Tiết kiệm năng lượng hôm nay vì thế hệ mai sau

20/09/2010 - 08:41
Các em học sinh thể hiện ý tưởng tiết kiệm năng lượng qua tranh vẽ của mình. Ảnh: TR.Q

Khoảng 30 phút, trước giờ khai mạc Ngày hội tiết kiệm năng lượng tỉnh Bến Tre năm 2010, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM trực tiếp thực hiện, hàng trăm học sinh Trường Tiểu học và THCS: Mỹ Hóa, Mỹ Thạnh An, Bến Tre, Hoàng Lam cùng đại biểu khách mời đã có mặt đông đủ. Hội trường Nhà Thiếu nhi tỉnh trở nên nhộn nhịp hẳn lên.

Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức ngày hội và nhận được sự hưởng ứng bằng tất cả tấm lòng “Tiết kiệm năng lượng hôm nay vì thế hệ mai sau”. Sau những tiết mục múa hát vui nhộn do các em học sinh biểu diễn, từng nội dung chính của ngày hội lần lượt diễn ra. Ban tổ chức đã tôn vinh và trao kỷ niệm chương cho 8 đơn vị và doanh nghiệp điển hình trong thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong cơ cấu sử dụng năng lượng của tỉnh hiện nay, lĩnh vực quản lý, tiêu dùng dân cư chiếm 43%, tình trạng lãng phí năng lượng vẫn còn phổ biến. Để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hộ gia đình đóng vai trò quan trọng, trong đó phụ nữ được xác định là chủ thể, vì họ thường xuyên tiếp xúc các công cụ, thiết bị sử dụng năng lượng và là người hướng dẫn con cách tiết kiệm năng lượng. Các em học sinh, khi được giáo dục, trang bị kiến thức về năng lượng, là lực lượng đông đảo trong thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần làm cho môi trường sống trong lành, sạch đẹp. Điều này đã lý giải vì sao đối tượng ngày hội nhắm đến là phụ nữ và học sinh.
Các em học sinh đến với ngày hội bằng những câu chuyện kể, tiểu phẩm, bức tranh sống động thể hiện sự lãng phí trong sử dụng năng lượng hàng ngày dẫn đến một hậu quả khôn lường, đưa ra nhiều ý tưởng sử dụng tiết kiệm năng lượng đúng mục đích và hiệu quả. Tiểu phẩm “Ai đúng, ai sai” đề cập đến cách tiết kiệm điện của một nhà nghỉ: Bóng đèn ở các lối đi, cầu thang không được mở sáng, trang thiết bị trong phòng nghỉ của khách cũ kỹ. Chủ trương của nhà nghỉ là mọi thành viên trong gia đình phải tiết kiệm điện tối đa, ngay cả đèn bàn phục vụ việc học của con cái cũng hạn chế nhưng lại khuyến khích khách sử dụng điện, bởi khách phải thanh toán tiền. Lối suy nghĩ lệch lạc của chủ nhà nghỉ đã được các thành viên trong gia đình và lối xóm phân tích thấu đáo để đi đến hành động thay bóng đèn và trang thiết bị mới, vừa sử dụng hiệu quả, vừa tiết kiệm điện. Những hành động được xem là nhỏ nhặt trong cuộc sống gia đình hàng ngày cũng được các em dựng thành tiểu phẩm. Hành động không dùng ca múc nước mà xả vòi nước để trực tiếp đánh răng của một em bé được xem là lãng phí cần khắc phục để tiết kiệm nước. Mỗi buổi sáng, người mẹ dùng xe đạp để đi chợ, không đi xe gắn máy với nhiều lý do: nhà gần chợ; tiết kiệm xăng, bảo vệ môi trường… Người mẹ đã trở thành tấm gương sáng, giáo dục các thành viên trong gia đình ý thức thực hành tiết kiệm bắt đầu từ những chuyện nhỏ như thế.
Mỗi bức tranh mang một chủ đề sống động, ý tưởng xe buýt công cộng vận hành bằng năng lượng mặt trời, sử dụng bóng đèn compact thay đèn sợi tóc để tiết kiệm điện, thang cuốn chỉ vận hành khi đông người. Học sinh đến trường bằng xe đạp vừa thể dục có ích cho sức khỏe, vừa tiết kiệm xăng và không gây ô nhiễm môi trường. Nhà ở thiết kế cửa sổ thông thoáng, tiếp nhận ánh sáng mặt trời, trồng cây xanh trong khuôn viên nhà, các thiết bị sinh hoạt gia đình vận hành thông qua năng lượng mặt trời và gió thiên nhiên. Mô hình biogas xử lý chất thải từ vật nuôi để tạo nguồn năng lượng sạch phục vụ sinh hoạt của con người và không tác động xấu đến môi trường… Theo họa sĩ Lê Dân - Trưởng Ban giám khảo cuộc thi vẽ tranh, các bức tranh đã thể hiện tính chân thật và thiện cảm trong tiết kiệm năng lượng. Thí sinh đến với cuộc thi bằng một tình cảm, thông qua bức tranh, vận động mọi người tiết kiệm năng lượng một cách nghiêm túc, đúng mục đích, yêu cầu.
Hội thi phụ nữ tiết kiệm năng lượng, có sự tham gia của 9 đội đến từ các huyện và thành phố. Các đội trải qua vòng thi trắc nghiệm và tiểu phẩm. Sôi động, hào hứng và hấp dẫn vẫn là phần thi tiểu phẩm. Trong gia đình, phái nữ thường trực tiếp thanh toán các khoản chi, có lúc xót xa vì chi quá nhiều. Cầm giấy báo tiền điện tiêu thụ trong tháng, có chị đổ lỗi đồng hồ điện chạy quá nhanh. Hay có chị vừa xây dựng căn nhà mới khang trang, một mực phải lắp đặt đầy bóng đèn rực rỡ, mua sắm trang thiết bị đắt tiền để “xứng tầm”. Để giải quyết vấn đề, các tiểu phẩm đều có sự xuất hiện của cán bộ phụ nữ ấp, xã đã được tiếp cận kiến thức tiết kiệm năng lượng cùng người con giải thích cho cha mẹ, người lớn tuổi hiểu nguyên nhân vấn đề. Các vật dụng sinh hoạt gia đình vận hành có liên quan đến điện, một khi cũ kỹ hoạt động phải tiêu hao nhiều điện. Trong sử dụng điện, con người thường có những thói quen bất lợi như: cho tủ lạnh tiếp xúc nguồn điện rồi ngắt, cùng một lúc nấu nướng-xem ti vi, vừa ủi đồ vừa xem ti-vi, rời khỏi phòng, ra khỏi nhà quên tắt đèn, máy lạnh, quạt, cho máy điều hòa hoạt động và ủi đồ... tiêu điện lãng phí. Bên cạnh đó, một số tiểu phẩm còn tư vấn cách sử dụng các vật dụng trong gia đình, công suất vật dụng mua sắm phù hợp nhu cầu sử dụng, tiết kiệm năng lượng nghĩa là bớt, không được thêm… Ông Huỳnh Ngọc Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM đánh giá cao phần dự thi của các đội, có chuẩn bị chu đáo kiến thức trắc nghiệm và tiểu phẩm. Các chị đã chuyển tải được vì sao phải tiết kiệm năng lượng, cụ thể nhất là việc tiết kiệm điện trong sinh hoạt gia đình và là tuyên truyền viên trong vận động cộng đồng cùng tham gia tiết kiệm năng lượng.
Ông Trương Minh Nhựt nhận xét, Ngày hội tiết kiệm năng lượng tỉnh Bến Tre năm 2010, không chỉ là sân chơi bổ ích, hấp dẫn mà có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao nhận thức, hình thành hành vi và thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả trong nhân dân. Ngày hội là chương trình mở rộng của Dự án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân”, kết thúc vào tháng 10-2010.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN