Tổng kết mô hình xử lý rác sinh hoạt, rác chợ thành phân hữu cơ

23/11/2018 - 17:52

Ngày 23-11-2018, tại xã Tân Trung, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỏ Cày Nam tổng kết thực hiện mô hình xử lý rác sinh hoạt, rác chợ thành phân hữu cơ.

Rác thải trên địa bàn huyện chủ yếu phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, trường học, bệnh viện... với khối lượng phát sinh ước tính trên 90 tấn/ngày. Trong khi đó, lượng rác được thu gom bởi các cơ sở thu gom, xử lý rác chỉ khoảng 20 tấn/ngày, chủ yếu tập trung các tuyến đường chính trên địa bàn của các xã: Tân Hội, Đa Phước Hội, An Thạnh, nội ô thị trấn Mỏ Cày; các chợ xã: An Thạnh, An Thới, Định Thủy, Hương Mỹ, Tân Trung, Minh Đức, Cẩm Sơn, Thành Thới A, An Thới được vận chuyển về bãi rác huyện tại ấp An Phong, xã An Thạnh chôn lấp hợp vệ sinh. Các chợ xã: An Định, Cẩm Sơn lượng rác khoảng từ 1,5 - 2 tấn/ngày, được chôn lấp tại đất vườn của các hộ dân hoặc đất công trên địa bàn xã.

Để xử lý lượng rác còn tồn đọng có hiệu quả, ngày 8-3-2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch số 222 về việc xây dựng mô hình xử lý rác sinh hoạt, rác chợ thành phân hữu cơ và tổ chức triển khai đến cán bộ môi trường xã, thị trấn để làm tham mưu cho UBND xã, thị trấn. Đồng thời, phòng phối hợp với UBND 4 xã: Định Thủy, An Thới, Tân Trung, Cẩm Sơn tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 hộ dân tham gia. Trong đó, chọn ra 57 hộ thực hiện điểm mô hình phân loại xử lý rác tại gia đình thành phân hữu cơ sử dụng trong nông nghiệp, kết hợp nấm Trichoderma và nuôi trùn quế.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hỗ trợ các xã men vi sinh  với số lượng 2kg/hộ, riêng xã Cẩm Sơn, mỗi hộ 5kg và 2 triệu đồng xây dựng hố xử lý rác thải để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy rác hữu cơ thành phân.

Qua kết quả thực hiện, người dân thấy được lợi ích, hiệu quả mô hình đã duy trì hoạt động tốt, từng bước nhân rộng mô hình, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh nơi sống, nơi công cộng.

Các xã, thị trấn cũng đã triển khai Kế hoạch số 222 đến các ấp, khu phố, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, chọn ấp điểm để tổ chức thực hiện, tổ chức tuyên truyền sâu rộng mô hình phân loại và xử lý rác làm phân hữu cơ đến các các ngành, đoàn thể xã, ấp và nhân dân.

Các hộ tham gia thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt, tận dụng phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt sau khi hoai mục để trồng rau, bón cây... giúp tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập, góp phần cùng địa phương từng bước thực hiện tốt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Đức Cần

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN