhịp
tim. Việc đặt thành công máy tạo nhịp tim có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân.
Nó góp phần kéo dài sự sống của bệnh nhân, đây cũng là cơ hội để các bác sĩ triển
khai các phương pháp điều trị tiếp theo cho người bệnh. Được biết, kinh phí thực
hiện gần 6 triệu đồng.
Có thể nói, việc đặt thành công máy tạo nhịp tim cho bệnh
nhân tim là sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật và trình độ của đội ngũ thầy thuốc
Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó, góp phần
nâng cao chất lượng điều trị của bệnh viện, tạo uy tín đối với người bệnh. Đồng
thời, đây cũng là cơ hội để bệnh nhân nghèo có điều kiện khám, chữa bệnh tại địa
phương, ít tốn kém hơn khi phải đi lên tuyến trên. Đây sẽ là tiền đề để bệnh viện
tiếp tục thực hiện nhiều gói kỹ thuật tiên tiến hơn, hoàn thành Đề án Bệnh viện
vệ tinh trong thời gian tới.