Sau đêm vượt quốc lộ 6, sáng mùng 10, chúng tôi đang ở xã
An Khánh - huyện Châu Thành để chuẩn bị vượt sông Cửu Long. Mặt trời mới ló dạng,
sương mù dày đặc, trời se lạnh, tôi ra sân nhà tập vài động tác thể dục trong rừng
dừa rậm vẫn còn mờ tối. Bỗng ba chiếc máy bay Dacota giăng hàng ngang từ thượng
nguồn sông Cửu Long, cập theo phía hữu ngạn, ngược chiều gió chướng, bay rất thấp
từ Phú Đức, Phú Túc đến An Khánh. Nhìn lên khoảng không, thấy máy bay phun thứ
gì trắng mù trời. Tiếng mõ báo động liên hồi. Tiếng súng trường từng chập nổ
theo máy bay địch. Tiếng la í ới, thất thanh từ Phú Túc chạy dài đến Kinh Điều:
“Bà con ơi! Máy bay Mỹ rải chất độc!”. Chất độc hòa với sương mù rơi ướt lá dừa,
lá chuối và mọi thứ cây cỏ, rơi lộp độp trên nóc nhà. Đầu, mình, quần áo tôi
như ướt tự bao giờ, như vừa dầm phải mưa phùn. Người tôi khó thở, nóng cổ và
ho. Bà con lại la lên: “Mau chạy vô nhà”. Có ai đó bảo lấy khăn, rồi đái trong
khăn bịt mắt bịt mũi lại. Trước đây tuyên huấn chúng tôi có hướng dẫn cho đồng
bào hễ gặp chất độc, hơi cay của giặc thì nên tẩm nước đái vào khăn bịt mũi bịt
miệng lại sẽ chống đỡ được. Lúc này tôi quên đi. Tôi cố tiểu mà tiểu không ra.
Mấy người chung quanh cũng như tôi sao mà ai nấy cũng tiểu không ra. Một vài đứa
bé tiểu được hứng vào ca. Mấy người chung quanh ráp xin chia người chút nước tiểu.
Cả xóm đều ho. Cả xóm đều nóng cổ. Vài đứa con nít ho ra máu. Chất độc mới thấm
xuống đó mà hầu như tất cả cỏ, và loại lá cây mỏng như bông bụp đều héo xụ cả.
Những cây có lá dày, lá dừa chưa thấy gì. Bầy gà con đang bươi rác bỗng lăn ra
giãy chết. Chó, mèo cũng ho sù sụ rút vào xó.
Có lệnh đấu tranh! Các mẹ, các chị, các cháu mới đó mà đã
tập trung hàng trăm người. Mỗi người mang theo lá cây héo, cỏ héo, gà chết, những
em bé bị sốt và ra máu, ùn ùn kéo xuống Quận trưởng Trúc Giang, kéo lên Tỉnh
trưởng khóc la đòi chúng buộc Mỹ ngừng rải chất độc, cứu chữa bà con. “Chúng
tôi là con dân quốc gia, An Khánh chỉ cách con sông là qua tới thành phố Mỹ
Tho, có phải căn cứ Việt cộng đâu mà Mỹ cũng hủy diệt chúng tôi!”. Hàng ngàn đồng
bào các xã trên tuyến sông mới vừa bị chất độc tiếp tục kéo đi đấu tranh. Bà
con tại Thị xã nhiệt tình hưởng ứng cuộc đấu tranh “sao mà ác quá!”. Nhiều người
chạy về vườn cũ xem thiệt hại thế nào.
Tàu giặc ngăn, không vượt sông được, chúng tôi phải trụ lại
vài ngày tại An Khánh. Có dịp tôi đi khắp xã lá cây đều héo, cây chết. Về đêm
nghe tiếng củ hủ dừa bị chất độc kích thích làm nó nở bung ra nghe bốp bốp rùng
rợn. Từng ngọn dừa cả trái và lá rơi nguyên dề xuống đất nghe ầm ầm đều vườn.
Không ai dám đi gần gốc dừa. Rừng dừa An Khánh, Phú Túc, Phú Đức không còn đọt
như rừng chông chĩa thẳng lên trời sẵn sàng thách thức quân thù. Chuối, xoài,
cam, quýt, bòn bon, dâu, măng cụt... đều chết hết. Vùng rộng lớn dài hàng chục
cây số thật sự là vùng đất chết.
Sự sản, nguồn sống của mỗi gia đình đều mất sạch. Các cuộc
đấu tranh liên tiếp xảy ra.
Du kích và bà con bàn bạc lập thế trận chiến đấu mới tổ
chức cuộc sống trên vùng đất chết.
Về đêm tàu giặc vẫn ngăn sông, Hai Lùn - trưởng trạm đầu
cầu tổ chức cho chúng tôi vượt sông bằng xuồng máy đuôi tôm vào buổi trưa nắng
gắt, tất cả chúng tôi đều nằm mọp trong khoang lấy đệm đậy lại và vượt sông.
Gần mươi ngày vượt quốc lộ 4, băng đồng Tháp Mười đất nứt
nẻ, lên biên giới Campuchia, xuyên qua rừng Nhum Tây Ninh, đến trạm Lò Gò và
vào sâu trong rừng đến Trường Báo chí R. Đây là khu rừng bạt ngàn nguyên sinh,
có rất nhiều cây cổ thụ như bằng lăng, gõ, dầu, dây gùi, dây leo hoang dại phủ
ngọn cây chót vót gần như không thấy mặt trời.
Người mà chúng tôi gặp đầu tiên là anh Sáu Bùi (Bùi Tấn Mỹ,
ủy viên Ban Tuyên huấn T2 phụ trách báo chí) và anh Thanh Nho, Giám đốc Đài
Phát thanh Giải Phóng cũng là Hiệu trưởng Trường Báo chí R. Các anh mặc bà ba
xám, rách, mặt vàng xanh như bị rét rừng.
Sau hồi trà quạu pha trong bình ton úp ngược xuống ca, vừa
uống trà vừa ăn gừng với đường tán, tôi mới kể trên đường đi, chúng tôi bị trận
mưa chất độc hóa học phát quang của Mỹ. Với tính nhạy cảm của nhà báo, hai anh
liền bảo tôi trong lúc chờ đợi ngày khai giảng, đồng chí viết bài tường thuật
hoặc phóng sự trận rải chất độc vừa qua để tố cáo Mỹ ngụy trước dư luận trong
nước và thế giới, kịp gởi cho Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh do
Bectrand Roussel sắp họp.
Tôi nghĩ - Chà! gay quá! Mình ở tỉnh chỉ là tay ngang làm
báo chứ có học hành gì đâu. Mình chưa học mà bị Thủ trưởng báo chí T2 và thầy
Hiệu trưởng bắt mình làm bài thi rồi! Thôi liều vậy! Một chữ cũng thi, hai chữ
cũng thi!
Tôi giăng võng dưới tán cây rừng, lúc ngồi, lúc nằm mà viết.
Viết một mạch đến ngày sau nộp bài khẩn trương như nhà báo lành nghề. Tôi đưa
anh Sáu Bùi sửa dùm. Anh Sáu không sửa mà góp ý. Tôi thêm bớt cũng khá nhiều và
chỉnh đốn bài phóng sự xong. Tôi rất hài lòng. Nếu ở tỉnh thì tôi đã cho in vào
báo rồi. Tôi liền gặp anh Thanh Nho, xin anh sửa thẳng vào để tôi viết lại. Hết
sức chân tình, anh sửa từ câu, từ chữ, từ ý. Gần như anh sửa hết bài của tôi,
chữ đỏ từ trên xuống dưới. Thật tình khi nhận bài, nhìn sơ qua, tôi có phần tự
ái. Đọc kỹ thì tôi lại phục ông thầy Thanh Nho. Sao mà cắt câu của tôi hết sức
ngắn gọn. Sửa những từ rất sáng. Còn ý thì anh mạnh dạn bỏ những ý chủ quan, mà
để cho sự việc tự nó nói, nên khá xúc động, khá thuyết phục.
Trong một buổi, tôi chỉnh lại theo ý của thầy và nộp bài
cho thầy.
Ngay ngày hôm sau, Đài Phát thanh giải phóng, rồi Đài Tiếng
nói Việt Nam liên tiếp phát bài phóng sự về việc Mỹ rải chất độc hóa học ở xã
An Khánh.
Đây quả là một phần thưởng cho người học trò sắp vào Trường
Báo chí R (mật danh Trung ương Cục miền Nam).
Mấy ngày sau, anh Thanh Nho gặp tôi niềm nở bắt tay chúc
mừng. Anh nói: “Bài của anh được dịch 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc,
phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng kịp gởi quốc tế đã sử dụng. Vậy là có
tác dụng! Nhân lúc đồng chí học ở đây hãy tiếp tục viết về các mặt của cuộc kháng
chiến ở Bến Tre còn nóng hổi để gởi cho Đài”.
Hơn 3 tháng học tập, thầy Thanh Nho và các thầy như Bùi
Kinh Lăng bên văn nghệ, Trần Bạch Đằng lãnh đạo Tuyên huấn R đã dạy tôi rất nhiều
về chuyên môn, còn giao tôi phụ trách tờ nội san của trường. Cuối khóa học tôi
được may mắn dự với tư cách là đại diện Báo Chiến Thắng tỉnh Bến Tre và phát biểu
ý kiến trong đại hội các nhà báo dân chủ và yêu nước miền Nam Việt Nam. Trong đại
hội, tôi được làm quen và học hỏi với nhiều nhà báo đàn anh như Nhĩ Mục từ Sài Gòn
ra, Tiêu Như Thủy ở T1, anh Sáu Bùi ở T2, anh Hai Khuynh ở T3 mà chúng tôi đặt
cho cái tên Bê-tô-côm, cùng các nhà báo ở các tỉnh miền Nam. Các anh ở các khu
kể trên và tôi đại diện cho báo các tỉnh được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo
dân chủ và yêu nước miền Nam Việt Nam cho đến ngày 7-7-1976. Sau ngày thống nhất
đất nước thì hai hội Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Dân chủ và yêu nước miền
Nam Việt Nam đã thống nhất thành Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi tiếp tục ở trong Ban
Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đến hết nhiệm kỳ 5 năm.