Tìm đầu ra cho trái dừa Bến Tre

27/07/2022 - 05:40

BDK - Hiện nay, giá nông sản nói chung, giá dừa khô, bưởi nói riêng trong tỉnh xuống rất thấp. Giá dừa khô tại thời điểm hiện nay chỉ dao động từ 25 - 30 ngàn đồng/chục (12 trái). Trong khi giá xăng, dầu tăng liên tục, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng theo, làm cho đời sống người nông dân gặp khó khăn.

Sơ chế dừa xuất khẩu tại xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Ngọc Vũ

Sơ chế dừa xuất khẩu tại xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Ngọc Vũ

Giá một số nông sản giảm sâu

Thời gian qua, ngành nông nghiệp (NN) đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chỉ đạo phát triển ngành NN theo hướng hiện đại, bền vững. Không chỉ khi giá dừa, bưởi xuống thấp hay giá vật tư NN tăng cao như hiện nay mà thời gian qua, ngành luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch để đưa ngành NN tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Tình trạng giá cả tăng trong khi giá một số mặt hàng nông sản không tăng, giảm sâu và kéo dài, nhất là giá dừa khô và bưởi da xanh, nguyên nhân chính là thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu trên thế giới. Giá bán dừa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơm dừa, vỏ dừa, nước dừa. Tuy nhiên, hiện tại các sản phẩm này giá giảm mạnh và gần như không xuất khẩu được do phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sản phẩm dừa chính của tỉnh và thị trường này hiện nay đang siết chặt việc nhập khẩu các loại nông sản nên lượng dừa khô xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 80%. Riêng sản phẩm chỉ xơ dừa hầu như không xuất khẩu được.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh, quan điểm nhất quán của ngành là phát triển NN nhanh, mạnh, bền vững, hội nhập thị trường. Do vậy, sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, kế hoạch như: Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm NN chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 3003/KH-UBND của UBND tỉnh, Đề án phát triển NN hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Ngày 10-6-2022, Sở NN&PTNT có Công văn số 1970 gửi đến UBND huyện, thành phố và các doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. UBND tỉnh có công văn gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương về việc hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ dừa và các sản phẩm từ dừa.

Giải pháp sản xuất dừa hữu cơ

Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: Giá cả các mặt hàng vật tư NN tăng cao, giá một số sản phẩm nông sản xuống thấp là do yếu tố thị trường, mà thị trường thì ở tầm vĩ mô, rất khó tác động để tăng giá ngay lập tức, mà chủ yếu là cần được điều chỉnh bởi thị trường. Để ngành NN phát triển bền vững, theo đúng định hướng, cũng như giảm thiểu những tác động xấu như hiện nay, ngành NN sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm. Giải pháp trước mắt, ngành sẽ phối hợp với địa phương, DN chế biến dừa nắm sản lượng dừa còn tồn đọng trong vườn và có giải pháp tăng cường thu mua hết lượng dừa tồn đọng. Ngành cũng đã họp các DN đang xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ (DHC) trên địa bàn tỉnh để thống nhất phương án áp dụng giá sàn đối với dừa đạt chứng nhận hữu cơ là 50 ngàn đồng/chục.

Về lâu dài, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sản xuất DHC, chuyển giao kỹ thuật canh tác DHC. Để giảm tối đa chi phí đầu tư vật tư cho nông dân trồng DHC, ngành tăng cường công tác tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ từ phân chuồng và phụ phẩm NN bằng vi sinh; trong đó, sở sẽ hỗ trợ kỹ thuật ủ và vi sinh ủ phân, nông dân đối ứng phân chuồng, mụn dừa và phụ phẩm NN. Cụ thể năm 2022, ngành sẽ thực hiện 160 điểm tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ cho 160 hộ tham gia trong chuỗi sản xuất DHC trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chính sách trong lĩnh vực NN như cơ cấu lại ngành NN, đề án phát triển NN hữu cơ của tỉnh, kế hoạch thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị của ngành NN. Đồng thời, ngành sẽ phối hợp với Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ DN đẩy mạnh các hoạt động chế biến dừa thành các sản phẩm dầu dừa, nước dừa đóng lon, mỹ nghệ, mỹ phẩm để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Kiều Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN