Ông Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - đầu tàu của lực lượng đối lập đang nắm quyền ở Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo tiết lộ từ Chủ tịch Uỷ ban Đàm phán Syria (SNC) Anas al-Abdah, các thành viên hàng đầu của phe đối lập Syria đã tham gia đối thoại với quan chức Nga tại Ankara và Doha trong bối cảnh có những thay đổi ở Damascus.
“Các cuộc họp và tham vấn đã diễn ra tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) và Doha (Qatar) giữa các quan chức Nga, Ủy ban đàm phán Syria và Liên minh quốc gia của các lực lượng đối lập Syria, và tại các cuộc họp này, tầm nhìn của các lực lượng đối lập về tương lai của Syria đã được thảo luận”, ông Anas al-Abda nêu rõ.
SNC được thành lập vào năm 2015 tại Riyadh, Saudi Arabia, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các quốc gia khu vực. Mục tiêu chính của SNC là giám sát các cuộc đàm phán giữa Damascus và phe đối lập nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài tại Syria thông qua các biện pháp chính trị. Ủy ban này bao gồm các lực lượng đối lập Syria.
Trong cuộc trao đổi với báo Izvestia của Nga ngày 28/12, ông Abdah cho biết hai bên đã thảo luận về tầm nhìn cho cấu trúc quản lý tương lai của Syria. Theo ông, vấn đề duy trì các căn cứ quân sự của Nga tại Syria sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận song phương giữa Moskva và Damascus. "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng dựa trên lợi ích chung của người dân Syria và Nga", ông Abdah nói.
Đáng chú ý, cho đến nay, lãnh đạo của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - đầu tàu của lực lượng đối lập đang nắm quyền ở Syria - vẫn chưa đưa ra yêu cầu Nga rút quân. Ông Grigory Lukyanov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định rằng "lập trường thận trọng của giới lãnh đạo mới ở Syria đối với các tài sản quân sự của Nga phù hợp với chiến lược rộng lớn hơn của họ nhằm đạt được tính hợp pháp trong mắt các bên liên quan trong khu vực cũng như cộng đồng toàn cầu".
Chuyên gia Lukyanov cũng lưu ý rằng HTS đang nỗ lực thể hiện mình là một thực thể hòa bình và tích cực tìm kiếm sự công nhận quốc tế cho các cơ cấu quản lý của mình. Theo ông Lukyanov, các cơ sở quân sự của Nga trên lãnh thổ Syria không gây trở ngại trực tiếp cho các mục tiêu chính trị của HTS.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến ngày 19/12 cho biết Nga vẫn duy trì quan hệ với tất cả các nhóm ở Syria và các nước liên quan trong khu vực. Ông Putin nhấn mạnh: "Phần lớn trong số họ nói với chúng tôi rằng họ sẽ quan tâm đến các căn cứ quân sự của chúng tôi còn lại ở Syria".
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - nước được cho là bảo trợ chính của chính quyền mới ở Syria - đã bày tỏ quan điểm không đồng tình. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trong cuộc phỏng vấn với kênh France 24 khẳng định: "Chúng tôi không tán thành việc duy trì bất kỳ căn cứ nào ở Syria - không chỉ của Nga, mà còn của bất kỳ căn cứ nào khác". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh quyết định cuối cùng phải do người dân Syria đưa ra.
Trong khi các cuộc đàm phán tiếp tục, tình hình an ninh tại Syria vẫn căng thẳng. Gần đây, một vụ tấn công vào đền thờ Alawite ở Aleppo đã khiến 5 thường dân thiệt mạng. Ngày 25-12-2024, các cuộc biểu tình quy mô lớn của người Alawite đã nổ ra ở Latakia, yêu cầu bảo vệ các biểu tượng và đền thờ tôn giáo. Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Muhammad Abdel Rahman thông báo 14 nhân viên của bộ đã thiệt mạng và 10 người bị thương trong một cuộc phục kích tại tỉnh Tartus.
Để đối phó với tình hình, chính quyền Syria mới đã ban bố lệnh giới nghiêm tại các tỉnh Latakia và Homs. Ngày 26/12, Bộ Tư lệnh Tác chiến Quân sự phối hợp với Bộ Nội vụ Syria đã phát động chiến dịch truy quét tại tỉnh Tartus nhằm vào các lực lượng chống đối chính quyền mới ở Damascus.