|
Ông Nguyễn Văn Tài đang chăm sóc vườn mai chiếu thủy. Ảnh: L.S.L |
Với sự nỗ lực của địa phương cộng với sự quan tâm của các cấp, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách được đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, phá thế biệt lập. Những mô hình trồng hoa kiểng, cây giống, tổ hợp tác cây giống - hoa kiểng đã góp phần khai thác lợi thế tiềm năng của vùng đất, làm cho bộ mặt của Phú Sơn ngày càng khởi sắc.
Trước đây, xã Phú Sơn có 2 tổ sản xuất cây giống và sản xuất
hoa kiểng, với quy mô nhỏ lẻ, chưa phát huy được thế mạnh. Từ nhu cầu phát
triển, 2 tổ sản xuất này được sáp nhập thành 1. Tổ hợp tác (THT) chính thức
được thành lập vào tháng 11-2013, gồm 25 thành viên của 2 ấp Lân Tây, Lân Nam.
Đến nay, THT đã phát triển, nâng tổng số lên 52 thành viên. Ngoài việc hỗ trợ
vốn, khoa học kỹ thuật, THT còn giúp người dân mở rộng thị trường tiêu thụ. Mỗi
thành viên trong THT thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hàng tháng, THT đều duy trì việc họp sinh hoạt, với sự tham
gia đầy đủ của các thành viên. Qua đó, các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh
nghiệm, thông tin về thị trường tiêu thụ. THT đã phối hợp với Chi cục Phát
triển nông thôn hỗ trợ các tổ viên trang bị mô-tơ, vòi phun nước tự động, phân
bón, bình xịt điện… THT thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn theo nhu cầu
tìm hiểu về cây giống, hoa kiểng cho các tổ viên. Nhờ đó, tình làng nghĩa xóm
càng thêm gắn kết.
Ông Nguyễn Văn Tài - Tổ phó THT chia sẻ: Gia đình tôi có 4
người. Sản xuất cây giống - hoa kiểng là nghề gia truyền. Mỗi năm, gia đình sản
xuất trên 10 ngàn cây giống (bơ, xoài, bưởi). Trước đây, do hoạt động nhỏ lẻ,
sản phẩm tiêu thụ thường bị thương lái ép giá, thị trường tiêu thụ bó hẹp. Từ
khi gia nhập THT, tôi cũng như các tổ viên khác được hỗ trợ vốn mua sắm thiết
bị, cây giống… Năm 2014, tôi được hỗ trợ tiếp cận vốn vay ngân hàng, với lãi
suất ưu đãi. Có gia đình được xét vay không có lãi. Sau 3 năm THT hoạt động
(tính luôn khoảng thời gian chưa sáp nhập), THT đã được hỗ trợ trên 250 triệu
đồng. Đặc biệt, các tổ viên được học tập kinh nghiệm lẫn nhau, được tổ chức tập
huấn kỹ thuật những lúc cần thiết. Từ đó, tay nghề của các tổ viên ngày càng
nâng lên. Số hộ tham gia THT ngày càng đông.
Ông Phan Văn Sĩ, ấp Lân Tây - tổ viên THT cho biết: “Từ ngày
tham gia THT, tôi được mở rộng thêm kiến thức về khoa học kỹ thuật trong trồng
trọt. Gia đình có 1ha đất được hỗ trợ vốn trang bị vòi phun nước tự động, chỉ
cần 15 phút hoạt động là nước tưới cây trồng cả vườn”. Nhờ đầu tư cơ giới hóa,
chi phí đầu vào giảm, tăng lợi nhuận, cuộc sống gia đình ông từng bước được cải
thiện. Ngoài ra, ông Sĩ và các thành viên trong THT còn tìm tòi, học hỏi để
nâng cao chất lượng cây giống, thị trường tiêu thụ rộng, giảm dần tình trạng bị
thương lái ép giá.
Xã Phú Sơn là 1 trong 25 xã của tỉnh được chọn làm điểm thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình
mới được triển khai xây dựng, tạo diện mạo mới cho vùng quê Phú Sơn. THT sản
xuất cây giống - hoa kiểng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập, cải
thiện cuộc sống người dân. Ông Võ Tấn Đức - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú
Sơn cho biết: Từ lúc nông dân gia nhập THT, kinh tế gia đình khá hơn nên nhiều
tổ viên đã mạnh dạn ủng hộ vào việc xây đường giao thông xóm, ấp. Nhà cửa tổ
viên được sửa sang, xây mới…, làm cho diện mạo trong ấp, trong xã ngày càng
khởi sắc. Không chỉ đẹp do hoa kiểng sẵn có mà toàn xã như được khoác thêm áo
mới. Nhà vườn Phú Sơn nở rộ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh. Hiện Hội
Nông dân xã đang xúc tiến xây dựng mô hình THT cho các ấp còn lại.