Sâu đầu đen ăn cả biểu bì vỏ trái dừa và làm rụng trái. Ảnh: P. Khê
Các địa phương đã tổ chức tập huấn triển khai “Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen” tại Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm. Hàng loạt biện pháp phòng trừ đã được ngành chức năng triển khai.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và nông dân trồng dừa cơ bản đã nhận biết sự gây hại nguy hiểm của sâu đầu đen đối với cây dừa. Việc phun thuốc bằng máy bay siêu nhẹ tại xã Phú Long chưa phù hợp với cây dừa nên còn khả năng lây lan. Diện tích vườn dừa ở xã Hữu Định đã phun chế phẩm nấm xanh Meta nhưng không hiệu quả nhanh vì đây là thuốc sinh học. Từ đó, nông dân tự phun thuốc mua ngoài đại lý vẫn không hiệu quả vì không áp dụng đầy đủ các khuyến cáo của ngành chức năng.
Nhằm ngăn chặn kịp thời sự lây lan của sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các hộ trồng dừa bị sâu đầu đen gây hại thực hiện các biện pháp phòng trừ để bảo vệ diện tích dừa và khôi phục sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, với các nội dung: in tờ bướm, tổ chức hội thảo, thành lập tổ chuyên trách và bộ phận giúp việc thực hiện các biện pháp phòng trừ, nhân nuôi thiên địch (nhân nuôi bọ đuôi kìm, ong ký sinh), khen thưởng... Tổng kinh phí 1,771 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1,105 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 456 triệu đồng, nông dân đối ứng 210 triệu đồng.
P. Khê - H. Hiệp