Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19

26/09/2021 - 15:27

BDK.VN - Ngày 26-9-2021, Chính phủ đã có cuộc họp trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về những giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19. Điểm cầu Hà Nội Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Tham dự có các Phó thủ tướng, các bộ, ban ngành trung ương, đại diện cộng đồng DN.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ tại điểm cầu Bến Tre.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ tại điểm cầu Bến Tre.

Điểm cầu Bến Tre có Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, các Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành tỉnh, các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của DN và thấm sâu vào nền kinh tế, đặc biệt là quý III-2021. Các ngành kinh tế đều hoạt động dưới 60% công suất do các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng ở mức nghiêm ngặt hơn so với các giai đoạn trước. Đã có rất nhiều chính sách được các cơ quan nhà nước ban hành kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay nhằm mục đích hỗ trợ DN vượt qua và phục hồi sau dịch bệnh. Các gói hỗ trợ lớn như: Chính sách tiền tệ, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội…

Tại Bến Tre, từ đầu quý III-2021, nhất là trong 2 tháng giãn cách theo chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, dịch bệnh Covid-19 đã tác động sâu rộng, toàn diện đến mọi hoạt động của nền kinh tế xã hội. Số DN hoạt động không quá 16% (tháng 9-2021); số lượng lao động giảm mạnh, chỉ còn khoảng 10% trong khu công nghiệp; số người cần phải trợ cấp an sinh xã hội do mất việc làm, ngưng việc  chiếm 27-28% dân số tỉnh và đang có chiều hướng gia tăng. Chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhất là dừa, thủy sản bị đứt gãy; thị trường trong nước và xuất khẩu giảm trên 20% dịch vụ… Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch với các giải pháp cụ thể, từng bước phục hồi nền kinh tế những tháng cuối năm theo tiến độ kiểm soát dịch, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021, làm nền tảng để phát triển trong năm 2022.

 Một số bài học kinh nghiệm đã được Chính phủ đưa ra, trong đó, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, DN chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch. Cộng đồng DN Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tính đoàn kết, tương trợ, nhất là giai đoạn khó khăn; tăng kết nối, hợp tác với các DN địa phương. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cần xuất phát từ thực tiễn hoạt động, nhu cầu của DN. DN cũng cần ý thức tự điều chỉnh hoạt động, chính sách cho hoạt động trở lại bình thường bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước…

Một số giải pháp được Chính phủ hướng đến trong thời gian tới như: Đảm bảo công tác y tế, phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như các giải pháp đảm bảo duy trì sản xuất - kinh doanh an toàn, liên tục; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN, chính sách hỗ trợ một số ngành, địa phương, lĩnh vực đặc thù. Triển khai các giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong trung và dài hạn…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận và bày tỏ sự cảm ơn đến cộng đồng DN trong suốt gần 2 năm qua đã đồng hành cùng Đảng, nhà nước và nhân dân trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, huy động trí tuệ tập thể, lấy khó khăn thách thức làm động lực vươn lên. Căn cứ vào thực tiễn để có các giải pháp phù hợp, chuyển đổi trạng thái, kiên định các giải pháp phòng dịch và chống dịch quyết liệt, chặt chẽ. Trong tổ chức thực hiện, đảm bảo sự tập trung thống nhất; có phân cấp, linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể.

Chính phủ đã nêu rõ quan điểm, người dân, DN, doanh nhân vừa là chủ thể vừa là trung tâm, nghĩa là mọi chính sách đều hướng đến người dân và DN; đồng thời, người dân và DN cùng tham gia xây dựng chính sách và thể chế, tham gia vào xây dựng các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó nâng cao tính dân chủ và tinh thần trách nhiệm theo chức năng và nhiệm vụ của mình. Trong thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả trong giải quyết các thủ tục. Tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển hạ tầng, đầu tư cho chuyển đổi số, năng lượng tái tạo...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng, cộng đồng DN và người dân tiếp tục làm trung tâm, góp sức tích cực trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; góp ý đột phá về thể chế; nâng cao năng suất lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Các bộ ngành, địa phương và cộng đồng DN tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, cùng đoàn kết, thống nhất, chia sẻ nhau, hợp lực thực hiện các giải pháp để vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển.

Tin, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN