Tín hiệu vui từ những phong trào thi đua

22/01/2016 - 15:10

Lễ duyệt đội thiếu nhi Bến Tre tiến bước dưới cờ Đảng nhân Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh năm 2015. Ảnh: Song Lý

Năm 2015, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 16 của Tỉnh ủy về thi đua “Đồng khởi mới”. Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của chính mình, sự nghiệp trồng người cũng mang nhiều dấu ấn, để lại thành tích đáng ghi nhận cho năm học 2014-2015, cũng như hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010-2015.

Nhiều dấu ấn

Thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 758 của UBND tỉnh về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, ngành GD&ĐT đã phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong toàn ngành. Với những cách làm phù hợp, hướng đi đúng, thời gian qua, ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả bước đầu.

Điểm xuất phát đầu tiên được ngành tập trung thực hiện và để lại nhiều dấu ấn là hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất. Toàn tỉnh hiện có 174 trường mầm non, mẫu giáo; 190 trường tiểu học; 132 trường THCS; 32 trường THPT; 1 trường phổ thông ngoài công lập; 10 trung tâm giáo dục thường xuyên (trong đó có 1 trung tâm cấp tỉnh); 1 trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và Hướng nghiệp tỉnh; 164 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng; 2 trường cao đẳng và 3 trường trung cấp chuyên nghiệp. Ngành thực hiện tốt cải cách hành chính theo hướng sắp xếp, tinh giản bộ máy, phân cấp, phân quyền rõ ràng trong các hoạt động quản lý; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan, phát huy dân chủ cơ sở và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tăng cường năng lực tự chủ cho các cơ sở giáo dục.

Một buổi chơi vận động của các em học sinh Trường Tiểu học Phường 8,
TP. Bến Tre. Ảnh: 
Song Lý

Thành quả phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì. Tỉnh được Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào thời điểm tháng 12-2014. Trong công tác chuyên môn, các cơ sở giáo dục đã tiếp tục tổ chức dạy tích hợp lồng ghép nội dung học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân. Ngành đã hoàn thành việc chỉnh lý, biên soạn tập sách Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn địa phương cấp THCS, THPT, xây dựng các tờ bản đồ giáo khoa tỉnh phục vụ cho việc dạy học địa lý địa phương trong các trường THCS, THPT. Chất lượng giáo dục toàn diện có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp học và tỷ lệ học sinh được học tin học, ngoại ngữ tăng so với năm học trước; tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học được kéo giảm. Học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 99,69%, cao hơn 3,54% so với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hệ THPT cả nước (trong đó có 14/32 trường THPT học sinh đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100%). Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Với những thành tựu đạt được trong năm học 2014-2015, ngành được Chính phủ, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm thứ 8 liên tiếp được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Cách làm hay

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp đã làm, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Ngành đã triển khai, quán triệt phong trào thi đua “Đồng khởi mới” sâu rộng trong toàn ngành gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao đạo đức nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục qua cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về “chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” gắn với cuộc vận động “Hai không” của ngành nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm đưa ngành GD&ĐT phát triển nhanh, toàn diện và khơi dậy lòng yêu nước, tính năng động, sáng tạo, cần cù trong giảng dạy và học tập. Tạo động lực mới, đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết về lĩnh vực GD&ĐT.

Mỗi đơn vị trường học xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Nội dung cụ thể, rõ ràng, giao chỉ tiêu cho từng cá nhân, thời gian thi đua có thời điểm bắt đầu và kết thúc, có giải pháp, cách tổ chức thực hiện. Các đợt thi đua ngắn hạn gắn với các ngày kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để tạo không khí thi đua sôi nổi trong đơn vị, trong các cơ sở giáo dục.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Năng động, sáng tạo, phát huy sáng kiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý. Phát huy đạo đức nhà giáo, để thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn cho học sinh noi theo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý hoạt động dạy và học. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục. Thường xuyên kiểm tra, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào, những kinh nghiệm, hạn chế cần khắc phục, kịp thời khen thưởng, tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc sau mỗi đợt thi đua, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua cho năm tiếp sau.

Thành quả đạt được của ngành sau một năm thi đua “Đồng khởi mới” là tín hiệu vui, là tiền đề vững chắc để ngành triển khai cụ thể hóa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Để thực hiện thành công đổi mới toàn diện GD&ĐT, ngành cần phải quyết liệt hơn, mỗi thầy cô giáo phải không ngừng phấn đấu để đáp ứng yêu cầu rèn đức, luyện tài; có như vậy mới đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh tiến xa hơn nữa.

Phạm tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN