 |
Trẻ đang tham gia trò chơi. |
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Bến Tre đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới tại một số điểm trường, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.
Trường Mầm non Dân lập SOS là trường thứ 2 (sau Mầm non Hoa Dừa) của TP. Bến Tre triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới (chương trình) có hiệu quả. Cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường thực hiện chương trình từ năm học 2010-2011 đến nay. Chương trình không phải là sự đột phá mà dựa trên chương trình thí điểm (năm 2006) nhưng có đổi mới về hình thức tổ chức. Để thực hiện thành công chương trình, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đổi mới phương pháp dạy - học. Ban Giám hiệu khuyến khích giáo viên soạn giảng bằng giáo án điện tử; trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau về việc thiết kế bài giảng. Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, nhà trường trang bị cho giáo viên các tài liệu có liên quan để giáo viên tham khảo trước khi soạn giảng. Qua đó, giáo viên có thể định hình và áp dụng những nội dung có trong chủ đề và thực hiện ngay trong giờ lên lớp.
Sau một năm thực hiện chương trình, đến cuối năm học, nhà trường thực hiện thí điểm đánh giá sự phát triển của trẻ ở khối Lá bằng các hình thức trò chơi. Ban tổ chức đưa ra những câu ca dao, tục ngữ thông dụng mà trẻ thường nghe nhưng thiếu chữ và yêu cầu trẻ điền vào những từ còn thiếu. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho trẻ kể chuyện theo tranh. Với mỗi câu chuyện, cô giáo soạn khoảng 4, 5 tranh minh họa và yêu cầu trẻ kể chuyện theo những bức tranh do chính tay trẻ ghép nên. Theo cô Vân Anh, trò chơi này phát triển khả năng tư duy của trẻ. Các trò chơi thường có nhiều câu thoại và tình huống. Khi giải quyết tình huống, chúng ta lại một lần nữa giúp trẻ khắc sâu kiến thức và trẻ sẽ nhớ rất lâu. Cô Vân Anh lưu ý, khi tổ chức cho trẻ tham gia trò chơi ghép chữ hay trả lời câu hỏi đúng - sai, giáo viên nên chia mỗi đội từ 8 đến 10 trẻ, soạn từ 10 đến 12 câu hỏi để trẻ nào cũng được tham gia. Khi tổng kết phát thưởng trò chơi, giáo viên nên chuẩn bị sẵn bánh, kẹo, trái cây… và yêu cầu trẻ thưởng cho mình và các bạn bằng một bữa tiệc. Như vậy, để có phần thưởng, trẻ phải tự làm món ăn theo ý thích của bản thân, qua đó rèn cho trẻ tính tự lập cũng như khả năng sáng tạo từ việc chuẩn bị bữa ăn. Đối với đội thắng cuộc, cô giáo sẽ thưởng cho trẻ 1 ngôi sao hoặc 1 bông hoa để trẻ treo trong lớp học, để tự hào với chiến thắng của đội.
Theo cô Vân Anh, thông qua những hoạt động vui chơi, vận động tập thể, đa số trẻ trở nên tự tin, linh hoạt, nhạy bén và có tinh thần đồng đội. Trong quá trình vận động, nếu trò chơi nào khó, trẻ sẽ bàn bạc thống nhất, qua đó tăng cường khả năng giao tiếp cho trẻ. Đồng thời, giáo viên xâu chuỗi lại các hình ảnh trực quan giúp trẻ nhận thức được các vấn đề thực tế mà trẻ thường thấy và tiếp xúc. Đặc biệt, nhà trường chú trọng đầu tư cho trẻ 5, 6 tuổi, tạo điều kiện để trẻ chuẩn bị tốt vốn Tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1.
Như vậy, nội dung giáo dục của chương trình sẽ được tổ chức theo hướng tích hợp chủ đề. Các chủ đề sẽ được xây dựng từ đơn giản đến phức tạp, từ gần đến xa, từ bản thân trẻ đến gia đình, từ môi trường tự nhiên đến môi trường xã hội gần gũi với trẻ.