Tích cực cải thiện môi trường kinh doanh

22/04/2019 - 07:02

BDK - So với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năm 2018, Bến Tre là tỉnh thu hút FDI nằm ở tốp đầu với 163 triệu USD, xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, lần đầu tiên tỉnh tham gia vào nhóm 6 tỉnh dẫn đầu về xuất khẩu (gồm Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và Bến Tre). “Đạt được kết quả này là nhờ tỉnh áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là phát huy Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp (DN)”, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng (thứ 3, trái sang) và các chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh trong buổi tọa đàm kinh nghiệm thực tiễn ở các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng (thứ 3, trái sang) và các chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh trong buổi tọa đàm kinh nghiệm thực tiễn ở các địa phương.

Chính quyền tích cực

Là tỉnh có chính quyền rất tích cực với khu vực kinh tế tư nhân, là địa phương đứng thứ hai cả nước về tổng số giờ thanh tra, kiểm tra ít nhất, tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức ở tốp 5 của cả nước… Những chỉ số này thể hiện cái nhìn của DN đối với chính quyền tỉnh nhà, là những cứ liệu quan trọng đối với những nhà DN, nhà đầu tư muốn tìm hiểu đầu tư, tìm hiểu chính quyền.

Mạng lưới KN hình thành ở ĐBSCL vào đầu năm 2018 khá sôi nổi, đến nay, sau 1 năm hoạt động, hai tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp đã nổi danh không chỉ trong phạm vi khu vực mà là cả nước. Hiện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ rằng, chương trình KN do Chính phủ phát động chỉ có khu vực ĐBSCL là hoạt động khá nổi bật. Thứ nhất là cả khu vực có mạng lưới KN chung, thứ hai là 13 tỉnh đều có chương trình KN riêng, không phải vùng nào cũng có được; nhờ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và một số tỉnh nữa đang làm hoạt động này nổi bật hơn, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ.

Tại hội nghị môi trường đầu tư kinh doanh qua kết quả PCI năm 2018 khu vực ĐBSCL ngày 17-4-2019, đại diện VCCI cho biết: Cơ quan này đang chờ hệ sinh thái KN của Bến Tre, Đồng Tháp và một số địa phương hình thành, vận hành được sẽ là mô hình kiểu mẫu, cách làm mới thúc đẩy cộng đồng DN trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng chia sẻ: Với phương châm “năng động - sáng tạo - đổi mới”, cả bộ máy chính quyền các cấp, từ tỉnh đến cơ sở luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, DN đến Bến Tre tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đồng hành cùng DN

Để tiến lên vị trí thứ 4 bảng xếp hạng PCI năm 2018, thuộc nhóm điều hành tốt, trong những năm qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chỉ số PCI gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN - là một trong những chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của tỉnh.

Thông qua Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN, tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ KN như: bồi dưỡng, hỗ trợ hoàn thiện các ý tưởng KN đến lúc hình thành DN và thương mại hóa sản phẩm; kết nối vốn cho KN với việc hình thành Quỹ đầu tư KN tỉnh Bến Tre; tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ cho KN; đào tạo nâng cao kiến thức cho đội ngũ DN KN của tỉnh nhà; ban hành chính sách khuyến khích KN đặc thù.

Bên cạnh việc triển khai nhất quán các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Bến Tre cũng đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư. Đồng thời, chủ động xây dựng các trục liên kết vùng như: liên kết 4 tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh) và liên kết 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), qua đó góp phần vào việc xây dựng các cơ chế hoạt động, phối hợp trong việc xây dựng các định hướng phát triển kinh tế - xã hội mang tính liên kết vùng.

Tuy nhiên kết quả điều tra, khảo sát trong năm 2018 cho thấy, Bến Tre vẫn còn một số mặt hạn chế, thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần, tiêu chí thành phần tụt giảm điểm số. “Chúng tôi xem đó là điều kiện để tự rà soát lại hiệu quả điều hành, lãnh đạo của mình, để làm tốt hơn nữa, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực chất để hỗ trợ DN phát triển”, ông Cao Văn Trọng cho biết.

Đáng quan tâm là hiện tỉnh vẫn vướng phải những cái khó chung của vùng ĐBSCL như chất lượng hạ tầng giao thông đang giảm, cơ sở hạ tầng được đánh giá ở mức trung bình; đào tạo lao động nằm rất thấp trong bảng đánh giá PCI của cả nước; DN kém lạc quan về thị trường tương lai, đây là những vấn đề ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực trong thời gian tới. Chỉ số gia nhập thị trường và tính minh bạch là mặt hạn chế lớn nhất của tỉnh.

Nhận định về triển vọng tới, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng: Từ những kết quả tích cực đạt được qua điều tra PCI 2018, thu hút FDI nằm trong tốp đầu khu vực ĐBSCL với 163 triệu USD, xuất khẩu của tỉnh đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, cho thấy, nguồn lực địa phương đang phát triển rất mạnh, đặc biệt dựa vào DN xuất khẩu.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN