Bình Đại là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, có hơn 26 ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 2/3 diện tích đất tự nhiên của huyện. Do đó, công tác thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả.
Xác định được điều đó, những năm qua, Bình Đại tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cho cả 3 vùng mặn, lợ, ngọt. Năm 2013, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện đã xây dựng các chương trình dự án trọng điểm như: Khởi công công trình Đê bao ven sông Tiền thuộc Dự án thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn I, bờ kè đê bao xã Tam Hiệp, xây dựng cống Cầu Ván - xã Thạnh Trị, Dự án Đê biển… Ngoài ra, huyện còn thi công nạo vét 35 tuyến kênh phục vụ sản xuất ở các xã trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện đã thực hiện trên 140 ngàn mét kênh, xây dựng 5 hệ thống cống lớn, 10 cống nội đồng… trị giá trên 400 tỷ đồng. Các dự án công trình quan trọng có ý nghĩa thiết thực và chiến lược phục vụ nuôi thủy sản vùng mặn được quan tâm đầu tư như: Dự án 1.000ha Thạnh Phước - Đại Hòa Lộc, Dự án 1.800ha Bình Thới - Bình Thắng - Thị trấn và Thạnh Phước; Dự án 400ha Thạnh Trị - Đại Hòa Lộc; Dự án 650ha Bình Thắng; Dự án 350ha cánh đồng Bé - xã Thạnh Phước, hệ thống cống, đập, đê… cũng được đầu tư xây dựng.
Năm 2013, huyện còn đầu tư 430 triệu đồng từ ngân sách để thi công hệ thống thủy lợi ở các xã và vận động nhân dân nạo vét 50km kênh nội đồng do phân cấp xã quản lý. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 50km thủy lợi phục vụ sản xuất lúa - màu, 30km phục vụ lúa - tôm và 65km thủy lợi mặn. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư xây dựng 46km Đê biển và 24km Đê Tây để phục vụ phát triển nông nghiệp, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Đặc biệt là hệ thống Cống đập Ba Lai được Trung ương đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần ngăn mặn, trữ ngọt, cải thiện môi trường, cung ứng nước sinh hoạt góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản.
Nhờ chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống kênh, mương nội đồng, những năm qua Bình Đại luôn đảm bảo sản xuất đúng lịch thời vụ, năng suất cây trồng ổn định, sản lượng cây trồng luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Đặc biệt, các hệ thống thủy lợi sau khi đưa vào vận hành khai thác đã phát huy tác dụng tốt, tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng có hiệu quả. Các xã tiểu vùng I, II đẩy mạnh thâm canh vùng chuyên canh lúa 3 vụ, hoặc 2 vụ lúa 1 vụ màu và chuyên canh màu với nhiều chủng loại giống có chất lượng và năng suất cao. Diện tích trồng dừa được mở rộng với 5.980ha, sản lượng bình quân 7.500 trái/ha/năm, chất lượng trái được cải thiện nhanh chóng, việc trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa có điều kiện phát triển, góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Cây ăn quả tăng nhanh về diện tích và sản lượng, với 2.215ha, gồm: nhãn, bưởi da xanh. Các xã ven sông Ba Lai từ Thạnh Trị đến Phú Long - Lộc Thuận trước đây là những vùng đất hoang hóa, năng suất chất lượng cây trồng rất kém, nay đã hình thành vùng mía chuyên canh năng suất, sản lượng tăng dần qua từng năm. Đối với các xã tiểu vùng 3 và 4, hệ thống thủy lợi mặn đã tạo điều kiện cho nhân dân nuôi thủy sản thâm canh ngày càng phát triển. Đến thời điểm này, trên 80% diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản trên địa bàn huyện có hệ thống thủy lợi phục vụ.
Nhờ tập trung đầu tư công tác thủy lợi đúng mục tiêu, có trọng điểm, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đã thật sự phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển, là cánh cửa quan trọng để Bình Đại tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.