|
Cụm Công nghiệp Phong Nẫm chỉ có 2 doanh nghiệp đã đầu tư đi vào hoạt động. |
Hiện nay, toàn tỉnh có 11 cụm công nghiệp (CCN). Theo đánh giá của Sở Công Thương, việc triển khai thực hiện quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh rất chậm.
Hiện tại có 4 CCN được thành lập: CCN Thị trấn - An Đức (Ba Tri), CCN Phong Nẫm (Giồng Trôm), CCN Phú Hưng (TP. Bến Tre), CCN Bình Thới (Bình Đại). CCN Phú Hưng có tổng diện tích khoảng 50ha; đã thông qua dự án đầu tư đường vào CCN (đoạn từ CCN Phú Hưng đến Đường huyện 173 - Châu Thành), tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng. CCN Phú Hưng đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Vượng Vượng Phúc chuyên sản xuất các sản phẩm từ dừa với diện tích 0,6ha. Dự kiến trong thời gian tới di dời 79 cơ sở sản xuất trong nội ô thành phố vào CCN Phú Hưng với diện tích 12,5ha. CCN Phong Nẫm có tổng diện tích gần 42ha, hiện đã có 3 doanh nghiệp đầu tư: Công ty TNHH Ươm Mầm Xanh, Công ty Cổ phần Chế biến chỉ xơ dừa 25-8, Công ty Cổ phần thực phẩm và đồ uống dừa Mê Kông. CCN Phong Nẫm đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH một thành viên Dầu dừa thủy tinh, Công ty TNHH một thành viên Shinkwang Việt Nam, đang chuẩn bị đầu tư để sản xuất than hoạt tính. Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng phát triển kinh tế nông thôn đang xin thuê khoảng 4,2ha ở CCN Phong Nẫm để xây dựng Nhà máy liên doanh chế biến nông - thủy sản xuất khẩu. CCN Thị trấn - An Đức với tổng diện tích gần 36ha. Công ty TNHH Tỷ Thành đang xin thuê 2,4ha để sản xuất giày da.
Nhìn chung, tình hình đầu tư hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp vào CCN còn rất chậm, mặc dù tỉnh đã tổ chức rất nhiều hội nghị kêu gọi đầu tư. Để CCN phát triển bền vững, theo ông Nguyễn Văn Quới - Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm, cần khuyến khích đầu tư các dự án lớn bằng hình thức liên doanh, liên kết, cổ phần hóa, vay vốn nước ngoài; huy động và thu hút doanh nghiệp có vốn 100% của nước ngoài; phát triển mạnh mô hình công ty cổ phần để huy động vốn của các thành phần kinh tế.
Sở dĩ việc đầu tư vào các CCN còn chậm do tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập và mở rộng CCN cho đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cấp huyện chưa chủ động triển khai thực hiện do không có vốn để lập các quy hoạch chi tiết, báo cáo đầu tư, dự án đầu tư; chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Doanh nghiệp đầu tư vào phải xây dựng cơ sở hạ tầng kể cả tiền đền bù đất cho dân.
Ông Trần Văn Đấu - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng các CCN như: thực hiện ưu đãi về tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, bao gồm miễn giảm tiền thuê đất có thời hạn cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và xây nhà ở cho công nhân; thực hiện tốt việc miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật thuế hiện hành; hỗ trợ tối đa bằng 20% chi phí giải tỏa đền bù cho từng CCN, khu tái định cư; thực hiện hỗ trợ một phần vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN không quá 3 tỷ đồng/cụm; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường không quá 1,5 tỷ đồng/cụm. Ngoài ra, tỉnh nên hỗ trợ một số lĩnh vực có liên quan: hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, điện, nước, viễn thông, đào tạo nghề, tuyển dụng lao động… Trung tâm Xúc tiến đầu tư tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu tiềm năng, lợi thế, ngành nghề để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào CCN.
Theo Quyết định số 630 ngày 16-4-2015 của UBND tỉnh, từ năm 2016-2020, toàn tỉnh có 11 CCN với tổng diện tích gần 360ha, gồm: CCN Bình Thới (Bình Đại); CCN Thị trấn - An Đức, CCN An Hòa Tây (Ba Tri); CCN Phong Nẫm (Giồng Trôm); CCN Cảng An Nhơn, CCN thị trấn Thạnh Phú (Thạnh Phú); CCN Sơn Quy (Chợ Lách); CCN Khánh Thạnh Tân, CCN Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc); CCN Phú Hưng (TP. Bến Tre).
|