Từ trái sang: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: Quốc Hùng
Tại điểm cầu tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chủ trì hội nghị.
Tiếp thu NQ Trung ương 5, khóa X, BTV Tỉnh ủy tổ chức triển khai, quán triệt và cụ thể thành các NQ, chương trình, chỉ thị, kế hoạch để tổ chức thực hiện sát với tình hình địa phương. Qua 15 năm thực hiện NQ, kết quả nổi bật là đổi mới công tác cán bộ một cách mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ tất cả các khâu: xác định tiêu chuẩn cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… Phát huy dân chủ trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước, tính năng động sáng tạo của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc giới thiệu đảng viên để bầu cử, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức trong hệ thống chính trị đúng quy định. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, vai trò quản lý, giám sát của tổ chức đảng đối với cán bộ, đảng viên, nâng cao vai trò, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Lãnh đạo chặt chẽ công tác phối hợp giữa các cấp ủy, tổ chức đảng với các cơ quan nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm đối với công việc và thái độ phục vụ nhân dân. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng được đổi mới, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là giảm hội họp, tăng cường đi cơ sở, coi trọng việc sơ kết, tổng kết thực tiễn.
Đối với Kế hoạch số 23, BTV Tỉnh ủy phân công 157 cán bộ cấp tỉnh theo dõi, hỗ trợ 157 xã, phường, thị trấn; cấp huyện phân công gần 700 cán bộ cấp huyện về hỗ trợ 986 ấp, khu phố; cấp xã phân công hơn 6.000 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách về hỗ trợ hơn 14.000 tổ nhân dân tự quản (NDTQ) trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm, việc thực hiện quy chế làm việc của đảng ủy xã, phường, thị trấn và chi bộ ấp, khu phố đi vào nền nếp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ nét. Các nội cụ thể hóa thực hiện NQ Đại hội Đảng các cấp, chương trình, chỉ thị, kế hoạch, quy định của cấp trên ngày càng phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng hơn; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được đề cao. Việc ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” được thực hiện đi vào nền nếp, khẳng định sự quyết tâm và hiệu quả trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo chủ trương hướng về cơ sở đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Qua đây giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh gắn bó mật thiết với nhân dân ở địa bàn dân cư; kịp thời nắm chắc tình hình cơ sở, truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên nhất là về đạo đức lối sống. Thông qua việc đi cơ sở, giúp cán bộ lãnh đạo các cấp theo dõi, nghiên cứu, nắm bắt toàn diện các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện. Việc triển khai thực hiện nội dung “4 nắm”, “4 góp” và “3 kiểm” được vận dụng ngày càng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và hiệu quả.
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Quốc Hùng
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những nội dung xoay quanh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của từng cấp ủy đối với hệ thống chính trị ở địa phương, góp phần xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; những khó khăn, vướng mắc công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, việc nhận xét, đánh giá cán bộ. Các đại biểu cũng khẳng định, việc thực hiện phương châm: “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” mang lại hiệu quả, tháo gỡ điểm nghẽn thông tin, góp phần rất lớn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quốc Hùng
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đề nghị các cấp ủy phát huy những kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khắc phục các hạn chế, khuyết điểm.
Đối với NQ Trung ương 5, khóa X, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng thực hiện đúng phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ theo phương châm “Đúng vai, thuộc bài”, “Gần dân, sát cơ sở”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của Đảng và hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới việc cụ thể hóa NQ của từng cấp ủy, bám sát thực tiễn, đánh giá tác động, bố trí nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ tập thể, cá nhân, kiểm tra, giám sát thực hiện; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là năng lực phân tích, dự báo, ứng phó và các thách thức, biến động của tình hình. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội; ban hành rõ quy chế, thực hiện đúng quy chế, không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng hoặc bao biện làm thay. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định, ban hành chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình địa phương; tập trung vào việc ban hành NQ, kiểm tra thực hiện NQ gắn với quy chế làm việc và đội ngũ cán bộ tổ chức thực hiện. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan chủ trì và người đứng đầu trong triển khai thực hiện NQ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên nếu có chỉ tiêu NQ không đạt. Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, điều hành của chính quyền các cấp, kịp thời cụ thể hóa các NQ, chủ trương của Đảng thành chính sách của Nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả; kiên quyết khắc phục tình trạng NQ trúng, đúng nhưng triển khau thực hiện đạt kết quả thấp. Quan tâm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào chiều sâu; đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, cơ quan nhà nước và người đứng đầu trong việc tiếp công dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, coi việc phát huy dân chủ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với nhiệm vụ chính trị, nhất là công tác dân vận của cơ quan nhà nước; tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác triển khai, quán triệt NQ; tạo sự đồng thuận, phát huy động trí tuệ, sự tham gia của người dân, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; kết nối huy động sự góp ý, giúp đỡ đầu tư từ bên ngoài.
Đối với Kế hoạch số 23 của BTV Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy hướng về cơ sở theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”. Các cấp ủy, cán bộ được phân công cần tiếp tục nghiên cứu sâu nội dung Quy định số 13-QĐ/TU của BTV Tỉnh ủy, tập trung công tác xây dựng Đảng theo phương châm “4 nắm”, “4 góp”, “3 kiểm”, gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 17-1-2020 của BTV Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, để phát động trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các văn bản cụ thể hóa thực hiện NQ đại hội. Hỗ trợ cấp ủy cơ sở xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo NQ số 03-NQ/TU ngày 18-1-2021 của Tỉnh ủy. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng và hệ thống chính trị. Tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương của các đồng chí được phân công và BTV các huyện ủy, thành ủy; thực hiện đầy đủ nội dung theo dõi, hỗ trợ, duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa cán bộ theo dõi, hỗ trợ với BTV các huyện ủy, thành ủy. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và đi vào nội dung “4 nắm”, “4 góp”, “3 kiểm”. Cán bộ được phân công và các cấp ủy thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn khi đi cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò làm cầu nối, truyền tải chủ trương của Tỉnh ủy đến địa phương để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung việc phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn cho phù hợp; cấp huyện, xã tổ chức họp định kỳ đối với cán bộ được phân công, theo dõi, hàng năm tổ chức sơ đánh giá. Nâng cao chất lượng nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, cung cấp kịp thời, đầy đủ các nội dung chỉ đạo, định hướng của tỉnh để cán bộ cấp tỉnh kịp thời truyền đạt đến địa phương theo dõi, hỗ trợ.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các ban đảng tỉnh thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân công, quy định trách nhiệm… cho phù hợp. Đồng thời, tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành kết luận tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 23; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo BTV Tỉnh ủy chỉ đạo.
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nhận thức sâu sắc của các cấp ủy đảng, cán bộ và đảng viên; tiếp tục quán triệt NQ Trung ương 5, khóa X gắn với NQ số 03-NQ/TU ngày 18-1-2021 của Tỉnh ủy và các NQ, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về xây dựng các tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh để cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, xem đây là công việc hệ trọng, tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên và liên tục, hiệu quả.
|
Quốc Hùng