
Triều cường làm sạt lở đất hộ dân ven biển. Ảnh: CTV
Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương - Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện cho biết, Ba Tri là một trong những huyện của tỉnh liên tục chịu sự tác động của biến đổi khí hậu. Hàng năm, tình trạng xâm thực bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều tuyến đê, công trình PCTT, khu vực đất quốc phòng, bờ sông, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài trên 4,7km, đã làm mất khá nhiều diện tích đất sản xuất của người dân cũng như đất rừng phòng hộ ven biển. Các hộ dân dọc theo bờ biển bắt buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Đặc biệt, tình trạng sạt lở còn có khả năng ảnh hưởng đến các công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng của khu vực hiện có như: Tuyến đê biển Ba Tri, cầu Đường Tắc, tuyến kè khu du lịch biển cồn Nhàn, hạ tầng giao thông đường bộ… Trong đó, khu vực chưa có công trình PCTT là một trong các điểm sạt lở nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tính mạng, đời sống, sản xuất của hơn 4.500 hộ dân. Tại cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, có 115 hộ bị ảnh hưởng, làm sập hoàn toàn 4 căn, di dời đi nơi khác 11 căn, hư hỏng hoàn toàn 100m đường bê-tông, sạt lở hoàn toàn 650m bờ bao. Diện tích bị ảnh hưởng khoảng 535ha đất (từ năm 2004 đến nay mất 16ha đất rừng phòng hộ ven biển, thiệt hại hoàn toàn 45ha hoa màu của người dân).
Khu vực sạt lở dài khoảng 4,7km chia làm 2 đoạn chính. Đoạn 1: Đoạn bờ biển dài khoảng 1,7km (từ khu vực cửa Rạch Tràng Nước đến đầu kè - điểm du lịch cồn Nhàn), với mức độ sạt lở khá nghiêm trọng 20m : 30 m/năm, làm hư hỏng nhà cửa và hoa màu của nhiều hộ dân. Tại khu vực này, hiện đã được gia cố bằng cừ dừa và bao tải cát khoảng 700m. Tuy nhiên, các công trình tạm này sẽ không thể chịu nổi tác động của sóng biển trong thời gian tới nếu không có các giải pháp công trình bền vững thay thế.
Đoạn 2: Đoạn bờ biển dài khoảng 3km (từ cuối kè bê tông - điểm du lịch cồn Nhàn đến cửa Rạch Đường Tắc), với mức độ sạt lở nghiêm trọng 15m : 20m/năm, làm sạt lở đất rừng phòng hộ, hư hỏng nhà cửa và hoa màu của nhiều hộ dân. Trong đó, có trên 1km hiện đang bị xói lở, xâm thực mạnh, nhất là khu vực tiếp giáp với công trình kè bê-tông.
Huyện, xã đã huy động các nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục tạm thời các vị trí sạt lở, gia cố bằng cừ tràm, bao cát nhưng không chống chịu được trong mỗi đợt triều cường, sóng lớn xảy ra. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Dương Văn Chương - Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, huyện kiến nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tham mưu UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển khu vực huyện Ba Tri. Sớm đầu tư xây dựng Dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri để khắc phục hậu quả sạt lở do triều cường sóng to làm sạt lở gây thiệt hại đến quá trình sản xuất và cuộc sống của các hộ dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời, đảm bảo an toàn phát triển du lịch sinh thái biển và hiện trạng đất đai (trong đó có đất quốc phòng) tại huyện Ba Tri.
Trần Quốc