Tiếp tục triển khai chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

18/08/2010 - 09:11
Chế biến cá khô ở làng nghề Bình Thắng (Bình Đại).

Hợp phần sản xuất sạch hơn (SXSH), trong công nghiệp được phổ biến và áp dụng tại Bến Tre từ năm 2007. Thông qua hợp phần này, Bến Tre đã được hỗ trợ trên 12 tỷ đồng để tổ chức thực hiện tại 6 doanh nghiệp, 4 hộ làng nghề trong tỉnh.

Trong các năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức 6 cuộc hội thảo nâng cao nhận thức và kỹ năng áp dụng chương trình SXSH cho khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, quản đốc doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức trình diễn 7 dự án, trong đó có 3 dự án thực hiện xong là nhà máy chế dừa Thành Vinh, Công ty Thuốc lá, DNTT Lâm Đồng, 4 dự án đang triển khai thực hiện là Công ty TNHH Vĩnh Tiến, Công ty TNHH Thanh Bình, Công ty Mía đường, Làng nghề Chế biến thủy sản Bình Thắng. Kết quả, các cuộc hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức, khả năng áp dụng SXSH, thông qua các hoạt động truyền thông, các dự án trình diễn. Mục tiêu đến năm 2013, Bến Tre có 60% cơ sở sản xuất công nghiệp được phổ biến và áp dụng SXSH. Cụ thể, giảm nguyên liệu đầu vào 10%, giảm 15% tổng lượng phát thải trên đơn vị sản phẩm; giảm chất thải 20% trong một số cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó tập trung vào các ngành chế biến dừa, chế biến thủy sản, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; 60% doanh nghiệp và các cấp quản lý được hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực SXSH. Để tiếp tục triển khai chiến lược SXSH có hiệu quả, UBND tỉnh cũng vừa có Quyết định 03 về triển khai chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ trì phối hợp, rà soát và xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách; đồng thời, lồng ghép nội dung SXSH vào chiến lược qui hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trước mắt và lâu dài. Hàng năm, các cơ quan này xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, phù hợp với nội dung mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn cụ thể; cân đối nguồn vốn khuyến công và tranh thủ nhiều nguồn lực khác để triển khai thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; mạnh dạn đào tạo chuyên gia tư vấn, chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của Văn phòng SXSH tại TTKC&TVPT công nghiệp; chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng và vận hành có hiệu quả trang thông tin điện tử về SXSH; phổ biến hướng dẫn về SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; tăng cường khuyến khích duy trì các cơ sở đã áp dụng; đồng thời, phổ biến, nhân rộng các mô hình áp dụng đạt hiệu quả cao; hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình SXSH. Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các qui định bảo vệ môi trường; giới thiệu tuyên truyền và vận động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tiến hành áp dụng SXSH. Sở KHCN tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; cân đối nguồn vốn từ ngân sách hằng năm để hỗ trợ kết hợp hướng dẫn áp dụng có hiệu quả cao nhất; đưa chương trình SXSH vào chương trình đào tạo trong các ngành phù hợp tại các trường dạy nghề, trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến chương trình SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy, hỗ trợ áp dụng SXSH, lồng ghép nội dung này vào chiến lược, qui hoạch phát triển kinh tế địa phương.

 

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN