Trong điều kiện môi trường ẩm thấp, trực khuẩn lao có thể tồn tại từ 3 - 4 tháng, trong điều kiện phòng thí nghiệm, nó có thể sống được trong vài năm, chưa kể đến khả năng sinh sản nội bào và sinh sản theo cấp số nhân. Thế mới thấy sức sống mãnh liệt của vi khuẩn lao và căn bệnh mà nó gây ra với loài người là vô cùng nguy hiểm.
Vì vậy, muốn tiêu diệt được trực khuẩn lao, đòi hỏi phải có các kháng sinh đặc hiệu, đủ mạnh và hiệu quả trong công thức được dùng. Hiện nay, thuốc chữa lao được chia làm 5 nhóm: nhóm các thuốc kháng lao hàng thứ nhất đường uống như Isoniazid, Rifampicin, Ethambutol và Pyrazynamid; nhóm các thuốc dùng đường tiêm chích như Streptomycin, Kanamycin, Amykacin và Capreomycin; nhóm Quinolones gồm Ofloxacin, Sparloxacin, Levofloxacin và Moxifloxacin nhưng Ciprofloxacin không được xem xét; nhóm thuốc kháng lao hàng thứ hai đường uống, đây là nhóm thuốc chống lao thứ yếu chỉ có tác động kiềm khuẩn (khi sử dụng có rất nhiều tác dụng phụ mắc phải) như là Ethionamid, Prothionamid, Cycloserin, Para-amino salisylic…; nhóm các thuốc mới còn đang thử nghiệm chưa được công nhận rộng rãi như Amoxxicillin/Clavulanic acid, Azithromycin, Clazithromycin, Linesolid…
Việc sử dụng và kết hợp các loại thuốc với nhau như thế nào là tùy vào thể bệnh, mức độ nặng nhẹ, điều trị lần đầu hay đã điều trị nhiều lần, lao mới hay lao tái phát, lao đơn thuần hay phối hợp với các bệnh khác… và chỉ có bác sĩ chuyên khoa trực tiếp điều trị, quản lý mới có thể chỉ định thuốc để bệnh nhân lao sử dụng. Việc điều trị lao phổi, công thức được cho là phù hợp, ít nhất cần có sự kết hợp 3 loại thuốc chữa lao còn hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc điều trị lao cũng mang lại một số tác dụng phụ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân. Vấn đề là ở mức độ và chúng ta kiểm soát nó như thế nào. Nhưng có thể khẳng định, riêng với bệnh lao thì tác dụng phụ của thuốc điều trị vô cùng nặng nề.
Thuốc Isoniazid có tác dụng diệt khuẩn lao vô cùng mạnh do chức năng phá hủy tế bào trực khuẩn lao, vì vậy, thuốc có thể gây viêm gan, co giật, triệu chứng tâm thần, mất bạch cầu hạt, phản ứng da dạng luput…, nhất là với những người có tiền sử viêm gan, suy gan, suy dinh dưỡng.
Rifampicin là loại kháng sinh diệt khuẩn mạnh, ức chế khả năng tổng hợp acid nucleic của trực khuẩn lao, tiêu diệt được các trực khuẩn lao tồn tại dạng “ngủ” trong các tế bào chống tái phát bệnh. Tuy nhiên, Rifampicin có thể gây khó thở, thiếu máu tan huyết, suy thận cấp, sốt, vàng da niêm, viêm gan do ứ mật, nhất là khi kết hợp với kháng sinh Isoniazid liều cao.
Ethambutol là một thuốc kiềm khuẩn ngoại bào tương đối yếu. Người sử dụng Ethambutol trong công thức điều trị có thể bị viêm dây thần kinh thị giác ảnh hưởng lên một mắt hoặc cả 2 mắt. Vì vậy, thuốc được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, phản ứng da và mô dưới da, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm thận cũng xảy ra ở tần suất thấp hơn.
Pyrazinamid là thuốc điều trị lao duy nhất diệt được trực khuẩn lao trong tế bào, nên vô cùng cần thiết với bất kỳ bệnh nhân điều trị lao nào. Tuy nhiên, những phản ứng phụ của thuốc mang lại khá cao, nhất là chán ăn, buồn nôn, cảm giác nóng bừng, thường gặp nhất là đau khớp (khớp vai, đầu gối, bàn tay và ngón tay), ngứa, nổi mề đay… Thuốc còn gây viêm gan, vàng da, nôn mửa, cơn goutte cấp tính do tăng acid uric trong máu.
Streptomycin, Kanamycin, Amikacin, Capreomycin là kháng sinh chỉ có tác dụng diệt khuẩn lao nằm ngoài tế bào. Loại kháng sinh này không hấp thụ qua đường ruột nên phải tiêm bắp. Phản ứng phụ của thuốc thường gặp là tê, giật quanh môi, cảm giác kiến bò, nôn mửa, sốt ban đỏ, mẩn ngứa. Trường hợp nặng là sốc phản vệ, dị ứng, nổi mề đay, phù Quincke, trụy mạch, đỏ da, tróc da, độc với thận, do thuốc tích lũy ở tế bào ống thận. Nhóm thuốc này thường gây tổn thương dây thần kinh số 8, làm chóng mặt, ù tai, loạng choạng, mất thăng bằng, cũng ghi nhận có thể gây điếc, khó phục hồi.
Các thuốc thuộc nhóm Quinolones, khi sử dụng có khoảng 10% có các triệu chứng từ nhẹ tới nặng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, phản ứng da và mô dưới da và một số triệu chứng của tăng áp lực nội sọ (chóng mặt, nhức đầu, lú lẫn, ảo giác, co giật), đau cơ, sưng và đau khớp do ảnh hưởng lên bề mặt sụn khớp, nên thuốc không được khuyến khích sử dụng cho người dưới 18 tuổi.
Cycloserin gây trầm cảm, có ý định tự sát, do đó không được dùng ở người bệnh có rối loạn tâm thần.
Ethionamid, Protionamid có thể gây quái thai, gây độc cho gan, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, cảm thấy vị kim loại. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, loạn tâm thần, rụng tóc, hạ huyết áp, hạ đường huyết, viêm thần kinh ngoại vi, dị cảm, run, phát ban, sạm da, thiểu năng tuyến giáp, bướu giáp… khi sử dụng thuốc.
Para-aminosalisylic gây độc lên nhiều cơ quan, bộ phận gây tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, kém hấp thu…
Trên đây chỉ là một phần tác dụng phụ của thuốc kháng lao, mà trong suốt quá trình điều trị lao, người bệnh có thể mắc phải. Hầu như bệnh nhân nào cũng gặp tác dụng phụ, nhưng hầu hết đều nhẹ và có thể giải quyết được bằng thuốc điều trị triệu chứng. Do đó, bác sĩ cần khai thác những bệnh sẵn có, có thể bị nặng lên bởi thuốc trị lao như bệnh thận, bệnh gan, mắt, tai, xương khớp hay tiền căn dị ứng. Bác sĩ cũng cần tư vấn kỹ trước khi điều trị về tác dụng phụ của thuốc kháng lao như là một yếu tố quan trọng giúp chương trình chống lao điều trị thành công.
Biết rõ những tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân có thể yên tâm tự theo dõi và gặp bác sĩ sớm để có hướng xử trí đúng, kịp thời với bất kỳ biến cố nào.