Tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp

21/06/2024 - 05:33

BDK - Ngày 20-5-2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngày 31-5-2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3431/UBND-KSTT về triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nâng cao hiệu quả phục vụ trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: P. Thảo

Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Về cải cách, cắt giảm TTHC, Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm việc cải cách, cắt giảm TTHC ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, chấn chỉnh, rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định để tránh gây bất cập, mâu thuẫn trong việc giao địa phương ban hành văn bản quy định bộ phận tạo thành của TTHC theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực được giao, nhất là TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản…

Tập trung triển khai cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp theo chương trình cắt giảm, đơn giản hóa sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cắt giảm yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện TTHC, bảo đảm tiến độ, thực chất, hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác truyền thông trong cải cách TTHC để người dân, cộng đồng doanh nghiệp biết và đồng hành cùng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương công bố đầy đủ TTHC nội bộ giữa UBND cấp tỉnh với các sở, ngành, UBND cấp huyện; xác định đúng phạm vi, thẩm quyền ban hành TTHC nội bộ để rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, Sở Tư pháp thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp với các cơ quan có liên quan nâng cao chất lượng thẩm định quy định về TTHC tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành và duy trì những TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất.

Về cải cách việc thực hiện TTHC, theo Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu; nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ từ Trung ương đến địa phương phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Tập trung triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông, ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm.

Bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 1-7-2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5-9-2022 của Chính phủ.

Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; tăng cường đối thoại, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, TTHC; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác giải quyết TTHC. Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra cải cách TTHC nhằm nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời xử lý các trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. Tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính.

Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm thực chất, hiệu quả theo các tiêu chí về chất lượng dịch vụ, tính hữu ích, tính dễ sử dụng.

ĐĂNG PHONG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN