Tình hình Mali rối ren, Tổng thống I.Keita giải tán Tòa án Hiến pháp

12/07/2020 - 15:41

Tòa án Hiến pháp là tâm điểm gây tranh cãi ở Mali kể từ tháng 4 năm nay sau khi tòa án này đảo ngược đảo ngược kết quả tạm thời của cuộc bầu cử Quốc hội, châm ngòi cho các cuộc biểu tình tại nước này.

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita ngày 11-7-2020 tuyên bố giải tán Tòa án Hiến pháp sau nhiều tuần căng thẳng chính trị gia tăng và xảy ra bạo động lớn.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thông Keita nêu rõ "Tôi đã quyết định bãi bỏ giấy phép của các thành viên còn lại thuộc Tòa án Hiến pháp... Quyết định giải tán tòa án này sẽ cho phép chúng ta, kể từ tuần tới, yêu cầu giới chức liên quan bổ nhiệm những thành viên mới để tòa án trên sau khi được cải tổ có thể nhanh chóng giúp chúng ta tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng nổi lên từ cuộc bầu cử Quốc hội."

Tòa án Hiến pháp đã là tâm điểm gây tranh cãi ở Mali kể từ tháng 4 năm nay sau khi tòa án này đảo ngược đảo ngược kết quả tạm thời của cuộc bầu cử Quốc hội, châm ngòi cho các cuộc biểu tình tại một số thành phố tại Mali.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Thủ tướng Mali Boubou Cisse cam kết sẽ nhanh chóng thành lập một chính phủ “sẵn sàng đối mặt với những thách thức.”

Phát biểu trong chuyến thăm một bệnh viện, ông Cisse cho biết Tổng thống Keita và ông vẫn sẵn sàng đối thoại. Ông sẽ sớm thành lập một chính phủ có khả năng đối mặt với những thách thức hằng ngày.

Theo lời kêu gọi của phong trào phản kháng tại Mali do Liên minh các đảng phái thuộc phe đối lập - gọi là Tuần hành của lực lượng yêu nước (RFP), ngày 10-7, hàng nghìn người đã tập trung tại quảng trường trung tâm thủ đô Bamako để yêu cầu Tổng thống Keita từ chức.

Người dân đã bày tỏ thất vọng sâu sắc đối với sự yếu kém của chính quyền, khi quốc gia thuộc khu vực Sahel này đang chìm trong sự gia tăng các cuộc tấn công thánh chiến và bạo lực giữa các cộng đồng sắc tộc, khiến nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, các dịch vụ công cộng (y tế, giáo dục…) thiếu thốn trầm trọng cũng như nạn tham nhũng tràn lan.

Bạo lực đã bùng phát ngay sau đó khi những người biểu tình chặn các tuyến phố chính của thủ đô, tấn công trụ sở Quốc hội và tiến vào đài truyền hình quốc gia. Theo các nhân chứng, đã có thêm 2 nhân vật cấp cao trong phong trào đối lập tại Mali đã bắt giữ chỉ một ngày sau khi diễn ra những cuộc biểu tình trên

Ông Cisse trở thành Thủ tướng Mali hồi năm 2019 và Tổng thống Keita tái bổ nhiệm ông vào ngày 11-6 vừa qua sau cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hồi tháng 3 và tháng 4-2020.

Nhiều tháng sau cuộc bầu cử này, Mali - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, vẫn chưa thành lập được chính phủ. Tổng thống Keita đang cố gắng xoa dịu phong trào đối lập, đồng thời để ngỏ khả năng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, tuy nhiên phe đối lập đã bác bỏ những nỗ lực của ông, kiên quyết yêu cầu ông phải rời bỏ quyền lực.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN