Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập trao bằng khen cho các tổ chức, cá nhân.
Ngày 21-8-2018, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2013 - 2017 và hướng đến năm 2020. Các Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Duy Hải, Nguyễn Hữu Lập; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm cùng chủ trì hội nghị.
Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 804 tổ hợp tác, tăng 717 tổ so với năm 2013; 40 hợp tác xã (theo Luật Hợp tác xã năm 2012), tăng 7 hợp tác xã; 52 tổ sản xuất đạt chuẩn GAP, tăng 23 tổ so với năm 2013; 261 trang trại, tăng 173 trang trại; 57 làng nghề, tăng 7 làng nghề... Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện khá tốt, qua đó, giúp chuyển dịch cơ cấu nông - lâm - thủy sản trong cơ cấu chung của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện tỷ trọng khu vực I chiếm 37,92% trong tổng giá trị sản xuất của tỉnh. So với năm 2013, năm 2017, hiệu quả sản xuất trên 1ha diện tích canh tác đất trồng trọt tăng từ 51 triệu đồng lên 81 triệu đồng; thủy sản dao động mức 300 - 367 triệu đồng. Mức thu nhập bình quân trên năm của người dân nông thôn tăng từ 21 triệu năm 2013 lên 32 triệu đồng năm 2017.
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 9 cá nhân và 6 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2017.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chỉ đạo các ngành, các cấp phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là cơ quan tham mưu, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ tái cơ cấu trong thời gian tới, có lồng ghép tiêu chí đánh giá, kế hoạch tái cơ cấu của Trung ương.
Tin, ảnh: Nhiên Luận