Tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả hơn các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

23/05/2013 - 16:59
Đưa vào sử dụng Nhà máy nước Phú Đức (Châu Thành). Ảnh: Hữu Hiệp

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong 3 năm qua, Bến Tre đã tổ chức triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả thiết thực, làm thay đổi lớn bộ mặt nông thôn, từng bước chăm sóc tốt hơn sức khỏe, đời sống người dân. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới nhiều nhà máy nước, số hộ dân sử dụng nước sạch ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, cần chấn chỉnh.

Những công trình cấp nước tập trung

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn vốn chương trình ngân sách tỉnh và người dân đóng góp, tỉnh đã triển khai thực hiện hoàn chỉnh và đưa vào khai thác nhiều công trình cấp nước tập trung. Cụ thể như Nhà máy nước An Phú Trung (Ba Tri), công suất 40m3/h, trong đó Trung tâm NS&VSMTNT đã tự nghiên cứu đầu tư nâng công suất lên 50m3/h, hoạt động năm 2010, cung cấp nước sạch cho 2.053 hộ ở hai xã An Ngãi Trung, An Phú Trung. Nhà máy nước Tân Hào (Giồng Trôm), công suất 40m3/h, hoạt động năm 2011, hiện đã cung cấp nước sạch cho 2.400 hộ dân các xã: Tân Hào, Long Mỹ, Tân Lợi Thạnh. Nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Long Định (Bình Đại), công suất từ 20m3/h lên 60m3/h trong năm 2011, phục vụ tăng thêm 1.600 hộ dân, nâng tổng số hộ dân toàn xã lên 2.400 hộ, và phục vụ cho hộ dân các xã: Phú Thuận, Châu Hưng, Long Hòa, Long Định. Xây mới Nhà máy nước Phú Đức (Châu Thành), công suất 50m3/h, hoạt động cuối năm 2012, cung cấp cho 2.000 hộ dân ở các xã Quới Thành, Phú Đức, Tân Phú.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây mới, mở rộng các công trình như nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Tân Mỹ (Ba Tri), công suất 165m3/h lên 330m3/h, thực hiện năm 2012-2013. Dự kiến Nhà máy nước sẽ phục vụ từ 6.000 hộ lên khoảng 12.000 hộ trong phạm vi 15 xã và thị trấn. Dự án có qui mô tương đối lớn, được chia làm 3 gói thầu, hiện đã hoàn thành gói thầu số 1 nâng cấp Nhà máy công suất 165m3/h lên 330m3/h, Trạm tăng áp Phú Lễ và gói thầu số 2 tuyến ống từ Nhà máy đến Trạm tăng áp Phú Lễ (Ba Tri); đang triển khai gói thầu số 3 tuyến ống đến xã Vĩnh Hòa, Bảo Thạnh và một số tuyến thuộc Dự án. Đang xây dựng, nâng cấp mở rộng Nhà máy nước Tiên Thủy (Châu Thành), công suất 20m3/h lên 60m3/h, nâng số hộ dân được phục vụ từ 1.852 hộ lên 2.740 hộ, thuộc các xã:Tiên Long, Tiên Thủy, Quới Thành. Nâng cấp và mở rộng Nhà máy nước Hưng Nhượng (Giồng Trôm), công suất 10m3/h lên 30m3/h, dự kiến phục vụ 1.000 hộ dân xã Hưng Nhượng. Hiện Trung tâm cũng đang tổ chức lập dự toán, thiết kế các dự án đã được duyệt như: Nhà máy nước Vĩnh Hòa (Chợ Lách), công suất 100m3/h; Nhà máy nước Thạnh Phước (Bình Đại), công suất 120m3/h. Một số công trình khác được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, đang tổ chức lập dự án như: Nhà máy nước Hưng Phong, Châu Bình (Giồng Trôm).

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát Nhà máy nước An Phú Trung (Ba Tri).

Nhìn chung, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư các nhà máy nước nhưng bằng nhiều nguồn vốn trong nước và quốc tế từ năm 1987 đến nay, Bến Tre đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án cung cấp nước sạch nông thôn hiệu quả như: nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của tỉnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia NS&VSMTNT, Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế Giới, Chính phủ Úc, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc và nhiều nguồn vốn khác của doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình. Song, do nguồn vốn của địa phương có hạn nên đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 80% dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong đó, có khoảng 34% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo chuẩn qui định của Bộ Y tế. Dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ có 82% dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 36% dân cư sử dụng nước sạch.

Những công trình vệ sinh môi trường

Riêng về vệ sinh nông thôn, từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn vốn phân bổ của Chương trình mục tiêu Quốc gia NS&VSMTNT, các huyện đã xây dựng hoàn thành 3.294 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh cho 3.294 hộ gia đình nông thôn. Trong đó, Bình Đại 200 công trình, Ba Tri 400 công trình, Mỏ Cày Nam 400 công trình, Giồng Trôm 545 công trình, Mỏ Cày Bắc 396 công trình, Thạnh Phú 400 công trình, Chợ Lách 482 công trình, Châu Thành 421 công trình, TP. Bến Tre 90 công trình. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, người dân tự đầu tư, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay đã có hàng ngàn hộ đầu tư xây dựng nhà vệ sinh.

Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%, trạm y tế đạt 98,8%, hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 37%, hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 31%. Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, cấp nước cho các trường học đã hoàn thành 100%. Các trạm y tế xã cũng được đầu tư đạt mục tiêu đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2013, tỷ lệ trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%, hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 34%, hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 40%. Về nguồn vốn, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã được phân bổ 344,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương, viện trợ quốc tế 90,505 tỷ đồng, ngân sách địa phương 8,405 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi 98,236 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 147,354 tỷ đồng. Hiện nhu cầu vốn giai đoạn 2010-2013 là 772,835 tỷ đồng, nhưng tỉnh chỉ huy động được 344 tỷ đồng, chiếm khoảng 47,6%.

 Việc cung cấp nước sạch cho người dân sống tại vùng sâu, vùng xa, ven ruộng, vườn cực kỳ khó khăn, vì ở nông thôn chỉ có khoảng 60% dân cư sống tập trung, còn lại đều sống rải rác, phân tán. Nguồn đầu tư vốn cho nước sạch rất thấp so với nhu cầu (hơn 200 tỷ đồng mỗi năm).

Hơn 799 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư giai đoạn 2013-2015

Tỉnh xác định nguồn vốn đầu tư để đáp ứng mục tiêu theo nhu cầu giai đoạn 2013-2015 cần có 799,06 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương, vốn tài trợ quốc tế, vốn khác 313,75 tỷ đồng, chiếm 39,26%; ngân sách địa phương 73,22 tỷ đồng, chiếm 9,16%; vốn nhân dân đóng góp 250,82 tỷ đồng, chiếm 31,39%. Hiện toàn tỉnh có đến 320.000 hộ dân nông thôn cần cấp nước sạch, kinh phí đầu tư công trình cấp nước, suất đầu tư lớn, tới 2,6 triệu đồng/người, 10,4 triệu đồng/hộ. Để tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy nước có hiệu quả cao, cần phải tập trung tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành; có cơ chế, chính sách phù hợp, nâng cao kỹ thuật, công nghệ, quản lý công trình sau đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, tập trung tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân như ưu đãi về mặt bằng, hỗ trợ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, linh động trong chính sách thuế. Tỉnh phải có nguồn vốn đối ứng cho công tác chuẩn bị đầu tư để lập chương trình, dự án đón đầu đảm bảo tính khả thi và điều kiện theo yêu cầu của nhà tài trợ, của Chính phủ. Hạn chế xây dựng các công trình qui mô, ưu tiên nâng cấp, mở rộng các công trình hiện có để nâng cao hiệu quả đầu tư. Tổ chức khai thác hết công suất và quản lý tốt công trình sau đầu tư (hiện Trung tâm đang quản lý, khai thác 50 nhà máy nước toàn tỉnh, công suất 1.000m3/h). Áp dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương nhằm cung cấp nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho người dân.

Tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, như: trong mùa khô nước từ biển Đông xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền, nhiễm mặn nguồn nước mặt với trên 2/3 diện tích toàn tỉnh. Độ mặn 4 %O cách cửa sông từ 50 đến 60km, độ mặn từ 1-1,2 %O gần như bao phủ toàn tỉnh. Thời gian mặn kéo dài, gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống người dân nông thôn, nhất là nước ngọt sinh hoạt hàng ngày. Mùa mặn mới đây, giá nước ngọt thô tại một số huyện biển có lúc lên đến trên 100.000đ/m3. Mặt khác, nguồn nước ngầm toàn tỉnh đều bị nhiễm mặn không đạt tiêu chuẩn để đưa vào sử dụng.

(Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích