Tiếp tục giúp người nghèo "tăng tốc thoát nghèo"

02/04/2019 - 19:42

Đại biểu tham dự hội nghị.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Sáng 2-4-2019, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Minh Lập đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả triển khai các hoạt động thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững (gọi tắt là Đề án sinh kế) tại 19 xã điểm năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn, đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố và lãnh đạo UBND 19 xã điểm, cán bộ giảm nghèo và cán bộ lao động - thương binh và xã hội đến dự.

Giai đoạn 2016 - 2020, tại 19 xã điểm có trên 2 ngàn hộ đăng ký tham gia thực hiện Đề án sinh kế, trong đó có trên 1,2 ngàn hộ nghèo và hơn 800 hộ cận nghèo. Riêng năm 2018, có 389 hộ thoát nghèo, trong đó có 262 hộ thoát nghèo bền vững. Tổng số vốn các cấp, các ngành hỗ trợ tại 19 xã điểm trong năm 2018 trên 7,8 tỷ đồng (vốn Trung ương trên 5,5 tỷ đồng, vốn chương trình dự án khác 2,3 tỷ đồng) để phát triển các mô hình sản xuất.

Hoạt động đa dạng sinh kế của hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các hoạt động phi nông nghiệp như tiểu thủ công nghiệp, học nghề ít được người dân quan tâm chọn lựa.

Các đại biểu đã thảo luận, phân tích khó khăn trong việc thực hiện Đề án sinh kế. Nổi bật là công tác kết nối nguồn lực hỗ trợ người nghèo ở các địa phương thực hiện chậm, chưa làm tốt. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp người nghèo “tăng tốc thoát nghèo” trong năm 2019.

Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Thị Thanh Lam thông tin: “Năm 2019, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh sẽ thành lập tổ khảo sát, tư vấn, hướng dẫn người nghèo xác định nhu cầu để phát triển sinh kế ở 19 xã điểm. Tỉnh sẽ khảo sát mỗi xã 20 hộ, còn lại do huyện, xã thực hiện khảo sát. Mục tiêu là hoàn tất việc khảo sát trong năm nay”.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Minh Lập nhấn mạnh: “Trong các vấn đề như năng lực người nghèo, chính sách cho người nghèo… thì yếu tố chỉ đạo điều hành ở các cấp là quan trọng nhất. Chúng ta có thể làm tốt hơn trước, bằng cách chỉ đạo, vận động nhiều nguồn lực hiệp lực giúp người nghèo. Cụ thể, UBND xã không nên khoán trắng cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, mà đi đến cả tổ công tác có cựu chiến binh, có nông dân sản xuất giỏi để hướng dẫn, tư vấn người nghèo cách làm ăn thoát nghèo”.

 Tin, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN