Xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre

Tiềm năng và khát vọng vươn lên mạnh mẽ

15/03/2019 - 09:01

BDK.VN - Nhằm phục vụ cho công tác tổng kết Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội thảo chuyên gia về xây dựng đề cương tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre.

Ông Nguyễn Văn Bảy tham gia trưng bày bưởi da xanh tại Hội chợ OCOP tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Cẩm Trúc

Ông Nguyễn Văn Bảy tham gia trưng bày bưởi da xanh tại Hội chợ OCOP tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Cẩm Trúc

Nhằm phục vụ cho công tác tổng kết Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội thảo chuyên gia về xây dựng đề cương tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre”. Nhân sự kiện có ý nghĩa này, phóng viên Báo Đồng Khởi đã gặp gỡ, ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, doanh nghiệp… về khát vọng Bến Tre ngày mai phát triển.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: “Tài nguyên địa kinh tế” Bến Tre đa dạng, phong phú

Bến Tre trong bối cảnh phát triển của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước đang thay đổi từng giờ, từng ngày. Điều gì xây dựng giấc mơ Bến Tre thịnh vượng? Tôi xin bắt đầu bằng khái niệm tài nguyên địa kinh tế tỉnh Bến Tre.

Qua kết quả đã khảo sát về tỉnh, tôi nhận thấy tài nguyên địa kinh tế Bến Tre rất đa dạng, phong phú và khá phức tạp. Bến Tre tuy không là trục kết nối trực tiếp giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng nhưng sự hình thành các yếu tố địa lý và sự phân bổ của các trung tâm sản xuất vùng, các tổ chức lãnh thổ kinh tế xã hội, phân bổ các hệ thống cư dân, tạo ra cho chúng ta một hệ thống tổng hòa về tự nhiên khác biệt. Đó là khí hậu mát mẻ hơn, dễ chịu hơn, dung hòa với thiên nhiên nhiều hơn. Thuận lợi cho tỉnh chọn phát triển nông nghiệp, du lịch và giáo dục như là hình nền cho sự phát triển.

Mặt khác, Bến Tre cũng đang trở thành khu vực chịu tổn thương nhất từ môi trường, từ biến đổi khí hậu. Thách thức thiên nhiên đòi hỏi con người phải thích ứng, sáng tạo. Vì thế, người Bến Tre phải tư duy rằng, chính môi trường, biến đổi khí hậu sẽ là động lực phát triển. Việc phát huy tài nguyên địa kinh tế của Bến Tre đang diễn ra theo hai hướng: một là phát huy nội lực tại chỗ từ việc thúc đẩy mở rộng các sáng kiến địa phương thích ứng với môi trường đang thay đổi; hai là “cửa ngõ” để các sáng kiến, đề xuất mới của khắp nơi đổ về.

Với Bến Tre, dừa và những sản phẩm từ dừa từ lâu đã trở thành thương hiệu. Thủ phủ dừa của Việt Nam tầm nhìn sẽ hướng đến khu vực và thế giới. Bến Tre còn có 65km bờ biển, qua 3 huyện. Vì thế, cần có định hướng phát triển trong tương lai trên nền tảng ý tưởng “Đô thị sông ven biển”. Triết lý của ý tưởng này là tập trung hình thành các trục đô thị dọc theo sông và kết nối với các trục này hướng biển bằng hệ thống giao thông đa dạng và các cơ sở hạ tầng khác. Đô thị sông ven biển là một mô hình không mới và có nhiều nơi áp dụng thành công. Những bài học trên thế giới không chỉ là không gian phát triển mà còn nhấn mạnh đến các mô hình kinh tế tiềm năng như phát triển dịch vụ du lịch, giải trí, năng lượng sạch, dịch vụ bất động sản…

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre: Tạo bước đột phá để ngành dừa thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh

Bến Tre có nhiều chương trình phát triển dừa lâu đời, gần nhất là chương trình phát triển ngành dừa từ 2013 - 2015, định hướng 2016 - 2020. Chương trình này cũng đã đánh giá kết quả, đề ra những chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2020; riêng giai đoạn 2018 - 2020, có 3 mục tiêu lớn được xác định tập trung là đẩy mạnh việc liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ, trong đó ưu tiên nâng cao năng suất và cải thiện thu nhập cho người trồng dừa; hỗ trợ các doanh nghiệp có đầu tư sản phẩm giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu mạnh; hoàn thành các đề án nghiên cứu sản phẩm dừa; không gian dừa. Chỉ tiêu đề án là thành lập 28 tổ hợp tác, 4 hợp tác xã liên kết tiêu thụ; sản xuất trên 12%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 4,8%/năm; tỷ trọng ngành dừa chiếm 22,7% trong tổng giá trị sản xuất…

Thực hiện chương trình dừa trong giai đoạn này thế nào sao cho hiệu quả, tạo bước đột phá để ngành dừa thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Quan điểm Hiệp hội Dừa tập trung vào 2 trụ cột: người nông dân và doanh nghiệp chế biến dừa.

Theo đó, người trồng dừa phải làm sao nâng cao được năng suất, sản lượng, thu nhập thông qua cải tiến kỹ thuật canh tác… Đối với doanh nghiệp, đầu tư cải tiến công nghệ, đầu tư mới đáp ứng yêu cầu giá trị sản phẩm tăng cao, cạnh tranh; nâng cao năng lực quản trị, các tiêu chuẩn quản lý, đảm bảo yêu cầu khắt khe của hội nhập. Hai trụ cột này liên kết, trên nền tảng vận dụng quy luật kinh tế thị trường, theo hướng mới là sản xuất hữu cơ và hàng hóa.

Dừa thích hợp điều kiện canh tác, lao động hiện nay của người dân nông thôn. Diện tích trồng dừa tăng, giá dừa còn bấp bênh nhưng chưa bao giờ xuống dưới giá thành. Vậy có thể nâng cao thu nhập người trồng dừa hơn nữa hay không? Có, nếu thực hiện tốt mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng dừa, các liên kết giữa người trồng dừa với nhau, xây dựng các cơ sở sơ chế tại chỗ cung ứng cho doanh nghiệp, nhân rộng quy trình dừa hữu cơ…

Ông Trần Văn Đức - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa: Đổi mới công nghệ để phát triển ngành dừa

Cơ hội phát triển của Bến Tre là rất lớn nhưng vấn đề giới hạn là một phần do con người, nguồn lực, hạ tầng. Trong đó, địa thế sông nước này không đâu có được như Bến Tre. Ngành dừa cũng có tiềm năng rất lớn, giai đoạn công nghệ 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành dừa Bến Tre.

Sản xuất dừa hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch để phát huy tiềm năng thế mạnh của cây dừa trong phát triển kinh tế. Ảnh: Cẩm Trúc

Sản xuất dừa hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch để phát huy tiềm năng thế mạnh của cây dừa trong phát triển kinh tế. Ảnh: Cẩm Trúc

Đã có các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hòa nhập xu thế thế giới, có nhiều cơ hội phát triển, nâng cao giá trị gia tăng trái dừa nhưng nguyên liệu chưa ổn định, chưa phát triển căn cơ. Có những doanh nghiệp đầu tư mới nhưng chưa có vùng nguyên liệu và lớn. Đó là rủi ro.

Mặt khác, hiện việc khai thác cây dừa còn ở mức độ thô, bán thành phẩm, chỉ một số ít có giá trị tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực khai thác cây dừa còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp chế biến dừa là ngành chủ lực nhưng công nghệ phát triển dừa còn ít, giá cả bấp bênh, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người thụ hưởng từ cây dừa.

Về tầm nhìn, doanh nghiệp phải làm ăn có trách nhiệm với nông dân, tăng cường hợp tác với nhiều phía, mở ra cơ hội phát triển bền vững. Quan trọng hơn, để mong muốn tầm nhìn chiến lược phát triển của tỉnh có trở thực sự hiệu quả, tạo đột phá hay không là còn phần nhiều phụ thuộc vào ý chí, sự quyết cao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Giồng Trôm: Phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà

Về tiềm năng, thế mạnh, Bến Tre có nhiều nhưng thời gian qua còn bỏ ngõ. Vì thế, nếu tận dụng đồng bộ, không bỏ ngõ thì bảo đảm thu nhập của người dân sẽ phát triển, không còn hộ nghèo.

Với tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp xanh hiện nay, Bến Tre cần phát triển đồng bộ dịch vụ chăm sóc vườn và dịch vụ du lịch sinh thái vườn cây ăn trái. Đồng thời, điều kiện phát triển bền vững là chú trọng phát triển hợp tác xã hay nói cách khác, phát triển các hợp tác xã phải đi đôi các dịch vụ này. Có hướng hỗ trợ đúng mức, đúng hướng đối với các hợp tác xã có đủ tiềm năng thì mới thúc đẩy phát triển, tạo mô hình hiệu quả để nhân rộng, lan tỏa nhanh.

Nhìn ở góc độ này, chúng ta sẽ phân tích được lý do vì sao thời gian qua, Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng còn thua xa các nước trong khu vực. Đó là do chưa đáp ứng được các khâu chăm sóc vườn, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến, thị trường; chưa liên kết được với nhau để hình thành các mô hình kinh tế tập thể, đồng lòng, đồng tâm cho tương lai phát triển bền vững và vươn xa. Hướng tới cần khắc được các hạn chế này để xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoàn chỉnh, nâng cao thu nhập của người dân lên gấp nhiều lần.

Không dừng lại ở việc phát triển từng hợp tác xã mà phải tiếp tục liên minh hợp tác xã, để các dịch vụ có sự đồng bộ, liên kết, để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững. Riêng Hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm đang phấn đấu phát triển trong thời gian 5 năm tới với mục tiêu đưa trái bưởi da xanh Bến Tre phải chiếm được thị trường từ Nam đến Bắc, với mong muốn phát triển hơn gấp 20 lần so với hiện nay.

* Ông Nguyễn Quốc Bảo - nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Tập trung phát triển nguồn nhân lực

Xuất phát từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Bến Tre có 3 vùng sinh thái: nước mặn, nước ngọt và lợ. Tỉnh còn có tiềm năng về năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời và du lịch. Trong đó, vùng biển có thể khai thác nguồn lợi thủy sản; vùng nước lợ có thể kết hợp nuôi tôm trồng lúa; vùng nước ngọt phát triển chuyên canh cây ăn trái. Từ đây đã hình thành cho tỉnh nền nông nghiệp đa dạng. Theo nền nông nghiệp này, kinh nghiệm, trình độ sản xuất của người nông dân tương đối phù hợp xu thế thị trường.

Với lợi thế trên, tỉnh cần đánh giá đúng mức, đầu tư, khai thác hết tiềm năng hiện có. Tuy nhiên, tiềm năng là vậy nhưng thời gian qua, tỉnh chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, chưa xuất khẩu được nhiều. Trong khi tỉnh có nguyên liệu sẵn có về dừa, nguồn lợi về thủy sản nhưng lại chưa thực hiện tốt khâu chế biến; việc đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, dẫn đến năng suất trên lĩnh vực này chưa cao; việc sản xuất theo hướng sản phẩm sạch chưa được quan tâm đúng mức.

Trên lĩnh vực du lịch, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để phát triển thế nhưng chỉ dừng lại ở chỗ khai thác, chưa tạo tính đột phá trên lĩnh vực này. Tỉnh cần có giải pháp kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm đa dạng mang tính đặc thù, thu hút du khách. Nếu tỉnh có hướng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sạch, an toàn, với điều kiện thiên nhiên sẵn có thì chắc chắn sẽ phát huy hết tiềm năng về lĩnh vực này.

Một tiềm năng quan trọng nữa là nguồn nhân lực. Nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nền tảng giáo dục phổ thông vững chắc. Với những thành tựu này, tỉnh có sự quan tâm đầu tư đúng mức về nguồn nhân lực. Trong đó, cùng với kiến thức, tỉnh tập trung đào tạo kỹ năng, hình thành thế hệ người Bến Tre năng động, dám đi tắt, đón đầu, có tư duy nhạy bén, ý chí, khát vọng vươn lên. Trong sản xuất, cần có sự liên kết, sản xuất theo nhu cầu thị trường, có vậy mới khắc phục được tình trạng giá cả  bấp bênh. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nước sạch.

Với những tiềm năng hiện có, mong rằng thời gian tới, tỉnh có giải pháp đưa kinh tế tỉnh chuyển biến, nâng cao hơn nữa mức sống người dân, để Bến Tre thật sự trở thành vùng đất đáng sống.

* Ông Huỳnh Văn Be - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy: Tạo môi trường đầu tư cho kinh tế tư nhân

Với điều kiện tự nhiên hiện có, kinh tế của tỉnh chủ yếu vẫn là nông nghiệp. Thế nhưng, nếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp sẽ khó đưa kinh tế phát triển. Bởi nông nghiệp chỉ làm cho người dân no bụng chứ chưa thể làm giàu. Tỉnh dù phát triển chậm so với các tỉnh nhưng lại có ưu thế chưa được đầu tư lớn. Do vậy ta nên biến hạn chế này thành lợi thế để bứt phá trong thời gian tới.

Để làm được điều này, đòi hỏi tỉnh phải tạo môi trường thuận lợi kêu gọi tư nhân đầu tư với quy mô lớn. Bởi từ xưa đến nay, kinh tế tỉnh nhà phụ thuộc chủ yếu vào dừa và một số mặt hàng nông sản. Trong khi giá cả những mặt hàng này chịu ảnh hưởng chung thị trường thế giới, lên xuống thất thường. Việc khai thác, chế biến được tỉnh thực hiện hết mức, chưa kể thị trường thế giới không mở rộng hơn. Trước những khó khăn, thách thức này, nông nghiệp sẽ khó thể đưa kinh tế tỉnh phát triển xứng tầm.

Để kinh tế tỉnh phát triển trong thời gian tới, ngoài việc tập trung phát triển kinh tế tập thể, kết nối thị trường, tỉnh cần có chính sách mang tính đột phá thu hút tư nhân đầu tư. Xác định đúng vị thế của tỉnh trong nền kinh tế chung của khu vực. Phân tích lĩnh vực nào đúng là thế mạnh có thể cạnh tranh với các tỉnh khác. Trên cơ sở đó, đề ra những chính sách cởi mở, ưu tiên phát triển thế mạnh kinh tế hiện có. Cùng với đó là tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng một cách hiệu quả.

Tỉnh cũng cần quan tâm công tác bố trí cán bộ. Cán bộ là đầu tàu, do đó, cán bộ trước hết phải là con người có tâm, tầm, biết truyền cảm hứng cho anh em, biết gợi ý, định hướng để cấp dưới thảo luận, bàn bạc cùng góp ý kiến. Có vậy mới tìm được giải pháp khả thi, mang lại hiệu quả. Cùng với đó là biết tranh thủ cơ chế từ Trung ương, có vậy kinh tế tỉnh nhà thời gian tới sẽ vươn xa.

* Ông Trịnh Văn Y - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre: Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong kinh tế dừa

Trong thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết đúng đắn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực chưa có sự phát triển tương xứng, cần phải xem lại “điểm nghẽn” ở đâu để có giải pháp tháo gỡ. Đó là tinh thần trách nhiệm, khả năng, tài năng, kiến thức của cán bộ, đảng viên phụ trách. Kiến thức chưa theo kịp yêu cầu công việc hay tinh thần trách nhiệm chưa cao?

Bến Tre là thủ phủ dừa, là phải nói đến kinh tế dừa. Lĩnh vực này cũng có “điểm nghẽn” là người trồng dừa thường gặp khó khăn do giá dừa thường biến động, quá thấp. Đa số nông dân quen sản xuất riêng lẻ, lạc hậu, phải làm sao để họ thay đổi cung cách làm ăn, liên kết sản xuất. Tỉnh nên đề xuất Trung ương xếp dừa vào cây công nghiệp, đưa vào danh mục quản lý của Nhà nước, có sự đầu tư để phát triển “mỏ dầu thực vật” tốt hơn. 

Kinh tế biển, điện gió, điện mặt trời tiềm năng còn rất lớn. Thế mạnh du lịch cũng đang được phát huy. Cần xây dựng sản phẩm du lịch theo từng vùng sinh thái tự nhiên, như: dừa, cây ăn trái, hoa kiểng, biển… để thu hút khách du lịch.

Vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng rõ nét. Đề nghị Trung ương đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, cống đập, đê ven sông, nếu không sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Tình trạng khai thác cát sông trái phép gây ra sạt lở, sụt lún ở các vùng đất cồn. Nếu có thể, tìm ra nguồn vật liệu khác dùng trong xây dựng thay thế cát sông. Đây cũng là một giải pháp nhằm hạn chế, chống khai thác trái phép cát sông như hiện nay.

Vấn đề nữa là, quan tâm đẩy mạnh đầu tư, dần hoàn thiện hệ thống nhằm đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất.

* Ông Huỳnh Khắc Hiệp - Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh: Con người là yếu tố quyết định

Trong thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ 2015 - 2020, lãnh đạo tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh...

Nhiều chủ trương, chính sách đưa ra rất sát hợp với tình hình thực tế địa phương nhưng để đưa các chủ trương đó đi vào cuộc sống thì đòi hỏi việc tổ chức triển khai thực hiện phải thực sự hiệu quả. Điều tôi muốn nói ở đây đó là yếu tố con người.

Tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển, rõ nhất là nông nghiệp (cây ăn trái) và kinh tế biển (65km bờ biển). Trong giai đoạn phát triển như hiện nay, tỉnh nên đưa công nghiệp vào trong nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị các loại nông sản của tỉnh, đặc biệt là trái dừa. Để làm được điều này, cần mời các chuyên gia đầu ngành, học tập kinh nghiệm ở các nước bạn, như Thái Lan chẳng hạn.

Để giải quyết vấn đề đất nông nghiệp hiện nay còn manh mún, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để góp phần thay đổi tư duy của người dân ngay từ bây giờ, điển hình như việc chôn cất người thân bên cạnh nhà hay ngay trong đất nông nghiệp trong thời nay là không còn phù hợp nữa, thay vào đó là hình thức khác (ví dự như hỏa táng) để nhường đất lại cho con cháu canh tác. Để thay đổi tư duy của một con người là điều không phải một sớm một chiều mà cần phải có quá trình, phải chứng minh bằng những hành động, việc làm cụ thể.

* Linh mục Khổng Đức Ý - Ủy ban Đại diện Đoàn kết Công giáo tỉnh: Cần có tập đoàn sản xuất ngành dừa

Tỉnh rất giàu tiềm năng về kinh tế nông nghiệp. Từ lâu, tỉnh được xem là “Thủ phủ dừa”. So với các tỉnh khác, dừa Bến Tre đã xây dựng cho mình thương hiệu mà không địa phương nào sánh được. Tiềm năng là vậy nhưng thời gian qua, tỉnh chưa phát huy hết những gì hiện có. Cùng với đó, giá dừa không ổn định làm ảnh hưởng đến kinh tế tỉnh nói chung và người trồng dừa nói riêng. Đã có lúc người dân có xu hướng “quay lưng” với loại cây truyền thống vùng đất 3 dãy cù lao.

Tỉnh cần tiếp tục quan tâm phát triển ngành dừa. Có giải pháp kêu gọi đầu tư mở rộng sản xuất chế biến sản phẩm từ dừa. Tỉnh đã xây dựng 2 khu công nghiệp, đã thu hút đông đảo người lao động thì nay cũng có thể thành  lập doanh nghiệp lớn dạng tập đoàn để sản xuất chuỗi sản phẩm từ dừa khép kín, mà ở đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà. Trong đó, nhà nước thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân; nhà khoa học hướng dẫn người dân quy cách trồng, kỹ thuật canh tác, doanh nghiệp phải đảm bảo sản phẩn đầu ra cho người dân. Chưa kể, nếu hình thành được các tổ hợp tác, hợp tác xã lớn tại mỗi địa phương, ta vừa đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho người dân vừa tạo công ăn việc làm cho bà con.  

* Hòa thượng Thích Nhựt Tấn - Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh: Cần có giải pháp tìm đầu ra ổn định cho cây dừa

 Từ xưa đến nay, tiềm năng phát triển kinh tế chủ lực của tỉnh vẫn là cây dừa. Thế nhưng, do tác động của thị trường, 2 năm qua, giá dừa lên xuống thất thường, đời sống người dân gặp khó khăn. Một bộ phận người trồng dừa lại có xu hướng chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng khác như bưởi da xanh, sầu riêng...

Để không còn tình trạng “được mùa mất giá”, người dân chăn nuôi, trồng trọt theo phong trào, tỉnh nên có chiến lược phát triển kinh tế từng vùng. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp cây trồng gắn nuôi trồng chế biến thủy sản. Dựa trên điều kiện thực tế từng địa phương để có định hướng phát triển phù hợp. Cần có giải pháp tìm đầu ra ổn định cho cây dừa, do đây là cây trồng chủ lực của tỉnh. Người trồng dừa nên tham gia sản xuất theo hình thức tập thể như: tổ hợp tác, hợp tác xã... để có điều kiện học tập trao đổi kinh nghiệm trồng trọt nhằm tăng năng suất. Cần kết nối với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định.

Lợi thế của tỉnh đã được chỉ dẫn địa lý dừa xiêm xanh, người dân cần chọn giống dừa phù hợp thích ứng biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo thương hiệu. Doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm từ dừa có chất lượng nhằm tăng sự cạnh tranh để nâng cao chuỗi giá trị từ dừa.

Ban biên tập kính mong quý bạn đọc, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân quan tâm trao đổi góp ý, đề xuất, kiến nghị, nhất là các giải pháp trên các lĩnh vực về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng - an ninh.v.v. để xây dựng tầm nhìn Chiến lược phát triển tinh Bến Tre, giai đoạn 2020-2025, hướng đến 2030.

Những ý kiến có thể ghi trực tiếp ở phần bình luận sau mỗi bài viết hoặc qua email: toasoan@baodongkhoi.vn. Trân trọng !

Cẩm Trúc - Quốc Hùng - P.Tuyết (ghi)

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN